Hạ tầng số thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk

Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh Đắk Lắk được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã.

Năm 2024, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều kết quả tích cực. Thông qua công tác triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số, kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi trường chính sách, đảm bảo đủ nguồn nhân lực, tổ chức triển khai, đào tạo, tuyên truyền phổ biến... đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Hiệu quả công tác quản lý nhà nước được nâng cao. Môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức từng bước được cải thiện theo hướng hiện đại.

Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) đi vào hoạt động, giúp công tác điều hành, xử lý công việc của các cơ quan minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh: LM

Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) đi vào hoạt động, giúp công tác điều hành, xử lý công việc của các cơ quan minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả. Ảnh: LM

Một trong những động lực để thúc đẩy chuyển đổi số tại Đắk Lắk chính là việc phát triển hạ tầng số.

Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3962/QĐ-UBND về việc ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk (phiên bản 2.0) và đã tổ chức triển khai, duy trì, cập nhật Kiến trúc hàng năm theo quy định của Chính phủ, Bộ TT&TT.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh được phê duyệt để làm cơ sở tham chiếu trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, xây dựng phát triển chính quyền số gắn với cải cách hành chính hướng tới xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Đắk Lắk đã được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2020. Trục liên thông văn bản tỉnh hoạt động ổn định, đảm bảo việc liên thông gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh; liên thông đến 100% các bộ, ban, ngành và 62 tỉnh, thành phố trên cả nước và kết nối với nhiều hệ thống, cơ sở dữ liệu của Trung ương.

Tháng 9/2021, tỉnh Đắk Lắk chính thức đưa Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) đi vào hoạt động, giúp công tác điều hành, xử lý công việc của các cơ quan minh bạch, nhanh chóng, hiệu quả và là cầu nối thúc đẩy tương tác, giám sát trao đổi hai chiều giữa chính quyền và người dân.

Hiện tại, IOC Đắk Lắk đã đưa vào vận hành 10 dịch vụ và đã được đầu tư một số hạ tầng cơ bản để giám sát điều hành đô thị thông minh.

Theo đại diện của trung tâm IOC, nhiều dịch vụ hoạt động hiệu quả như phản ánh hiện trường; từ lúc triển khai vào năm 2023 đến hiện tại đã tiếp nhận trên 1400 phản ánh, đặc biệt trong 8 tháng đầu năm 2024 đã tiếp nhận 439 lượt phản ánh, trong đó có 398 lượt phản ánh đã được các cơ quan chức năng xử lý. Các phản ánh nhận được phản hồi tích cực từ người dân với mức độ hài lòng trên 95%.

Để thực hiện đầu tư hạ tầng CNTT và các ứng dụng phục vụ chuyển đổi số, triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, tháng 12/2022, UBND tỉnh đã phê duyệt “Dự án xây dựng hạ tầng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk” giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng.

Tại Đắk Lắk, thông tin viễn thông đang đóng vai trò là hạ tầng đặc biệt quan trọng trong xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng của tỉnh được mở rộng với 235 điểm đảm bảo về kỹ thuật, an toàn thông tin phục vụ việc kết nối, liên thông 4 cấp từ Trung ương đến tỉnh và đến tất cả các sở, ngành, 15 UBND huyện, thị xã, thành phố; 184 UBND xã, phường, thị trấn.

Mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng điện thoại 3G, 4G đến thôn, buôn.

Tỉ lệ phủ sóng 4G đạt 99,23% dân số, số thuê bao băng rộng di động đạt 112,88/100 dân. Tổng số thuê bao Internet đạt 1.364.861 thuê bao; tổng số thuê bao Internet băng rộng di động đạt 2.000.000 thuê bao.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình; 100% xã phổ cập mạng di động 4G, 5G, tỉ lệ người dân có thanh toán điện tử là trên 50%.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ bưu chính, viễn thông, CNTT giá rẻ, rút ngắn khoảng cách số.

Nhiều dịch vụ công trực tuyến của Đắk Lắk đã được đưa vào để phục vụ người dân. Ảnh: LM

Nhiều dịch vụ công trực tuyến của Đắk Lắk đã được đưa vào để phục vụ người dân. Ảnh: LM

Đắk Lắk đã hoàn thành việc xây dựng các phần mềm phục vụ việc tạo lập, cập nhật các cơ sở dữ liệu, như: Cơ sở dữ liệu kinh tế - xã hội tích hợp trong hệ thống báo cáo của tỉnh; Cơ sở dữ liệu quản lý cán bộ công chức; Cơ sở dữ liệu quản lý giống cây trồng; Cơ sở dữ liệu báo cáo thống kê ngành thông tin và truyền thông; Cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực văn hóa, thông tin; Cơ sở dữ liệu thi đua, khen thưởng trong lĩnh giáo dục của tỉnh…

Kho dữ liệu điện tử cá nhân của công dân đang được hoàn thiện, giúp công dân chủ động quản lý, lưu trữ dữ liệu điện tử của cá nhân trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu giao dịch trực tuyến của người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước.

Hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng của tỉnh (SOC) vận hành 5 giải pháp và được kết nối với Trung tâm giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu và các hệ thống thông tin trong quá trình vận hành, kết nối, trao đổi.

Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã.

Các hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Tuy nhiên, Đắk Lắk cũng còn gặp một số khó khăn khi phát triển hạ tầng số tại vùng sâu, vùng xa, vẫn còn tình trạng lõm sóng di động ở một số thôn, buôn. Nguyên nhân là do ở các vùng này địa hình khó khăn, phức tạp, thêm vào đó nguồn lực của tỉnh cũng còn hạn chế.

Lê Mỹ

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-tang-so-thuc-day-chuyen-doi-so-tinh-dak-lak-2356389.html
Zalo