Sự thật bất ngờ về sự ủng hộ của EU cho Ukraine sau 3 năm xung đột

Từ mức ủng hộ 88% vào năm 2022, đến nay, sự hỗ trợ của EU dành cho Ukraine đang suy giảm đáng kể. Điều gì đang xảy ra? Liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy châu Âu đang mệt mỏi và rút lui?

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh “Liên minh tự nguyện" ở Paris (Pháp) ngày 27/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) và Thủ tướng Anh Keir Starmer trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh “Liên minh tự nguyện" ở Paris (Pháp) ngày 27/3/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euronews.com ngày 31/3, khi cuộc xung đột ở Ukraine bước sang năm thứ tư, một nghiên cứu mới đã chỉ ra một xu hướng đáng chú ý: sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Ukraine và những người dân phải rời bỏ quê hương đã có dấu hiệu suy giảm đáng kể trong giai đoạn 2022-2024.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, khoảng 6,9 triệu người tị nạn Ukraine đã vượt biên sang các nước láng giềng và các quốc gia khác trên thế giới. Theo số liệu từ Cơ quan Tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR), Ba Lan là quốc gia tiếp nhận số lượng người di tản Ukraine lớn nhất, hiện đang cưu mang khoảng một triệu người.

Mặc dù sự hỗ trợ ban đầu từ các quốc gia EU dành cho Ukraine và người dân di dời là vô cùng mạnh mẽ, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy sự ủng hộ này đã có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây.

Vào năm 2022, ngay sau khi cuộc xung đột nổ ra, một cuộc khảo sát của Flash Eurobarometer đã ghi nhận tỷ lệ ủng hộ ấn tượng, với 88% người dân trên khắp EU bày tỏ sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ những người di tản khỏi xung đột. Các quốc gia Bắc Âu cho thấy mức độ ủng hộ đặc biệt cao trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, vào năm 2023, tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống còn 76%. Đến năm 2024, xu hướng giảm tiếp tục diễn ra, với tỷ lệ ủng hộ chung trên toàn EU chỉ còn 71%. Đáng chú ý, Ba Lan, quốc gia tuyến đầu trong việc tiếp nhận người di tản Ukraine, đã ghi nhận mức ủng hộ thấp đáng kể, chỉ còn 60% vào năm 2024.

Nghiên cứu của Eurofound đã chỉ ra rằng sự suy giảm ủng hộ ở Ba Lan cho thấy "sự mệt mỏi đáng lo ngại vì giao tranh ở quốc gia luôn ở tuyến đầu này". Điều đó phản ánh những áp lực và gánh nặng mà Ba Lan phải đối mặt trong việc tiếp nhận và hỗ trợ một lượng lớn người di tản trong thời gian dài.

Sự suy giảm mối quan tâm về cuộc chiến đi kèm với sự bất mãn ngày càng tăng đối với viện trợ của chính phủ các nước EU dành cho Ukraine và người dân nước này. Những người tham gia khảo sát ngày càng có xu hướng cho rằng chính phủ của họ đã làm quá nhiều trong việc cung cấp nhà ở và hỗ trợ cho người di tản Ukraine. Tỷ lệ này đã tăng 7,9 điểm phần trăm từ năm 2022 đến năm 2024, cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của người dân.

Sự hài lòng với phản ứng của chính phủ liên quan đến viện trợ nhân đạo cũng trở nên mờ nhạt hơn. Quan điểm của người dân dần chuyển sang hai thái cực: hoặc cho rằng chính phủ đã viện trợ quá nhiều, hoặc quá ít.

Về vấn đề viện trợ quân sự cho Ukraine, quan điểm của người dân EU lại càng phân cực hơn. Tỷ lệ những người cho rằng chính phủ đã viện trợ quá ít (32,3%), mức độ vừa phải (32,9%) và quá nhiều (34,8%) gần như ngang bằng nhau, cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong dư luận về vấn đề này.

Nghiên cứu cũng đi sâu vào việc xác định nhóm đối tượng nào đã có sự thay đổi lớn nhất trong quan điểm ủng hộ. Khi những người được phỏng vấn được phân loại theo mức độ an ninh kinh tế, kết quả cho thấy sự thay đổi rõ rệt nhất xảy ra ở những người gặp khó khăn trong việc kiếm sống.

Gần 1/5 số cá nhân gặp khó khăn về kinh tế trong hai năm qua đã rút lại sự ủng hộ của họ đối với việc chính phủ cung cấp nhà ở cho người Ukraine. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với viện trợ quân sự, với 22% những người có tình hình kinh tế xấu đi đã thay đổi quan điểm và không còn ủng hộ việc chính phủ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng cuộc sống thiếu thốn, không đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu kinh tế và xã hội cơ bản, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hỗ trợ người dân Ukraine phải di dời. Nhiều người ban đầu ủng hộ chính phủ hỗ trợ Ukraine và người dân Ukraine, nhưng sau đó đổi ý, cũng báo cáo rằng họ không đủ khả năng chi trả ít nhất một nhu cầu cơ bản vào năm 2024, chẳng hạn như quần áo hoặc đồ nội thất, truy cập internet hoặc giao lưu với bạn bè và gia đình. Điều này cho thấy rằng những khó khăn kinh tế cá nhân đang dần bào mòn sự đồng cảm và tinh thần đoàn kết ban đầu đối với những người di tản Ukraine.

Nhìn chung, nghiên cứu này cho thấy rằng sau 3 năm xung đột, sự ủng hộ của người dân EU dành cho Ukraine và những người di tản đã có dấu hiệu suy giảm. Mặc dù vẫn còn một bộ phận lớn dân chúng ủng hộ, nhưng sự "mệt mỏi vì giao tranh" và những khó khăn kinh tế cá nhân đang tạo ra những thách thức không nhỏ cho việc duy trì sự hỗ trợ này trong dài hạn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/su-that-bat-ngo-ve-su-ung-ho-cua-eu-cho-ukraine-sau-3-nam-xung-dot-20250401095240152.htm
Zalo