Ông Trump đi nước cờ hiểm: Áp thuế với dầu thô Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung từ 25% đến 50% đối với những nước mua dầu thô Nga – một động thái táo bạo và có phần liều lĩnh, qua đó ông muốn đạt được mục tiêu tuyên bố: Chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung từ 25% đến 50% đối với những nước mua dầu thô Nga. Ảnh AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế bổ sung từ 25% đến 50% đối với những nước mua dầu thô Nga. Ảnh AFP

Theo AFP, điều quan trọng lúc này là phản ứng của ba nhân vật chủ chốt còn lại trước động thái mới nhất của chính quyền Mỹ. Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tin rằng ông Trump thực sự sẽ làm điều đó không? Và nếu ông làm thật, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới an ninh năng lượng của họ?

Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là hai khách hàng lớn nhất mua dầu của Nga, vì vậy phản ứng của họ quan trọng không kém phản ứng của ông Putin trước động thái mới của ông Trump.

Ông Trump nói với NBC News rằng ông sẽ áp thuế lên đến 50% đối với những nước mua dầu Nga nếu cảm thấy Moscow cản trở nỗ lực hòa bình tại Ukraine. “Nếu Nga và Mỹ không thể đạt được thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến sự ở Ukraine, tôi sẽ áp thuế thứ cấp lên tất cả dầu xuất khẩu từ Nga”, ông Trump tuyên bố.

Đây được xem như một sự đảo ngược hoàn toàn so với lập trường thân thiện trước đó của Mỹ với Nga.

Câu hỏi đặt ra là liệu phát biểu của ông Trump có thể trở thành hiện thực hay không – đây là điều mà Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cần đánh giá.

Nếu ông Putin tin rằng ông Trump sẽ thực sự siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, ông sẽ phải nhượng bộ ông Trump trong đàm phán.

Trong khi đó, Ấn Độ đang ở vào tình thế khó xử. Thủ tướng Modi đến nay vẫn cố gắng duy trì quan hệ tốt với ông Trump, chẳng hạn như đề xuất dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ để gia tăng mua hàng.

Tuy nhiên, Ấn Độ cũng hưởng lợi đáng kể từ việc nhiều nước quay lưng với dầu Nga, giúp nước này có thể mua dầu với giá ưu đãi. Hiện Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất của Ấn Độ.

Dữ liệu từ LSEG Oil Research cho thấy Ấn Độ dự kiến nhập khẩu 1,52 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày trong tháng 3, chiếm gần 30% tổng lượng dầu thô nước này nhập khẩu. Trước đó, Ấn Độ đã ngừng mua dầu Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ, và nếu tiếp tục phải thay thế dầu Nga, chi phí nhập khẩu có thể tăng mạnh, buộc nước này phải gấp rút tìm nguồn cung mới.

Rủi ro đối với Trung Quốc

Trung Quốc ít có khả năng nhượng bộ trước sức ép từ Mỹ, bởi nước này vẫn là khách hàng lớn duy nhất mua dầu thô từ Iran và cũng là một trong những nước nhập khẩu dầu Nga hàng đầu. Hiện Bắc Kinh mua tới 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ thị trường vận tải biển, cùng với một lượng gần tương đương qua đường ống.

Rủi ro đối với Bắc Kinh là nếu ông Trump thực sự áp thêm thuế nhập khẩu lên tới 50% đối với hàng hóa Trung Quốc – ngoài mức 20% mà ông đã áp trước đó – nền kinh tế vốn đang chật vật của nước này sẽ càng thêm khó khăn.

Nếu đòn thuế thứ cấp đối với các khách hàng mua dầu Nga của ông Trump trở thành hiện thực, điều này cũng sẽ làm thay đổi cục diện của nhóm xuất khẩu OPEC+.

Đối với các thành viên OPEC+ ngoài Nga, việc nguồn cung dầu Nga trên thị trường toàn cầu bị thu hẹp có thể đẩy giá dầu tăng, giúp họ có cơ hội nâng sản lượng và tăng xuất khẩu.

Về cơ bản, đây sẽ là cuộc đấu giữa lợi ích cá nhân và sự đoàn kết trong nhóm. Trong bối cảnh tài chính của nhiều thành viên OPEC+ đang suy yếu, sức hấp dẫn từ việc gia tăng doanh thu nhờ giá dầu cao có thể rất khó cưỡng lại.

Hiện tại, các bên liên quan có khả năng sẽ phản ứng một cách thận trọng, trong khi chờ xem ông Trump có thực sự nghiêm túc hay đây chỉ là một ý tưởng nhất thời.

Thực tế, phản ứng ban đầu của thị trường khá trầm lắng, với giá dầu Brent – chỉ số tham chiếu toàn cầu – chỉ tăng nhẹ 0,3%, lên 73,84 USD/thùng trong phiên giao dịch sớm tại châu Á hôm thứ Hai.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ong-trump-di-nuoc-co-hiem-ap-thue-voi-dau-tho-nga-725873.html
Zalo