Truyền thuyết về đế chế Ottoman

Cuộc đấu tranh chống lại những người theo đạo Cơ đốc luôn có ý nghĩa quan trọng đối với người Ottoman - ngày nó bị quên lãng cũng là ngày đánh dấu sự suy tàn của đế chế.

Theo truyền thuyết, Suleimanshah, thủ lĩnh của bộ tộc thuộc dòng dõi Osman, đã chạy trốn trước khi người Mông Cổ xâm lược Khorasan ở Đông Tiểu Á, nhưng sau khi làn sóng quân xâm lược của Thành Cát Tư Hãn cạn kiệt sức lực, ông đã quyết định quay trở lại Iran. Ông bị chết đuối ở sông Euphrates trên đường trở về. Hai người con trai của ông, Dundar và Ertugrul, coi đây là một điềm gở và quay về phía Đông, hướng tới khu vực Trung tâm Tiểu Á nơi người Thổ Seljuk đang sinh sống.

Nghe đâu họ đã bất ngờ đến trận địa của các binh lính đang chiến đấu mà họ không mảy may nhận ra. Ertugrul quyết định đứng về phía phe có vẻ đang thất thế. Đó là Alaeddin, Vua xứ Konya, người đang chinh chiến với quân Mông Cổ trong tuyệt vọng. Khi giành được chiến thắng bất ngờ, ông đã trao tặng Ertugrul một thái ấp ở vùng Sogut (giữa Bursa và Eskişehir) như một phần thưởng. Thế là từ đó, kỷ nguyên Ottoman bắt đầu.

Truyền thuyết này quá khó tin để mà là sự thật. Sau này, vào thế kỷ XV, nó được lấy cảm hứng từ những câu chuyện nổi tiếng về cuộc đời của ông hoàng Seljuk Suleiman Kutlumuş có con trai là Kiliç Arslan và cuộc tháo chạy khỏi quân Mông Cổ của Celaleddin Rumi, người sáng lập Dòng thánh Mevlevi.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Connolly Cove.

Ảnh minh họa. Nguồn: Connolly Cove.

Các nguồn đáng tin cậy nhất khiến người ta tin rằng nhóm nhỏ những người đã đặt tên cho một trong những đế chế hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người là hậu duệ của gazi (những chiến binh Hồi giáo đã thành lập nhiều cộng đồng ở biên giới Hồi giáo để xua đuổi những kẻ ngoại đạo, giống như lính biên phòng akritai bảo vệ Đế chế Byzantine). Cuộc đấu tranh chống lại những người theo đạo Cơ đốc luôn có ý nghĩa quan trọng đối với người Ottoman - ngày nó bị quên lãng cũng là ngày đánh dấu sự suy tàn của đế chế.

Những chiến binh gazi này - “cánh tay phải của Hồi giáo, thanh kiếm của Chúa” - kiến lập ở các khu vực Hồi giáo Phương Đông và ở Khorasan và Transoxania từ thế kỷ thứ IX. Người Thổ luôn chiếm ưu thế trong gazi, nơi thu hút những người lang thang vô công rồi nghề, những người dị giáo chạy trốn khỏi sự đàn áp và thậm chí cả những người theo đạo Cơ đốc đến tìm kiếm chiến lợi phẩm.

Họ cướp phá Sebaste (Sivas) và Iconium (Konya). Sau đó, những người Thổ ở bên ngoài Đế quốc Seljuk mới thường gia nhập lực lượng gazi. Cuộc xâm lược của người Mông Cổ khiến người Seljuk bị lệ thuộc vào Đế chế Il-Khanid (được thành lập bởi Hulegu, cháu trai của Thành Cát Tư Hãn) và thúc đẩy làn sóng di cư về phía Tây của các bộ lạc người Thổ. Họ cũng gia nhập gazi và tấn công người Byzantine để tìm kiếm lãnh thổ.

Khi đó, một sự kiện với hậu quả khôn lường đã xảy ra: tuyến phòng thủ phía Đông của Byzantium sụp đổ. Những người nói tiếng Latinh trong cuộc Thập tự chinh thứ tư rời khỏi Constantinople (nơi họ đã nắm giữ từ năm 1204) và Hoàng đế Michael Palaeologus quay trở lại. Trung tâm của đế quốc chuyển về hướng Tây. Lính biên phòng akritai, những kẻ đối đầu với triều đại Palaeologus, đã không cố gắng giữ lấy biên giới.

