TS Nguyễn Xuân Thủy: Tiếp tục đổi mới, đăng kiểm sẽ sớm phát triển mạnh mẽ
Cuộc 'giải cứu' ngành đăng kiểm được thực hiện rốt ráo trong thời gian qua, tiêu biểu nhất là sự ra đời của Thông tư 02/2023 của Chính phủ. Tuy nhiên, dù vướng mắc, khó khăn của đăng kiểm đã được tháo gỡ, song trước mắt vẫn còn cả núi việc phải làm.
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông dành sự quan tâm đặc biệt đối với hoạt động đăng kiểm trong thời gian qua đã có những chia sẻ đầy tâm huyết với Kinh tế & Đô thị về hiện trạng cũng như giải pháp để đưa đăng kiểm trở lại quỹ đạo ban đầu.
Thoát hiểm nhờ “phao cứu sinh”
Ngày 21/3/2023, Thông tư 02/2023/TT-BGTVT chính thức được ban hành. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là chiếc “phao cứu sinh” xuất hiện đúng lúc cả ngành đăng kiểm trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Ông nghĩ gì về nhận định này?
- Đầu tiên phải khẳng định, nhờ có Thông tư 02/2023, nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đăng kiểm đã được tháo gỡ. Đây là thay đổi rất quan trọng bởi liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách trong hoạt động đăng kiểm. Mà cơ chế, chính sách lại chính là nút thắt lớn nhất cần phải tháo nếu như muốn “giải cứu” cho đăng kiểm khỏi tình trạng quá tải, thậm chí có lúc tưởng chừng như đứng trước nguy cơ vỡ trận trong thời gian vừa qua.
Thông tư 02/2023 với điểm nhấn quan trọng là cho phép giãn cách chu kỳ đăng kiểm đối với một số phương tiện cơ giới đã giúp cho ngành đăng kiểm trụ vững qua giai đoạn sóng gió lớn nhất vừa qua.
Vậy theo ông, hoạt động đăng kiểm đã có sự thay đổi như thế nào?
- Thay đổi dễ nhận thấy nhất của ngành đăng kiểm trong thời gian qua là việc đổi mới cách thức đăng kiểm. Thay vì đăng kiểm bình quân như ngày trước mà giờ đây đăng kiểm được thực hiện theo từng loại xe, loại phương tiện. Đồng thời, chu kỳ đăng kiểm được giãn cách, thời gian thực hiện đăng kiểm được rút ngắn, phân loại phương tiện ra để đăng kiểm từng loại cho phù hợp...
Tất cả những thay đổi đó giúp cho công tác đăng kiểm được thực hiện nhanh hơn, tiết kiệm thời gian hơn trong khi chất lượng đăng kiểm vẫn được bảo đảm. Nếu tiếp tục duy trì được sự đổi mới này, tôi tin rằng đăng kiểm sẽ sớm thoát ra hoàn toàn khỏi khó khăn hiện nay và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Ngoài trợ lực từ cơ chế, chính sách, ngành đăng kiểm đã làm được những gì để tự cứu mình trong thời gian qua, thưa ông?
- Có thể thấy sau khi loạt sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm bị đưa ra ánh sáng, ngành đăng kiểm đã tỏ ra rất tích cực để sửa sai và làm mới mình. Những thay đổi này được thể hiện trên nhiều khía cạnh, từ công tác tổ chức, nhân sự đến quy hoạch, trình độ…
Trong đó, thay đổi đáng chú ý nhất là vấn đề nhân sự. Những nhân sự sai phạm, yếu kém đều đã không còn. Tất cả đã được thay thế bằng những con người mới, tốt hơn. Những trung tâm đăng kiểm để xảy ra sai phạm đã được tổ chức lại và khôi phục hoạt động. Đặc biệt, hoạt động đăng kiểm được tiếp sức từ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, năng lực đăng kiểm đã từng bước được khôi phục và tăng lên phần nào.
Nhân nói đến lực lượng tiếp sức cho ngành đăng kiểm trong thời gian qua. Có ý kiến cho rằng, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an nên tiếp tục tham gia vào công tác đăng kiểm trong tương lai thay vì chỉ làm công tác hỗ trợ trong giai đoạn này. Ông có quan điểm gì về vấn đề này?
- Nên có sự tham gia của lực lượng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vào hoạt động đăng kiểm, đồng thời giảm bớt lực lượng tư nhân đi. Trước đây, lực lượng tư nhân chiếm khoảng 60%, thậm chí còn hơn nhưng sau vụ bê bối vừa qua của ngành đăng kiểm, đã đến lúc phải giảm bớt lực lượng tư nhân, tăng cường thêm lực lượng công an, quân đội trong hệ thống đăng kiểm để củng cố nề nếp, kỷ luật, kỷ cương.
Từ đó, việc chạy theo thị trường, cạnh tranh không lành mạnh và cả những tiêu cực trong đăng kiểm sẽ giảm bớt. Đương nhiên, chúng ta vẫn sẽ tổ chức hệ thống các trạm đăng kiểm theo hướng tận dụng năng lực của xã hội nhưng cần giảm bớt ảnh hưởng của lực lượng tư nhân. Tức là họ vẫn sẽ tham gia hoạt động đăng kiểm nhưng sẽ không phải là lực lượng nắm quyền cao nhất như hiện nay.
