Tiên phong cải cách hành chính và chuyển đổi số

Năm 2024 chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, mở ra một giai đoạn mới trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Không đứng ngoài cuộc, từ 5 năm trước, Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính, trọng tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ trong quản lý, tạo ra một bước chuyển trong tư duy từ quản lý sang đồng hành, phục vụ. Đến nay, những mục tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành, là dấu ấn đột phá trong việc nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Công tác hiện đại hóa được ngành Tài chính quan tâm hướng đến xây dựng nền tài chính điện tử, hiện đại, minh bạch.

Công tác hiện đại hóa được ngành Tài chính quan tâm hướng đến xây dựng nền tài chính điện tử, hiện đại, minh bạch.

Tiên phong cải cách hành chính

Không phải ngẫu nhiên khi lãnh đạo Chính phủ đánh giá về công tác cải cách đã dành lời khen cho nỗ lực bền bỉ suốt nhiều năm qua của Bộ Tài chính. Thủ tướng Chính phủ đã từng nhấn mạnh, Bộ Tài chính là cơ quan nỗ lực đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều dự án luật có ý nghĩa lớn trong lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý thuế, hải quan, đầu tư, chứng khoán,… Mới đây nhất, cuối năm 2024, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung 9 luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN). Luật này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tích cực tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho NSNN.

10 năm liên tiếp Bộ Tài chính thuộc Top 3 xếp hạng PAR INDEX

Theo báo cáo tổng hợp kết quả chấm điểm Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang Bộ, Bộ Tài chính tiếp tục xếp vị trí thứ 3/17 bộ, cơ quan ngang bộ với 89,18% và đây là năm thứ 10 liên tiếp (từ 2014 - 2023), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index.

Bộ Tài chính là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực có quan hệ mật thiết với người dân, doanh nghiệp (DN). Sự "chuyển mình" của ngành Tài chính không chỉ mang lại hiệu quả cho công tác quản lý mà còn tác động trực tiếp tới người dân và cộng đồng DN. Công tác cải cách nói chung và cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng là cả quá trình, phải kiên trì thực hiện theo lộ trình. Đơn cử như tới nay, chỉ còn 747 dịch vụ công (DVC) thuộc quản lý của Bộ Tài chính, giảm gần 100 DVC so với thời điểm năm 2015. Trong đó, có 347 DVC trực tuyến toàn trình (tăng hơn 100 dịch vụ so với 2015), 108 DVC trực tuyến một phần và 292 dịch vụ cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đã hoàn thành kết nối, tích hợp 284 DVC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dấu ấn đáng ghi nhận là Bộ Tài chính luôn tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho mục tiêu chính phủ điện tử, chính phủ số.

Bộ Tài chính đã thành công trong việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với bán lẻ xăng dầu… Đến nay, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 11 tỷ hóa đơn. Đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Riêng trong năm 2024 thu 8.700 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngành Hải quan quyết liệt thực hiện "Hải quan số", "Hải quan thông minh" và "Hải quan xanh" hiện đại hóa ngành Hải quan, đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Kho bạc Nhà nước vinh dự nhận giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc với giải pháp Chuyển đổi số từ Kho bạc giao dịch truyền thống sang Kho bạc điện tử.

Quyết liệt chuyển đổi số

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh phải coi chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Thực hiện chỉ đạo này, ngành Tài chính quyết liệt triển khai chuyển đổi số, tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp DVC trực tuyến mức độ cao. Trong đó, tiên quyết là xây dựng và triển khai Đề án Hiện đại hóa, tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin thuế đáp ứng việc tái thiết kế quy trình nghiệp vụ theo hướng chuyển đổi số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa công tác quản lý, điều hành, giải quyết TTHC thuế.

Bộ Tài chính sẽ triển khai việc đầu tư Dự án thay thế, nâng cấp Hệ thống VNACCS/VCIS của Hải quan Việt Nam và xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Song hành với đó là thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tích hợp dịch vụ công trực tuyến…

Đặc biệt, trong bối cảnh thực hiện Đề án tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương, việc hiện đại hóa, tái cấu trúc hệ thống công nghệ thông tin của ngành Tài chính càng phải “nâng cao” hơn, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển, đảm bảo ổn định, không gây ngắt quãng, vừa phù hợp với mô hình, tổ chức sau khi sắp xếp.

Kỳ vọng, với những mục tiêu hóa rõ nét và cụ thể, công tác cải cách, chuyển đổi số và hiện đại của ngành Tài chính sẽ trở thành chiếc chìa khóa hữu ích cho việc xây dựng một chính phủ số hiện đại, minh bạch và gia tăng nội lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Hoàng Văn Anh - Trưởng Ban công tác hội viên của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét, cách thức tiếp cận thực hiện công tác cải cách TTHC của Bộ Tài chính thời gian qua luôn đi đúng hướng. Theo đó, sự đúng hướng đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả công tác quản lý nhà nước và thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế.

Một điều đáng ghi nhận là lãnh đạo Bộ Tài chính luôn sẵn sàng lắng nghe, trao đổi với DN, chỉ đạo, phối hợp cùng với các cơ quan có liên quan, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi hơn với DN.

Nhiều văn bản, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất, sửa đổi nhiều quy trình TTHC để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của DN và người dân. Bên cạnh đó, các cơ chế hợp tác, đồng hành với DN và người dân cũng được đẩy mạnh, qua đó đã giúp người dân, DN tiết giảm chi phí, nhân lực, tiết kiệm thời gian thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.

Hồng Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tien-phong-cai-cach-hanh-chinh-va-chuyen-doi-so-168812.html
Zalo