Từ 'Bình dân học vụ' đến 'Bình dân học vụ số'

Phong trào 'Bình dân học vụ' đã tạo nên 'cuộc cách mạng xóa giặc dốt' năm 1945. Sau 80 năm, 'Bình dân học vụ số' được phát động, hướng đến 'xóa mù công nghệ' cho toàn dân.

Năm 1938, Pháp ghi nhận: 95% dân chúng Việt Nam không biết một thứ chữ gì. Chỉ ít ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết. Trong đó, nhiệm vụ chống nạn mù chữ được xếp thứ 2, sau nhiệm vụ chống giặc đói. Ít ngày sau đó, ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ. Việc học chữ Quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người.

Những năm sau đó, lớp học “i, tờ” mọc lên khắp nơi. Người biết chữ làm giáo viên không lương, người dân đi học để có thể viết tên mình. Những câu thơ xốc vác tinh thần nhau được truyền đi rộng rãi: “Cụ Hồ kêu gọi thi đua diệt dốt/ Bà con mình cùng tới lớp bình dân/ Thi đua học tập chuyên cần/ Đến ngày bầu cử ghi hai chữ ân nhân: Cụ Hồ!”, “Tuổi cao mắt mạ có mờ/ Dằn lòng son sắt mạ chờ Bác vô/ Đêm đêm nhẩm đọc i tờ/ Cầu sao viết được chữ Hồ Chí Minh/ Nêu lên lá phiếu đinh ninh/ Khắc sâu trong dạ mối tình Bắc Nam…”. Chỉ 1 năm sau ngày Nha Bình dân học vụ được thành lập, 75.000 lớp học được mở, quy tụ hơn 95.000 giáo viên.

Sau 20 năm, cả nước đã căn bản xóa nạn mù chữ - hậu quả do chính sách ngu dân của thực dân Pháp xâm lược để lại. Thành tựu xóa nạn mù chữ là nền tảng đầu tiên, căn bản nhất để cách mạng Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đạt được thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.

Tỉnh đoàn ra mắt đội hình “Bình dân học vụ số”

Tỉnh đoàn ra mắt đội hình “Bình dân học vụ số”

Phong trào “Bình dân học vụ” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, khép lại chuỗi ngày đi tìm con chữ của người dân Việt. Nhưng sự học là mãi mãi, không bao giờ có điểm dừng. Nghị quyết 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cho thấy, cần tận dụng công nghệ số như một phương tiện hỗ trợ mạnh mẽ cho việc tự học, học tập suốt đời. Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc học tập trên nền tảng số là yêu cầu tất yếu. Công nghệ số sẽ giúp truyền bá tri thức, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người tự học và phát triển bản thân.

Giai đoạn này, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu một số công việc cần làm ngay, trong đó có việc phát động thực hiện phong trào “Bình dân học vụ số”. Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân (kể cả cán bộ trong cơ quan Nhà nước) chưa nắm vững về chuyển đổi số. Yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định: “Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ với động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Chúng ta phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp bách, đó là phổ cập tri thức, công nghệ về chuyển đổi số, kỹ năng số cho toàn dân, tức là “xóa mù” về chuyển đổi số”.

Trong Tháng Thanh niên 2025, Tỉnh đoàn “phát pháo” triển khai phong trào “Bình dân học vụ số”. Các cơ sở đoàn trong tỉnh thành lập đội hình “Bình dân học vụ số”. Thành viên là cán bộ Đoàn, Hội, đoàn viên, hội viên, thanh niên có kiến thức tốt về công nghệ; có khả năng tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân (chú trọng người cao tuổi, người ít tiếp xúc công nghệ).

Đội hình này chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân, hộ gia đình tham gia sàn thương mại điện tử uy tín của doanh nghiệp trong nước; kỹ năng bán hàng qua sàn thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, ứng dụng số khác phục vụ sản xuất - kinh doanh; hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tương tác với chính quyền qua nền tảng số. Bằng bước đi nhỏ, thanh niên tỉnh nhà kỳ vọng góp phần vào bước đi lớn của toàn tỉnh trong việc hình thành cộng đồng thích ứng chuyển đổi số; tham gia xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, công dân số.

Ngày 19/5, tỉnh An Giang phát động phong trào “Bình dân học vụ số” gắn với ra mắt ứng dụng "Học tập suốt đời". Đây là hoạt động mở đầu, tạo khí thế thi đua sôi nổi, đưa “Bình dân học vụ số” trở thành phong trào thường xuyên, liên tục, phát triển sâu rộng, đều khắp; trở thành bước đột phá trong nâng cao nhận thức, kỹ năng số, đặc biệt cho đối tượng ở vùng sâu, vùng xa hoặc chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ. Nhiều tổ chức, cá nhân và người dân được huy động tham gia tích cực phong trào, nhằm phổ cập kiến thức về trí tuệ nhân tạo đến mọi tầng lớp Nhân dân.

Phong trào “Bình dân học vụ số” được truyền cảm hứng và kế thừa, phát huy từ phong trào “Bình dân học vụ”, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói: “Đây không chỉ là một sáng kiến giáo dục, phong trào “Bình dân học vụ số” còn là cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Bằng việc phát huy bài học lịch sử, phấn đấu xây dựng một xã hội không chỉ giàu tri thức mà còn giàu sức mạnh công nghệ, sẵn sàng hội nhập, phát triển”, “Tri thức là chìa khóa, công nghệ là cánh cửa để mở ra một tương lai tươi sáng hơn. Để lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”, không chỉ cần quyết sách, sự hỗ trợ từ Chính phủ, tổ chức xã hội, mà hơn hết, người dân chính là chủ thể, cần chủ động học hỏi, sẵn sàng chia sẻ, ứng dụng tri thức số, cùng xây dựng một xã hội tiến bộ trong kỷ nguyên mới”.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tu-binh-dan-hoc-vu-den-binh-dan-hoc-vu-so--a420952.html
Zalo