Không thể chỉ vì sai phạm mà giao cho đơn vị khác
Có thể nói, đến thời điểm này ngành đăng kiểm đã vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo nhất, tuy nhiên, chặng đường phía trước còn rất nhiều trở ngại. Theo ông, ngành đăng kiểm cần làm gì để vượt qua những trở ngại đó?
- Đúng là đăng kiểm đã “hạ nhiệt” đi nhiều so với mấy tháng trước nhưng vẫn còn rất nhiều áp lực. Trong đó khó khăn nhất vẫn là thiếu hụt nhân sự.
Chúng ta đều biết hiện nay ngành đăng kiểm đang thiếu hụt nhân sự. Bên cạnh đó, chất lượng của lực lượng đăng kiểm hiện nay cũng chưa bảo đảm khi tỷ lệ đăng kiểm viên trình độ cao vẫn còn ít. Để giải quyết được vấn đề này, ngoài việc tiếp tục tăng cường đào tạo để bổ sung nhân lực cho các trung tâm đăng kiểm thì ngành đăng kiểm cần điều chỉnh tiêu chí để nâng cao trình độ các đăng kiểm viên.
Ví dụ như đăng kiểm viên phải có trình độ như nào trở lên mới được tham gia vào công tác kiểm định xe cơ giới; rồi người phụ trách các trung tâm đăng kiểm phải có đầy đủ những tiêu chí gì. Đặc biệt, đối với người đứng đầu các trung tâm đăng kiểm cần phải có quy định rõ ràng về ràng buộc trách nhiệm khi để xảy ra sai sót hay tiêu cực tại trung tâm đó.
Nhắc đến vấn đề thiếu hụt nhân sự, thời gian qua không ít người đã bỏ việc tại các trung tâm đăng kiểm vì không chịu được áp lực quá lớn. Ngoài việc đào tạo, bổ sung người mới, đăng kiểm cần làm gì để giữ chân người lao động, thưa ông?
- Không chỉ riêng đăng kiểm mà đối với bất cứ ngành, nghề nào, thì một trong những điều tối quan trọng để giữ chân người lao động chính là chế độ đãi ngộ xứng đáng. Từ lương bổng đến vấn đề thưởng, phạt. Cả vấn đề phí đăng kiểm cũng cần từng bước cải tiến. Cần phải có lộ trình tăng phí đăng kiểm.
Tất nhiên không phải tăng ngay bây giờ mà cần xem xét, nghiên cứu kỹ trước. Việc tăng phí đăng kiểm sẽ giúp ngành có điều kiện để cải thiện chế độ tiền lương, nâng cao cuộc sống cho người lao động. Khi đời sống người lao động được bảo đảm, chất lượng cuộc sống của họ được nâng cao hơn đương nhiên những tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm vì thế cũng sẽ bớt đi nhiều.
Trong các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành đăng kiểm được đưa ra có nhắc đến việc phân quyền kiểm định xe cho các trung tâm bảo dưỡng của các DN sản xuất ô tô. Đề xuất này liệu có được chấp thuận không, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là không ủng hộ cách làm này. Ngành đăng kiểm được xây dựng và hình thành từ những năm 1954 - 1955 với lĩnh vực tiên phong là đăng kiểm tàu. Khi đó, chúng ta đã xây dựng được một lực lượng đăng kiểm bài bản, vừa giỏi chuyên môn, vừa chuẩn mực về đạo đức. Vậy thì việc gì phải bỏ cái nền tảng đã được xây dưng tốt như vậy để giao cho đơn vị khác.
Nước ta hiện chỉ có khoảng 5 triệu xe thôi nhưng riêng Thủ đô Jakarta của Indonesia đã 4 triệu xe rồi. Thậm chí như TP New York của Mỹ có tới hàng chục triệu xe, tức là trung bình cứ 3 - 4 người đã có một xe ô tô. Vậy tại sao ở họ không bị ùn tắc đăng kiểm như nước ta? Cái này cần phải học hỏi cách làm của thế giới để về áp dụng ở nước ta, làm sao để không gây ùn ứ đăng kiểm, gây bức xúc cho người dân như hiện nay.
Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy
Đăng kiểm là cơ quan chính thức của Nhà nước, cơ quan pháp nhân, cơ quan chức năng mang tính pháp lý, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về vấn đề an toàn phương tiện. Bởi vậy, hoạt động đăng kiểm cần phải được quản lý, vận hành bởi những con người, những cơ quan phù hợp.
Hơn nữa, bộ máy hoạt động của ngành đăng kiểm đã hình thành và kiện toàn từ lâu, trải qua một thời gian dài hoạt động, tích lũy được nhiều kinh nghiệm phải để cho bộ máy ấy, những con người ấy tiếp tục sứ mệnh của mình.
Nếu giao cho đơn vị khác làm liệu có bảo đảm sẽ tốt hơn không, sẽ không có sai phạm, tiêu cực không? Không thể chỉ vì những sai phạm vừa qua mà giao hoạt động đăng kiểm cho đơn vị khác. Điều cần thiết bây giờ là tiếp tục ủng hộ đăng kiểm, tạo điều kiện để họ đổi mới và phát triển.
Xin cảm ơn ông!