'Kinh doanh bền vững là con đường tất yếu của doanh nghiệp'
Đó là khẳng định ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) - trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Vinh lý giải: Thực hiện kinh doanh bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn giúp họ nâng cao nội lực, để vượt qua những thách thức chưa có tiền lệ trong một bối cảnh kinh doanh đầy biến động do sự xuất hiện ngày càng nhiều các yếu tố phi truyền thống. Hơn nữa, chỉ có kinh doanh bền vững thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mới thực hiện được vai trò, nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân đã giao phó, góp phần quan trọng giúp đất nước vững vàng tiến vào "kỷ nguyên mới".
+ Thưa ông, hiện có nhiều khái niệm liên quan đến phát triển bền vững được sử dụng trên phương tiện thông tin đại đại chúng như: phát triển bền vững, kinh doanh bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hành ESG… Ông có thể giải thích rõ nội hàm các khái niệm này, đặc biệt là việc áp dụng chúng trong các doanh nghiệp?
Một quan điểm cho rằng, khái niệm "phát triển bền vững" được định nghĩa lần đầu trong một văn bản quốc tế là báo cáo Brundtland năm 1987 của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới – WCED. Báo cáo này viết: Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...". Mục tiêu là phát triển bền vững, hài hòa ba trụ cột: Kinh tế; Xã hội; Môi trường.
Đến 2015, 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam, thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (Agenda 2030), với trọng tâm là thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của chúng ta với 115 mục tiêu cụ thể dựa trên 17 mục tiêu mà Liên hợp quốc đưa ra.
Như vậy, có thể hiểu rằng, khái niệm "phát triển bền vững" là lựa chọn, con đường duy nhất để hiện thực hóa, xây dựng được tương lai mà chúng ta mong muốn, trong đó mục tiêu "kinh tế bền vững" hay còn được gọi là "kinh tế xanh".
Theo định nghĩa của UNEP, thì "kinh tế xanh" được hiểu là mô hình kinh tế có lượng carbon thấp, tiết kiệm tài nguyên và công bằng xã hội. "Kinh tế tuần hoàn" là một khái niệm mô tả mô hình kinh tế dựa trên việc giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tái sử dụng và tái chế các nguyên liệu, sản phẩm nhằm kéo dài vòng đài của chúng. Nghĩa là "kinh tế tuần hoàn" là một phương thức để thực hiện các mục tiêu của "kinh tế xanh".
Để góp phần thực hiện hiện mục tiêu "kinh tế bền vững" của đất nước thì các doanh nghiệp cần thực hiện "kinh doanh bền vững". Còn ESG (Viết tắt của 3 từ: Môi trường; Xã hội; Quản trị) là khung chương trình hành động mà các doanh nghiệp trên thế giới thường áp dụng để thực hiện kinh doanh bền vững. Tại Việt Nam, VCCI đã đưa ra Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI), là công cụ giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện quản trị công ty bền vững, phù hợp với các đăc thù trong nước và bám sát các tiêu chuẩn quốc tế đương đại, từ đó thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền hiệu quả hơn.
+ Là một người gắn bó lâu dài với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là ở khía cạnh phát triển bền vững. Ông có thể nhận xét về xu thế thực hành kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời qua và hiện nay như thế nào?
Khoảng 20 năm trước, doanh nghiệp nước ta mới tiệm cận khái niệm "trách nhiệm xã hội doanh nghiệp"(CSR). Theo đó, doanh nghiệp tích cực thực hiện các hoạt động thiện nguyện, hoặc hướng đến những hoạt động thiên về yếu tố xã hội, đóng góp cho cộng đồng.
VCCI - với tư cách là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã sớm xác định tầm nhìn: Chỉ có kinh doanh bền vững mới giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn tầm châu lục, thế giới. Theo đó, VCCI đã thành lập Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững từ 2006 và tiếp đó là Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững từ năm 2010 để triển khai những nhiệm vụ hiện thực hóa tầm nhìn đó.
