Học viện Hàng không VN dự kiến đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ VN
Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam, phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An - Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam cho biết: Theo kế hoạch dự kiến trong năm 2025 Học viện Hàng không Việt Nam sẽ đổi tên thành Trường Đại học Hàng không Vũ trụ Việt Nam (Vietnam Aerospace University) nhằm phù hợp với định hướng phát triển của học viện theo xu hướng đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó trọng tâm về các ngành thuộc lĩnh vực hàng không và vũ trụ.
Tuy nhiên, thầy An cho biết, đây là kế hoạch dự kiến, học viện đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật và xin ý kiến của Chính phủ cũng như Bộ Giao thông Vận tải.
Dự kiến xây dựng thêm cơ sở thứ 4 gần sân bay Long Thành
Theo Chủ tịch Hội đồng Học viện Hàng không Việt Nam, nhà trường đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.
Trong đó, nếu như năm 2023 nhà trường xác định sứ mạng là "đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Việt Nam và các nước trong khu vực" thì trong thời gian sắp tới trước sự thay đổi của nhu cầu xã hội, công nghệ, hiệu quả đầu tư, sự chuyển dịch ngành nghề, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục và đặc biệt là tương lai phát triển của giáo dục đại học, nhà trường cần phải xây dựng chiến lược phát triển mới.
Cụ thể, Học viện Hàng không Việt Nam xác định sứ mạng năm 2030 là "đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, tư vấn và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và vũ trụ và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác đạt tiêu chuẩn quốc tế cho Việt Nam và các nước trong khu vực trên nền tảng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo, loT, Big Data, Blockchain và Phát triển xanh".
Tầm nhìn đến năm 2030 trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ngành hàng không và vũ trụ và các ngành kinh tế, kỹ thuật khác có uy tín trong nước và quốc tế trên nền tảng công nghệ mới: Trí tuệ nhân tạo, loT, Big Data, Blockchain và Phát triển xanh. Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành cơ sở tư vấn cá nhân hóa học tập và đánh giá cấp bằng.
Đáng chú ý, học viện dự kiến sẽ xây dựng thêm cơ sở thứ 4 tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (phân hiệu Long Thành). Dự kiến quy mô của cơ sở thứ 4 rộng 32ha, cách sân bay Long Thành khoảng 5km với cơ sở vật chất hiện đại, bao gồm các phòng học, phòng thí nghiệm, mô phỏng tiên tiến...
Phân hiệu Long Thành sẽ được phát triển qua 3 giai đoạn, kéo dài 15 năm từ 2026 đến 2040 với tổng ngân sách dự kiến khoảng 25.000 tỷ đồng, bằng nguồn thu sự nghiệp của học viện.
Theo đó, giai đoạn 1 khởi công xây dựng từ năm 2026 - 2030, trong đó, khởi công xây dựng năm 2026 và đưa vào hoạt động từ năm 2027, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2030 phục vụ 5.000 sinh viên theo học.
Giai đoạn 2 xây dựng từ 2032 - 2035, đảm bảo đến năm 2035 có thể phục vụ 10.000 sinh viên theo học.
Giai đoạn 3 xây dựng từ 2036 - 2040 để hoàn thiện toàn bộ phân hiệu.
Đào tạo nhân lực hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An, trong giai đoạn 2025 - 2035, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ đẩy mạnh các công nghệ như: Học liệu số và nền tảng học tập trực tuyến (LMS); Hệ thống quản lý thông tin; Thực tế ảo; Trí tuệ nhân tạo (AI); Internet of Things (IoT); Big Data; Blockchain; Học máy (Machine Learning)...
Cụ thể, từ năm 2025, nhà trường bắt đầu triển khai ứng dụng Al, IoT, Big data trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; Hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông tin với hệ thống máy chủ, mạng, wifi; Sử dụng chatbots để tư vấn tuyển sinh, truyền thông; Sử dụng Al xây dựng các clip truyền thông hình ảnh học viện; Tổ chức lớp dạy Al, loT, Big data, Blockchain cho cán bộ giảng viên và sinh viên; 100% giảng viên sử dụng Al trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học: biên soạn bài giảng, giáo trình, giáo án, giao khối lượng tự học, soạn đề thi, khai thác thông tin, viết báo cáo, công cụ nghiên cứu,...
Bên cạnh đó, người học được phép sử dụng Al trong học tập và nghiên cứu; Sử dụng chatbots hỗ trợ sinh viên, Chatbots trả lời cho giảng viên, sinh viên về quy chế học, quy chế thi, thi lại,... Sử dụng Al bổ sung/rà soát ngân hàng đề thi; Al lập kế hoạch giảng dạy, lập thời khóa biểu, lịch thi, xếp lớp học phần,... Chatbots tư vấn về pháp luật giáo dục, quy chế, quy định, quy trình,.... cho giảng viên và sinh viên; Sử dụng Al dự báo tuyển sinh; Thử nghiệm thi cuối kỳ bằng đánh giá thích nghi máy chấm; Mở mới các ngành Al, IoT, Big Data, Dữ liệu, An ninh mạng, UAV & Robotics; Kinh doanh số,...
Đặc biệt trong thời gian tới, nhà trường sẽ đẩy mạnh các chương trình đào tạo liên quan nhằm cung ứng cho nguồn nhân lực về hàng không theo tiêu chuẩn quốc tế như: Quản lý hoạt động bay, Hệ thống kỹ thuật quản lý bay, Kỹ thuật Hàng không, Thiết bị bay không người lái (UAV, Drone, Flycam), Kinh tế Hàng không, Quản trị kinh doanh Hàng không, Logistics và vận tải đa phương thức, Logistics và chuỗi cung ứng, Tự động hóa và điều khiển, Điều khiển thiết bị bay không người lái và robotics, Kinh doanh quốc tế, Thương mại quốc tế, Marketing quốc tế…
Để thực hiện được mục tiêu này, Học viện Hàng không Việt Nam sẽ tập trung xây dựng lực lượng cán bộ, giảng viên nòng cốt (năm 2025 có 35% giảng viên có trình độ tiến sĩ) để trực tiếp hướng dẫn, tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu của từng vị trí việc làm, khai thác hiệu quả công nghệ phục vụ cho công việc. Mục tiêu đến năm 2027 nhà trường có 40% giảng viên tiến sĩ, năm 2030 có 50% giảng viên tiến sĩ và năm 2035 số giảng viên trình độ tiến sĩ chiếm 60%.
Năm 2025, Học viện Hàng không Việt Nam dự kiến tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu với 32 chuyên ngành đào tạo đại học, 3 chuyên ngành thạc sĩ và 1 chuyên ngành tiến sĩ.
Trong thời gian sắp tới, nhà trường cũng chú trọng nâng cao chất lượng, kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao thứ hạng trên các bảng xếp hạng trong nước và quốc tế.