Truyền thông Mỹ tiết lộ cảm giác lẫn lộn ở Washington khi Ukraine đánh chìm soái hạm của Nga
Người Mỹ không chỉ ngạc nhiên, mà còn tức giận và thậm chí là hoảng loạn khi nghe tin Ukraine đã gây ra tổn thất quân sự đơn lẻ đắt giá nhất cho Liên bang Nga - đánh chìm soái hạm Moskva.

Soái hạm Moskva tham gia cuộc tập trận hải quân ở Sevastopol, ngày 31/7/2011.
Theo báo The Kyov Post của Ukraine ngày 30/3, tờ The New York Times của Mỹ vừa công bố một bài viết chi tiết, tiết lộ rằng Mỹ đã tham gia sâu hơn vào nỗ lực chiến tranh của Ukraine so với những gì được biết trước đó.
Bài báo của The New York Times cho biết Mỹ đã tức giận khi các lực lượng Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva của Hải quân Liên bang Nga vào tháng 4/2022 vì “người Ukraine thậm chí không báo trước”.
Bài viết tiết lộ rằng quân đội Mỹ đã làm việc chặt chẽ với Ukraine từ một trung tâm chỉ huy ở Wiesbaden (Đức).
Tại đây, các sĩ quan Mỹ và Ukraine đã cùng nhau lập kế hoạch chiến lược quân sự, phản công và chia sẻ thông tin tình báo về các mục tiêu của Liên bang Nga.
Hai nhân vật chủ chốt trong sự phối hợp này là Tướng Mykhailo Zabrodsky của Ukraine và Tướng Christopher Donahue của Mỹ.
Một trong những chiến dịch quân sự quan trọng được đề cập trong báo cáo là vụ đánh chìm tàu tuần dương Moskva trên Biển Đen.
Theo một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, các sĩ quan hải quân Mỹ và Ukraine đang trong một phiên họp chia sẻ tình báo thường lệ khi một tín hiệu bất ngờ xuất hiện trên radar.
Người Mỹ xác định vật thể đó là soái hạm Moskva và người Ukraine ngay lập tức phản ứng bằng cách phát động cuộc tấn công.
“Người Mỹ nói: ‘Ồ, đó là Moskva!’ Người Ukraine đáp: ‘Ôi trời ơi. Cảm ơn nhiều. Tạm biệt.’”
Có sự “tức giận” trong nội bộ Mỹ vì Ukraine không đưa ra bất kỳ thông báo trước nào về cuộc tấn công.
Ngoài ra còn có sự “ngạc nhiên” khi biết rằng Ukraine có tên lửa có khả năng đánh trúng một mục tiêu quan trọng như vậy - chiến hạm Moskva đã bị trúng hai tên lửa Neptune do Ukraine tự sản xuất.
Đồng thời, cũng có sự “hoảng loạn” trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden - vì Mỹ chưa từng có ý định để Ukraine tấn công một biểu tượng lớn của sức mạnh Nga.
Bài báo của The New York Times dựa trên hơn 300 cuộc phỏng vấn được thực hiện trong hơn một năm với các quan chức từ Ukraine, Mỹ, Anh, Đức, Ba Lan, Bỉ, các nước vùng Baltic và Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức tình báo châu Âu được trích dẫn trong báo cáo nói rằng ông rất ngạc nhiên trước mức độ can dự sâu của các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào các hoạt động quân sự của Ukraine.
“Họ hiện là một phần của chuỗi tiêu diệt mục tiêu”, quan chức này nói với The New York Times.
Tuần dương hạm mang tên lửa Moskva đã bị trúng tên lửa Neptune của Ukraine vào ngày 13/4/2022 và chìm vào ngày hôm sau.
Mặc dù Liên bang Nga không tiết lộ chính xác số lượng thủy thủ có mặt trên tàu vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, nhưng có thể có tới 500 người trên tàu.
Điện Kremlin chỉ thừa nhận 17 người thiệt mạng, đổ lỗi cho vụ nổ đạn dược, hỏa hoạn và tình trạng ngập nước trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Đây là tổn thất quân sự lớn đối vơíLiên bang Nga và cũng là một cú sốc về tinh thần. Sau khi soái hạm Moskva bị đánh chìm, các tàu Hải quân Liên bang Nga đã phải rút xa khỏi bờ biển Ukraine.
Đáng chú ý, theo Forbes, đây là tổn thất quân sự đơn lẻ đắt giá nhất của Liên bang Nga trong cuộc chiến với Ukraine, với giá trị ước tính của con tàu vào thời điểm bị phá hủy lên đến khoảng 750 triệu USD.
Tàu Moskva là tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa dẫn đường thuộc Đề án 1164 Atlant của Liên bang Nga, đóng vai trò soái hạm của Hạm đội Biển Đen.
Tàu dài 186m, rộng 21m và có lượng giãn nước 12.000 tấn. Vũ khí chính của Moskva là 16 tên lửa diệt hạm P-1000 Vulkan với tầm bắn 800 km, mỗi quả có chiều dài tương đương một tiêm kích MiG-17 và nặng khoảng 5 tấn, mang được đầu đạn bán xuyên giáp chứa 950 kg thuốc nổ mạnh hoặc đầu đạn hạt nhân.
Tàu Moskva cũng được trang bị 64 tên lửa phòng không tầm xa với tầm bắn 90 km, 40 tên lửa phòng không tầm ngắn cùng nhiều loại pháo tự động, vũ khí chống ngầm và hệ thống tác chiến điện tử.