Với những nỗ lực miệt mài, bền bỉ của VCCI và các đối tác trong nước, quốc tế, chúng tôi rất tự hào khi đã góp phần vào việc thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19 vừa qua thì "làn sóng" phát triển bền vững đã, đang lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn trong các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và đến cộng đồng người tiêu dùng trong xã hội.
Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp lớn đang xem kinh doanh bền vững là một chiến lược phát triển chứ không còn xem như là một trách nhiệm thực thi, do vậy họ đã đầu tư mạnh mẽ cho theo hướng tích cực mục tiêu phát triển bền vững và phát triển kinh doanh. Hơn nữa, kinh doanh bền vững không còn là câu chuyện của những "ông lớn" mà đã chạm đến cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, chương trình "Đánh giá, Công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam" năm 2024 do VCCI ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp mới tham gia lần đầu tăng trưởng vượt trội, lần lượt ở mức 62% và 35%.
+ Thưa ông, để chuyển đổi sang chiến lược kinh doanh bền vững hiệu quả thì doanh nghiệp cần chú ý đến những vấn đề cốt lõi nào?
Đầu tiên là phải chuyển đổi tư duy. Doanh nghiệp cần chuyển từ tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh xanh thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải carbon...Doanh nghiệp muốn tăng trưởng, phát triển lâu dài thì những thành công về mặt kinh tế như doanh thu, lợi nhuận, lợi ích cổ đông là không đủ. Chỉ khi doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với những mục tiêu của xã hội, người lao động mới tại ra nội lực giúp họ chống chịu, thích ứng và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ.
Thứ hai là chuyển đổi chuỗi giá trị. Doanh nghiệp chỉ hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững khi xây dựng được một hệ sinh thái bền vững thông qua tăng cường sự tham gia và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp, các bên liên quan trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp.
Thứ ba là phải thực hiện chuyển đổi kép. Thực hiện chuyển đổi số và đổi mới công nghệ sẽ bổ trợ hữu ích cho cho chuyển đổi xanh.
Thứ tư là thúc đẩy trách nhiệm giải trình. Đây là phương thức hữu hiệu để doanh nghiệp thực sự chuyển đổi sang phát triển bền vững trong lĩnh vực quản trị.
- Ông đánh giá việc thực hiện kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp có vai trò như thế nào trong sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cả dân tộc đang quyết tâm thực hiện các bước đi để chuyển sang "kỷ nguyên mới"?
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ vai trò, nhiệm vụ của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đó là lực lượng nòng cốt giúp đất nước xây dựng một nền kinh tế mạnh, độc lập. Và trong bối cảnh hiện nay, chỉ có thực hiện kinh doanh bền vững thì doanh nhân, doanh nghiệp mới làm tròn được vai trò đó. Đơn cử, khi doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh phát thải thấp, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch như trước, thì họ cũng góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo nói riêng và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia nói chung. Hay khi doanh nghiệp triển khai các mô hình kinh doanh chia sẻ giá trị (Create Shared Value - CSV), kinh doanh cùng người thu nhập thấp, thì họ cũng góp phần xóa đói, xóa nghèo.
Năm 2025 được đánh giá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích trong "Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025" và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào "kỷ nguyên mới". Trong bối cảnh này, vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững lại càng trở nên rõ ràng, quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết. Để có thể vươn mình cùng đất nước trong kỷ nguyên mới, cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển mình, chuyển đổi xanh một cách mạnh mẽ và quyết liệt ngay từ bây giờ.
- Xin cảm ơn ông!
Mức độ sẵn sàng chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chưa cao
Kết quả khảo sát thực tế năm 2024 từ 2.734 doanh nghiệp của Ban phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho thấy: Trên 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá chuyển đổi xanh chưa thật sự cần thiết, 64% cho biết "chưa chuẩn bị gì", chỉ có 5,5% đã thực hiện các hoạt động "cắt giảm lượng khí thải trong một số hoạt động trọng tâm". Tỉ lệ "đã thực hiện theo dõi và công bố kết quả giảm phát thải hàng năm" chỉ ở mức 3.8%.