Qua thời 'xóa đói, giảm nghèo', đến lúc toàn dân thi đua làm giàu

Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu là để mọi người phát huy hết năng lực, mở ra tinh thần trong toàn dân đua tranh, cạnh tranh phát triển trong nền kinh tế.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị sáng 18/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu đóng góp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng trò chuyện với các doanh nhân bên lề hội nghị sáng 18/5. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng trò chuyện với các doanh nhân bên lề hội nghị sáng 18/5. (Ảnh: VGP)

Làm giàu nhanh hơn, hiệu quả hơn

Bình luận về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng, đây là lần đầu tiên sau gần 40 năm Đổi mới, một lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông báo tới cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân rằng chúng ta sẽ "thi đua làm giàu".

Nhắc lại tiến trình phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, ông Doanh cho biết, bên cạnh những thành tựu to lớn, vấn đề phân hóa giàu nghèo càng trở nên rõ ràng hơn từ khi Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh một bộ phận dân cư giàu lên nhanh chóng do có những lợi thế về đất đai, tiền vốn, sức khỏe, trí tuệ... thì một bộ phận dân cư khác lại nghèo đói do gặp phải những bất lợi trong cuộc sống.

Từ thực tiễn đó, xuất hiện phong trào "tự giúp nhau" xóa đói, giảm nghèo do các tổ chức chính trị - xã hội phát động ở TP.HCM vào đầu thập niên 90 thế kỷ XX.

Đến cuối năm 1992, từ phong trào xóa đói giảm nghèo, Chương trình xóa đói giảm nghèo (tên gọi ban đầu là "Chương trình phấn đấu thu hẹp và từng bước xóa hộ nghèo đói") của TP.HCM ra đời; và sau đó nhanh chóng trở thành Chương trình quốc gia được duy trì liên tục và phát triển cho đến ngày nay. Xóa đói, giảm nghèo là chương trình quốc gia có quy mô rộng lớn và kéo dài trong nhiều năm.

Về cơ bản chúng ta dần thoát ra được thời kỳ "xóa đói, giảm nghèo" và bây giờ có thể chuyển sang bước phát triển cao hơn là làm giàu và khuyến khích toàn dân tham gia, thi đua làm giàu một cách chính đáng

TS Lê Đăng Doanh

Xuất phát từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao của đất nước, ông Doanh cho hay, từ năm 2012 đến nay, Chính phủ ban hành các quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững cho các giai đoạn 2012-2015, giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021-2025. Những chương trình này được tổ chức với mục đích giảm bớt tình trạng nghèo ở các vùng, các khu vực khó khăn.

"Quá trình xuyên suốt đó cùng lời phát biểu hôm nay của Thủ tướng là một bước phát triển đáng mừng. Về cơ bản chúng ta đã dần thoát ra được thời kỳ "xóa đói, giảm nghèo" và bây giờ có thể chuyển sang bước phát triển cao hơn là làm giàu và khuyến khích toàn dân tham gia, thi đua làm giàu một cách chính đáng, trong khuôn khổ pháp luật, làm giàu nhanh hơn, hiệu quả hơn", TS Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, cho rằng thời điểm này, Chính phủ và Thủ tướng quyết định phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu là hoàn toàn phù hợp.

"Tôi cho rằng, mục tiêu của Chính phủ khi phát động phong trào là "cởi trói" để mọi người phát huy hết năng lực, mở ra tinh thần trong toàn dân đua tranh, cạnh tranh phát triển trong nền kinh tế", ông Thiên nhận định.

Nêu bản chất của thị trường đã có tính cạnh tranh và có sự duy trì động lực này với sự bền bỉ, liên tục, PGS.TS Trần Đình Thiên lưu ý khi thiết kế phong trào cần thiết thực, đồng bộ để tạo thêm tính cạnh tranh cho thị trường, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột".

Giàu không đơn thuần chỉ là tiền bạc, thu nhập

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết "lời tuyên bố" của lãnh đạo Chính phủ hôm nay gợi nhắc cho ông mong muốn Việt Nam "sánh vai với các cường quốc năm châu" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Khi dân tộc mình còn rất nghèo đói, còn phải bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ... mà Bác Hồ đã có khát vọng to lớn đó rồi. Giờ đây, ít nhiều thì chúng ta có của ăn của để, có sự phát triển khấm khá hơn sau 40 năm Đổi mới thì mình càng có ước mơ, thực hiện khát vọng mạnh mẽ ấy. Toàn dân thi đua làm giàu cũng là cách thực hiện khát vọng sánh vai với các cường quốc năm châu", ông Thành nhấn mạnh.

TS Thành cho rằng, khát vọng làm giàu đã được đề cập rất nhiều trong các văn bản, sách báo, chương trình phát thanh, truyền hình hàng chục năm nay. Nhưng thời điểm này, khát vọng ấy được nhấn nhá, được thể hiện mạnh mẽ hơn bởi gắn với 2 câu chuyện.

Giàu phải gắn với câu chuyện phát triển bền vững, phát triển bao trùm và giàu về tinh thần, giàu về văn hóa

TS Võ Trí Thành

Thứ nhất, chúng ta đề ra mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng trong giai đoạn tới, như: phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thuộc nhóm 30 nền kinh tế có quy mô GDP hàng đầu thế giới, tạo tiền đề vững chắc đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc vào năm 2045.

Thứ hai, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Bản chất nói về khu vực tư nhân nhưng đằng sau là thể hiện khát vọng của người dân, của các nhà hoạch định chính sách, của dân tộc vươn lên.

"Giàu ở đây không đơn thuần chỉ là giàu về tiền bạc, thu nhập và gắn với câu chuyện tăng trưởng cao. Cái đó quan trọng nhưng không đủ. Giàu phải gắn với câu chuyện phát triển bền vững, phát triển bao trùm và giàu về tinh thần, giàu về văn hóa", Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói.

Cùng bàn luận, PGS.TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, cho rằng khi chúng ta có thêm những tỷ phú thì họ sẽ dùng một phần tài sản để hỗ trợ cho các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế...

Theo ông Lược, tại Mỹ, nhiều trường đại học công lập nhưng các tỷ phú hỗ trợ rất lớn, thậm chí có trường ngân sách Nhà nước chỉ cấp 40%, còn lại là nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp tư nhân.

"Vì vậy, Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành rất kịp thời, xác đáng để khuyến khích những doanh nghiệp tư nhân làm giàu. Và khi phong trào thi đua mà Thủ tướng nhắc đến được triển khai sẽ tạo động lực cho toàn dân làm giàu. Rồi chính những tỷ phú đó sẽ đóng góp, hỗ trợ cho Nhà nước, xã hội phát triển", PGS.TS Võ Đại Lược nêu quan điểm.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/qua-thoi-xoa-doi-giam-ngheo-den-luc-toan-dan-thi-dua-lam-giau-ar943833.html
Zalo