TS. Lê Duy Bình: Quan trọng là tăng trưởng cao nhưng phải bền vững và bền bỉ
'Dù các yếu tố khách quan và chủ quan đều rất ủng hộ, sẽ không có cây đũa thần nào giúp nền kinh tế Việt Nam tự nó tăng trưởng một cách dễ dàng ở mức 8% trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, cần các nỗ lực vượt bậc của toàn bộ nền kinh tế', TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.
Năm 2025 có thể tăng trưởng cao hơn năm 2024
KTSG: Xin nhắc lại một câu chuyện cũ, cũng khoảng thời gian này cách đây một năm, trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế tới 7% của Việt Nam cho năm 2024, ông là một trong số những người bày tỏ niềm tin chúng ta sẽ đạt được kết quả này. Vậy thì ông nghĩ sao về kỳ vọng tăng trưởng 8% cho năm 2025?
- TS. Lê Duy Bình: Chúng ta thấy, Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 cao hơn chỉ tiêu của Quốc hội giao và cao hơn mức tăng 7,09% mà Việt Nam đạt được trong năm 2024. Đây vừa là động lực, vừa là sức ép để các chủ thể trong nền kinh tế phải đặt quyết tâm, nỗ lực và có những hành động quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, giải phóng tối đa các tiềm năng, khai phóng nguồn lực và tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới.
Có thể nhìn thấy các điều kiện thuận lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025. Về mặt khách quan, trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2025 đạt 3,3%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng đưa ra mức 3,3%. Ngân hàng Thế giới (WB) vừa dự kiến là 2,7%, tương tự hai năm 2023 và 2024. Một trong những điểm tích cực là lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ giảm xuống mức trung bình 2,7%. Sự phục hồi kinh tế cùng với việc lạm phát đang từng bước được kiểm soát tại các thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… sẽ kích thích tiêu dùng của người dân tại các thị trường này, tác động tốt tới các nền kinh tế thiên về xuất khẩu như Việt Nam.
Đặc biệt, không khí đổi mới về thể chế kinh tế tạo nên sự hứng khởi cho các doanh nghiệp. Nhìn chung, cả các yếu tố khách quan lẫn chủ quan của nền kinh tế Việt Nam thời điểm này đều có nhiều điểm tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2024. Chúng ta có cơ sở để tin rằng, tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024.
Dù vậy, để đạt mức 8% như kỳ vọng, cần phải xem xét cụ thể hơn về những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Từ góc độ tổng cầu, với mức thu ngân sách năm 2024 vượt dự toán ít nhất 5%, chi tiêu Chính phủ năm 2025 sẽ duy trì và đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tổng cầu của nền kinh tế.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, những vướng mắc trong giải ngân đầu tư công cần tiếp tục được khắc phục, nhiều địa phương đã đặt mục tiêu giải ngân 95%, thậm chí 100% phân bổ đầu tư công năm 2025. Tuy nhiên, để dòng vốn đầu tư công xoay vòng hiệu quả trong nền kinh tế, giải ngân đầu tư công phải được bắt đầu ngay từ các tháng đầu năm, thay vì kéo dài tới tận tháng đầu tiên của năm sau. Một khi đồng vốn đầu tư công được đưa sớm vào nền kinh tế, nó sẽ lập tức phát huy tác dụng lan tỏa, kích khích nhờ khả năng có thể được quay vòng nhiều hơn trong năm và từ đó có tác động tốt tới mục tiêu tăng trưởng.
Đối với đầu tư tư nhân, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam được củng cố, nhờ đó sẽ giúp duy trì dòng vốn đầu tư FDI, với mức độ giải ngân tương đương năm ngoái, đồng thời kích thích đầu tư trong khối doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này sẽ bền vững nếu những cải cách về thể chế hiện nay tiếp tục được đẩy mạnh, từ đó tháo gỡ khó khăn, tồn tại, tiếp thêm động lực do doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi để trưởng thành và hội nhập tốt hơn với kinh tế toàn cầu.
