TS Lê Viết Khuyến: Phân luồng giáo dục bất hợp lí, nên hướng nghiệp sâu ở bậc THPT
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phân luồng trong giáo dục hiện nay bất hợp lí, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Một trong những giải pháp là cần thiết có chương trình giáo dục nghề nghiệp sâu hơn ở bậc THPT.
Theo TS Khuyến, một trong những vấn đề cần đặt ra sự quan tâm lớn đối với giáo dục đó chính là chất lượng nguồn nhân lực lao động. Thế nhưng, trên thực tế báo cáo điều tra lao động và việc làm trong nhiều năm qua của Tổng Cục thống kê cho thấy, Việt Nam có đội ngũ lao động với cơ cấu trình độ bất hợp lí. Điều này ảnh hưởng tới năng suất lao động trung bình cũng như GDP của Việt Nam.
Theo chuyên gia này, giáo dục hiện nay đang tồn tại những vấn đề bất cập, là nguyên nhân dẫn tới tình trạng chất lượng nguồn lao động bất hợp lí.
Thứ nhất, là do không có sự phân luồng học sinh một cách khoa học, bài bản ngay sau THCS.
Việc cho học sinh rẽ nhánh ngay sau THCS để đi vào trung cấp nghề (với thời gian đào tạo 1-2 năm, chủ yếu là dạy nghề) là lối đi vào “ngõ cụt". Bởi vì người học khi tốt nghiệp còn chưa đủ tuổi lao động; không có hướng tiếp tục học lên cho dù là cao đẳng, vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp THPT. Do đó xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau THCS người học đều nỗ lực mọi cách để tiếp tục học lên lớp 10 THPT, gây ra áp lực, căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp.
Thứ hai là theo luồng THPT nội dung của chương trình học trước đây cũng như Chương trình GDPT 2018 chưa thật sự thể hiện đúng tinh thần “định hướng nghề nghiệp" như đã nêu ở phần mục tiêu mà chỉ mang tính đặc trưng “phân ban hướng nghiệp”. Điều đó, thể hiện ở chỗ, học sinh vào lớp 10 được lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp với thế mạnh, năng lực bản thân. Trong suốt 3 năm THPT, học sinh tiếp tục được học kiến thức về các môn học văn hóa.
“Do đó nếu sau khi hoàn thành chương trình THPT mà người học gia nhập ngay thị trường lao động thì họ sẽ gần như “trắng” về chuyên môn - kỹ thuật. Trên thực tế, hiện nay nhiều học sinh tốt nghiệp THPT sẽ đi làm ngay”, ông Khuyến nói.
Đề xuất đào tạo hướng nghiệp trong bậc THPT
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, để đảm bảo cho chủ trương “đẩy mạnh phân luồng sau THCS; định hướng nghề nghiệp ở THPT” Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm luồng hướng nghiệp thứ hai là trung học hướng nghiệp vào Chương trình GDPT 2018.
Theo đó, song song với chương trình GDPT như hiện tại (luồng thứ nhất), cần bổ sung luồng thứ hai là trung học hướng nghiệp vào chương trình. Khi đó, phần bắt buộc vẫn như chương trình GDPT 2018, cộng với phần bổ sung các môn học nghề có thể lấy từ chương trình trung cấp nghề mở ra cơ hội cho các trường THPT chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn.
Việc thực hiện theo hai luồng này đều do các trường trung học phổ thông thực hiện với sự quản lý nhà nước, hướng dẫn và phân công của Bộ GD&ĐT. Phần nội dung tự chọn do các trường THPT chịu trách nhiệm chủ trì, trên cơ sở phối hợp với các cơ sở dạy nghề và các doanh nghiệp sản xuất cùng thực hiện.
Khi đó, học sinh học luồng THPT được cấp bằng tốt nghiệp THPT, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp được cấp bằng trung học phổ thông hướng nghiệp (theo các nghề khác nhau).
Cả hai loại bằng này đều có giá trị học vấn ngang nhau nên người học đều được quyền liên thông lên cao đẳng và đại học theo các ngành đào tạo phù hợp mà không cần phải học thêm nội dung bổ sung nào cả.
“Riêng học sinh theo học luồng trung học hướng nghiệp khi tốt nghiệp được công nhận đạt chuẩn đầu ra của bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được quyền hành nghề phù hợp”, theo ông Khuyến.