Các gazi lao vào chọc thủng phòng tuyến và mỗi người cố gắng giành lấy chiến lợi phẩm là một vùng lãnh thổ rộng lớn của Đế quốc Byzantine mà quân lực của họ có thể kiểm soát. Tiểu Á chia thành nhiều công quốc dựa theo bởi các.

Những người đứng đầu dẫn dắt họ đến chiến thắng đã thành lập ra các triều đại. Một số gần như sụp đổ ngay tức thì, nhưng có nhiều triều đại tồn tại lâu dài. Mối liên hệ của họ với người Seljuk của Konya (trên danh nghĩa tiếp quản triều đại Seljuk vĩ đại của Iran) rất lỏng lẻo; họ thực sự không phải là các nước chư hầu.

Các thống đốc vùng Aydin, Karaman, Menteş và lãnh thổ giáp biển Aegean đã thu được khối tài sản khổng lồ từ hoạt động cướp biển. Trái lại, thống đốc vùng Osmanli lại không có lợi thế nào: lãnh thổ của ông nằm ở phía Tây Bắc Tiểu Á trên biên giới của khu vực Turco-Byzantine, cách xa biển và nhiều nguồn cướp bóc béo bở. Nhưng Osman và những người kế vị của ông không thiếu sự táo bạo lẫn kỹ nghệ nắm để bắt mọi cơ hội thuận lợi có thể có.

Osman bộc lộ tài năng làm chính trị gia bằng cách đặt nền móng cho một nhà nước ngay lập tức, phần lớn lấy cảm hứng từ tấm gương của người Seljuk mà truyền thống, hội nhóm và văn hóa của họ được kế thừa từ thế giới Hồi giáo cũ và phương Đông Sassanid Iran. Ông xâm chiếm Nicaea vào năm 1301 sau khi đánh bại đội quân do Hoàng đế Byzantium cử đến chống lại ông.

Khi danh tiếng của ông ngày càng vang dội, ông không chỉ thu hút những tên cướp và kẻ đào ngũ, mà còn cả giới trí thức, nghệ sĩ và tầng lớp thượng lưu có học thức của các thị trấn. Các nhà thần học và luật gia (ulema1) đã cung cấp nền tảng cho việc quản lý chính quyền và lan tỏa tinh thần khoan dung đặc trưng trong cách ứng xử của người Hồi giáo với những người Do Thái và Cơ đốc.

Các trường thần học theo mô hình trường thần học Hồi giáo (medrese) của người Seljuk đã sớm được mở cửa ở Iznik (Nicaea) và Bursa (Brusa). Vào cuối thế kỷ XIV, trong khi các vương quốc khác vẫn đang lãng phí sức lực của mình vào những cuộc tranh đua tốn kém, thì nhà nước Thổ Ottoman đã ra đời. Chẳng bao lâu sau, nó đã chứng tỏ được ưu thế của mình trên toàn bộ Tiểu Á, và sau đó là ở phía bên kia Propontis thuộc châu Âu.

Chính người Byzantine đã tạo ra cơ hội cho Ottoman khi John VI Cantacuzenus3 nhờ vả con trai Orhan của Osman ra sức chống lại John V Palaeologus, và thậm chí còn đề nghị kết hôn với con gái ông là Theodora.

Vài năm sau, vào năm 1354, Orhan đã chiếm được pháo đài Gallipoli trên bờ biển châu Âu, và một trận động đất xảy ra đã khiến nó sụp đổ. Vốn đã nắm quyền kiểm soát các vị trí ở phía châu Á nên giờ đây ông có thể tách Constantinople khỏi các thuộc địa ở châu Âu bất cứ khi nào ông muốn.

Thế giới Cơ đốc giáo khi ấy đã trở nên cảnh giác. Đã có lời kêu gọi về một cuộc thập tự chinh mới - không phải để cứu rỗi Jerusalem, mà là để giải phóng thủ đô Byzantium khỏi mối đe dọa của Ottoman. Ngay cả việc hòa giải giữa Giáo hội La Mã và Chính thống giáo cũng đã được thảo luận... Nhưng đã quá muộn màng. Bản thân vùng Balkan và châu Âu bấy giờ hoàn toàn rơi vào hỗn loạn. Các đế quốc Serbia, Byzantine và Bulgar đã đối đầu với nhau. Sự cạnh tranh giữa Genoa và Venice ở Đông Địa Trung Hải trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Lực lượng của Đế quốc Byzantine đã hao tổn khá nhiều, đến mức trở nên khá dễ dàng bị chiếm giữ.

André Clot/Bách Việt Books-NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/truyen-thuyet-ve-de-che-ottoman-post1530900.html
Zalo