Về tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 6.391.000 tỉ đồng, tăng 9% so với năm 2023, thể hiện sự phục hồi dù vẫn chưa bằng những năm trước đại dịch Covid-19. Kiểm soát lạm phát tốt và có các biện pháp để tăng thu nhập khả dụng sẽ giúp đẩy mạnh hơn tiêu dùng của người dân, tuy vậy, để tiêu nội địa trở thành một nhân tố kích hoạt tổng cung, cần nỗ lực hướng dòng tiêu dùng đến các sản phẩm doanh nghiệp trong nước sản xuất hoặc đóng góp phần giá trị gia tăng cao.
Như đã nói, nền kinh tế tại các thị trường nhập khẩu lớn hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam được cải thiện sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu của chúng ta. Tuy nhiên, xuất khẩu ròng có thể được cải thiện và đóng góp mạnh mẽ hơn cho mục tiêu tăng trưởng cao nếu như chúng ta giảm bớt được sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nhiên, nguyên liệu từ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng, nền kinh tế gia tăng hàm lượng giá trị nội địa trong xuất khẩu. Đây không phải là việc “một sớm một chiều” nhưng cần bắt đầu thay đổi càng sớm càng tốt.
Tóm lại, dù các yếu tố khách quan và chủ quan đều rất ủng hộ, sẽ không có cây đũa thần nào giúp nền kinh tế Việt Nam tự nó tăng trưởng một cách dễ dàng ở mức 8% trong năm 2025. Để đạt được mục tiêu đó, cần các nỗ lực vượt bậc của toàn bộ nền kinh tế.
KTSG: Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, đâu sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, thưa ông?
- Xuất, nhập khẩu là động lực quan trọng nhưng bị phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Mặt khác, muốn giá trị gia tăng của xuất, nhập khẩu tăng, cần phải có một quá trình, thông qua đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp trong nước và của cả nền kinh tế. Chúng ta cũng không thể trông chờ nhiều vào đầu tư công vì nó còn liên quan tới cân đối chung của ngân sách, trần nợ công… Vì vậy, hai yếu tố có thể phát huy tốt hơn là đầu tư tư nhân và tiêu dùng của người dân.
Nghĩa là, bên cạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí tuân thủ... để tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp, cần phải có cách thức khuyến khích, thúc đẩy tinh thần, khí thế kinh doanh hừng hực, mạnh mẽ như những năm 2000 khi Luật Doanh nghiệp mới ra đời. Thị trường phản ứng rất nhanh đối với những thay đổi, đổi mới về chính sách, thế nên, nếu làm được như vậy, đầu tư tư nhân sẽ tăng một cách đột biến. Đầu tư tư nhân, ngoài tác động trực tiếp tới GDP từ góc độ tổng cầu còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa, dịch vụ, nâng cao năng suất lao động, tác động cả tới GDP từ góc độ tổng cung, từ đó, tạo nên chuyển biến về chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Tiêu dùng chắc chắn được kích thích nếu chúng ta có những chính sách nâng cao thu nhập khả dụng của người dân, chẳng hạn, khắc phục những điểm còn bất cập của thuế thu nhập cá nhân. Dư địa tăng trưởng tiêu dùng của người dân còn được mở rộng nếu chúng ta có những biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn của các thị trường hàng hóa, dịch vụ có giá trị cao, chiếm tỷ trọng lớn như bất động sản hay dịch vụ nhà ở, dịch vụ du lịch, y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí.
Để doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới sáng tạo
KTSG: Nhìn trong dài hạn hơn, năm 2025 được coi là năm bản lề để Việt Nam phấn đấu đạt được mức tăng trưởng cao, hướng tới trở thành nước có thu nhập cao năm 2045. Trong năm nay, song song với mở rộng dư địa của các động lực tăng trưởng cũ, chúng ta phải đặt nền móng cho những động lực tăng trưởng mới. Ông đánh giá như thế nào về nhiệm vụ này?
