Truyền hình cáp SCTV đang kinh doanh ra sao?
SCTV bị sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận trong những năm gần đây do gặp cạnh tranh gay gắt của truyền hình trực tuyến và sự gia tăng của các thiết bị thông minh.
![SCTV nợ tiền treo cáp trên cột điện của EVN Ninh Bình. Ảnh: SCTV.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_119_51500519/816950467d089456cd19.jpg)
SCTV nợ tiền treo cáp trên cột điện của EVN Ninh Bình. Ảnh: SCTV.
Trên thị trường truyền hình trả tiền trong nước, SCTV được xem là "ông lớn" bên cạnh những cái tên như VTV Cab, FPT Telecom, HTVC, K+...
Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) được thành lập từ tháng 8/1992, là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trên cơ sở liên doanh giữa Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist).
Ngày 8/1/2010 công ty chuyển đổi thành Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist theo quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM.
Tính đến năm 2023, SCTV có vốn điều lệ 626,7 tỷ đồng. Trong đó, VTV và Tổng công ty Du lịch Sài Gòn là hai cổ đông, mỗi bên góp 50% vốn.
Hiện Tổng giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật của SCTV là ông Trương Chí Bình. Ông Bình hiện còn là đại diện pháp luật của SCJ TV Shopping - một trong những công ty mua sắm tại nhà qua truyền hình đầu tiên có mặt tại thị trường Việt Nam.
SCJ được thành lập vào năm 2011, là liên doanh giữa SCTV và CJ ENM (Hàn Quốc). Từ tháng 6/2020, SCJ chuyển đổi cơ cấu nhà đầu tư với 100% sở hữu thuộc SCTV.
Báo cáo của Vietdata cho thấy đến đầu năm 2024, SCTV đã cung cấp được hơn 200 kênh truyền hình trên cả nước, trong đó có 60 kênh chuẩn HD. Ngoài ra, SCTV còn cung cấp dịch vụ internet với tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu của công ty truyền hình trả tiền này đã liên tục ghi nhận xu hướng sụt giảm từ hơn 2.500 tỷ đồng đạt được trong năm 2020 xuống còn hơn 2.000 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế của công ty cũng giảm sút khi chỉ đạt gần 79 tỷ đồng vào năm 2022, thấp hơn 40% so với kết quả đạt được năm 2020.
Vietdata cho biết lĩnh vực truyền hình cáp đang phải đối mặt với một số thách thức lớn từ sự cạnh tranh gay gắt của các dịch vụ truyền hình OTT (truyền hình trực tuyến) như Netflix, FPT Play, VieON... và sự gia tăng của các thiết bị thông minh như smartphone, ipad khiến người xem có nhiều lựa chọn giải trí hơn.
Theo báo cáo từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Việt Nam hiện có 35 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền. Số lượng thuê bao trả phí hàng tháng đạt 13,8 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.
Xét về mặt doanh thu, năm 2019, toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu thị trường này ghi nhận năm 2023 chỉ cho thấy sự tăng trưởng khiêm tốn, với tổng doanh thu thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 1,4%.
Hiện tại, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đã đạt 18,6 triệu trên cả nước, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể từ năm 2019 đến nay, số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống của Việt Nam được duy trì ổn định, với chỉ 2 doanh nghiệp dừng hoạt động.
SCTV đang là doanh nghiệp được chú ý khi ngày 16/2 vừa qua, Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình (EVN Ninh Bình) cho biết công ty đã thực hiện tháo hạ 2 điểm nút cáp SCTV trên các cột điện mà công ty quản lý. Lý do là SCTV nợ tiền treo cáp trên cột điện trong thời gian dài không thanh toán.