Tổng thống Ukraine tung lợi ích béo bở níu chân Mỹ, tuyên bố có thể 'đổi lãnh thổ lấy lãnh thổ', lòng tin vào châu Âu sâu đến đâu?
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ đồng hồ với tờ The Guardian (Anh), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định, sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với quốc gia Đông Âu là không thể thay thế.
Ngay trước thềm chuyến công du quan trọng để tham dự Hội nghị An ninh Munich, diễn ra tại Đức vào ngày 14-16/2 và có cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ J.D Vance, Tổng thống Zelensky cảnh báo rằng, nếu Mỹ rút lại hỗ trợ cho Ukraine, châu Âu sẽ không thể tự mình lấp đầy khoảng trống này.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn, nhà lãnh đạo nói rõ: "Có những ý kiến cho rằng châu Âu có thể đưa ra các đảm bảo an ninh mà không có Mỹ và tôi luôn nói không. Các đảm bảo an ninh không có Mỹ không phải là đảm bảo an ninh thực sự".
'Miếng mồi' béo bở
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, nhưng nhiều người lo ngại rằng, một thỏa thuận do Washington làm trung gian có thể buộc Kiev phải nhượng bộ trước các yêu sách tối đa của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Về phần mình, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định sẵn sàng đàm phán, nhưng muốn quốc gia Đông Âu có lợi thế trong các cuộc thương lượng. Với lẽ đó, ông đưa ra đề xuất dành quyền tái thiết hậu chiến cho các công ty Mỹ nhằm thu hút sự ủng hộ từ ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng.
Tổng thống Zelensky nói rõ: "Những ai giúp chúng tôi bảo vệ đất nước sẽ có cơ hội tái thiết Ukraine cùng với các doanh nghiệp nội địa. Chúng tôi sẵn sàng thảo luận chi tiết về tất cả những điều này".
Người đứng đầu quốc gia đang vướng vào xung đột với Nga hiện phải đối mặt thêm một thách thức mới: Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang nghi ngờ mạnh mẽ với việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Fox News, được phát sóng vào tối 10/2, ông Trump nói rằng: “Họ (Nga-Ukraine) có thể đạt được một thỏa thuận hoặc không. Một ngày nào đó, họ (Ukraine) có thể trở thành một phần của Nga hoặc không. Nhưng chúng ta đã bỏ ra một đống tiền (viện trợ Kiev) và tôi muốn lấy lại số tiền đó".
Trước thực tế này, bên cạnh những thông điệp quen thuộc về rủi ro địa chính trị nếu Nga chiến thắng ở Ukraine, Tổng thống Zelensky đã bổ sung một thông điệp mới, dành riêng cho ông Trump, với ý tưởng Mỹ sẽ được ưu tiên tiếp cận “khoáng sản đất hiếm” của quốc gia Đông Âu.
Quả thực, điều này đã thu hút sự quan tâm của người đứng đầu Nhà Trắng, đến mức ông đã nhiều lần nhắc về nó trong các cuộc phỏng vấn gần đây. Đáng chú ý, vào ngày 11/2, ông Trump thông báo sẽ cử Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đến Ukraine để gặp Tổng thống Zelensky. Reuters nhận định, chuyến đi nhằm thảo luận về nguồn tài nguyên khoáng sản đất hiếm.
Theo Tổng thống Ukraine, quốc gia này sở hữu trữ lượng uranium và titanium lớn nhất châu Âu và việc những nguồn tài nguyên này rơi vào tay Nga - có khả năng được chia sẻ với Triều Tiên, Trung Quốc hoặc Iran - “không phục vụ lợi ích của Mỹ”.
Không tin châu Âu?
Cũng trong cuộc phỏng vấn với The Guardian, Tổng thống Ukraine khẳng định rằng, sự hỗ trợ quân sự của Mỹ là yếu tố then chốt đối với an ninh của quốc gia Đông Âu, đặc biệt là các hệ thống phòng không Patriot.
Nhà lãnh đạo nói rõ: "Chỉ Patriot mới có thể bảo vệ chúng tôi trước mọi loại tên lửa. Các hệ thống khác của châu Âu không thể cung cấp sự bảo vệ toàn diện... Vì vậy, chỉ riêng ví dụ nhỏ này đã cho thấy nếu không có Mỹ, các đảm bảo an ninh không thể đầy đủ".
Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã công khai một thông điệp nhất quán của ông là châu Âu nên chịu trách nhiệm duy trì hòa bình ở Ukraine sau khi xung đột kết thúc, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất khả năng triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu tại Ukraine sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn.
Về vấn đề này, ông Zelensky cho rằng ý: "Nếu đây là một phần của đảm bảo an ninh thì có thể chấp nhận, nhưng phải có 100.000-150.000 quân châu Âu. Ngay cả khi đó, chúng tôi vẫn không thể ngang bằng với quân đội Nga".
Mặc dù vậy, châu Âu vẫn còn cách rất xa điểm đồng thuận về việc triển khai quân đội sẵn sàng chiến đấu đến Ukraine - một động thái mà Tổng thống Nga Putin chắc chắn khó có thể chấp nhận trong các cuộc đàm phán.
Nhà lãnh đạo cũng thẳng thắn bày tỏ sự hoài nghi về hiệu quả của lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do Liên hợp quốc dẫn dắt, đồng thời tái khẳng định: "Chúng tôi sẽ chấp nhận một lực lượng gìn giữ hòa bình nếu đó là một phần của đảm bảo an ninh và tôi nhấn mạnh rằng, nếu không có Mỹ, điều này là không thể".
Đổi lãnh thổ lấy lãnh thổ
Ông Zelensky tiết lộ, nếu Tổng thống Trump thực sự đưa được Ukraine và Nga đến bàn đàm phán, ông sẽ đề xuất với Moscow một thỏa thuận trao đổi lãnh thổ trực tiếp, từ bỏ vùng đất mà Kiev đang kiểm soát ở khu vực Kursk của Nga kể từ khi phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào 6 tháng trước.
Nhà lãnh đạo nói rõ: "Chúng tôi sẽ đổi lãnh thổ này lấy lãnh thổ khác", tuy nhiên, nhà lãnh đạo không xác định cụ thể khu vực nào mà Ukraine sẽ yêu cầu lấy lại: "Tất cả các vùng lãnh thổ của chúng tôi đều quan trọng, không có ưu tiên nào hơn cả".
Xung đột tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn và tương lai của đất nước này phụ thuộc nhiều vào hành động của các cường quốc, đặc biệt là Mỹ. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Trump chưa thể hiện lập trường rõ ràng, Tổng thống Zelensky hiểu rõ rằng, ông cần phải điều chỉnh chiến lược ngoại giao, vừa duy trì quan hệ với Washington, vừa tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ châu Âu để tạo ra vị thế mạnh mẽ nhất cho Kiev trước khi ngồi vào bàn đàm phán với Moscow.