- Hướng tới việc trở thành nước có thu nhập cao, tức GDP bình quân vào khoảng 13.000 đô la Mỹ/người/năm, trong 20 năm tới, nền kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng liên tục ở mức 6,5-7%/năm. Vậy nên, thay vì chăm chăm đạt bằng được mức tăng trưởng hai con số trong một vài năm, sử dụng cạn kiệt nguồn lực mà không tạo được dư địa mới, vướng vào các rủi ro là hiệu ứng phụ từ quá trình tăng trưởng quá nóng, chúng ta nên hướng tới yếu tố chất lượng, tạo đà cho tăng trưởng bền vững và bền bỉ trong hai thập niên sắp tới. Nói cách khác, phải tạo dựng được nền tảng để nền kinh tế tiến dần tới mục tiêu này.
Đầu tiên, phải đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát, lãi suất được kiểm soát tốt, cân đối ngân sách được đảm bảo, thị trường tài chính phát triển lành mạnh, đúng hướng.
Tiếp đến, nền kinh tế phải có cấu trúc bền vững, chủ động, phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường trong nước, vai trò của doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp tư nhân và thị trường vốn trong nước phải được thể hiện mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, nền kinh tế phải dần chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào năng suất lao động và đổi mới sáng tạo, tăng trưởng hiệu quả và lâu dài, mở rộng động lực tăng trưởng truyền thống đồng thời tạo dựng được các không gian mới cho tăng trưởng trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Việc tận dụng cơ hội từ thị trường nước ngoài cũng như dòng vốn FDI cũng được tính toán trên cơ sở này, để phát huy tối đa tiềm năng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chuyển đổi công nghệ theo xu hướng cập nhật và bền vững của khu vực doanh nghiệp trong nước.
KTSG: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã được xác định là điểm đột phá cho tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, với nền tảng hiện nay của Việt Nam, kích hoạt được điểm đột phá này cũng là một nhiệm vụ thách thức. Theo ông, công việc của năm 2025 nên là gì?
- Theo tôi, cải cách thực sự phải bắt nguồn từ đổi mới thể chế cho kinh tế công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nó bao gồm các quy định của pháp luật liên quan tới phổ biến, hấp thụ công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Các quy định này cần phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tiệm cận với các nước phát triển, đồng thời phải tạo dựng được môi trường cho những sáng kiến, sáng tạo có tính đột phá ở từng ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế. Trước mắt, các chính sách đối với doanh nghiệp cần được sửa đổi từ hướng nặng về quản lý, kiểm tra, kiểm soát, giám sát, doanh nghiệp chỉ dám làm những gì pháp luật cho phép sang khuyến khích doanh nghiệp được làm những việc pháp luật không cấm. Có vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư vào những lĩnh vực mới, cần sự sáng tạo và tiếp thu công nghệ ở mức cao hơn. Về lâu dài, tư duy xây dựng pháp luật cho đổi mới sáng tạo, thông qua các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hay sử dụng thuần thục các công cụ của thị trường, phải được lồng ghép trong toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật, không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà còn trong các khía cạnh khác của đời sống xã hội.
Song song với đó, phải tạo dựng được hành lang pháp lý rõ ràng để điều chỉnh cách hành xử của các cơ quan công quyền với doanh nghiệp khi họ đưa ra ý tưởng mới, muốn sáng tạo và thử nghiệm sản phẩm mới… Trong đó, phải có cả sự bao dung với doanh nghiệp dám sáng tạo và có cách thức khuyến khích để họ có thể mở rộng, lớn mạnh khi thành công hay vượt qua chính họ và làm lại khi thất bại, sau đó tiếp tục theo đuổi ý tưởng mới. Đổi mới sáng tạo có lẽ phải bắt nguồn từ cái gốc là tư duy xây dựng pháp luật, trên cơ sở này mới hình thành nên một hệ sinh thái cho hoạt động này, từ các viện, trường, trung tâm nghiên cứu - phát triển tới các nhà đầu tư, thị trường vốn, các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo.