Truy xuất nguồn gốc: 'lá chắn' chống hàng giả
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà đang trở thành yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng… Đồng thời, đây là “lá chắn” hiệu quả, giúp doanh nghiệp chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số.

Chuyên gia Trần Thị Tiên Thủy hướng dẫn về nhãn điện tử và truy xuất nguồn gốc. Ảnh: LỆ VĂN
Nâng cao kiến thức truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã tích cực thực hiện truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm, nhất là các loại hàng hóa nông sản. Có nhãn hàng hóa và tem TXNG, nông sản bày bán trong các siêu thị, trung tâm thương mại được người tiêu dùng tin tưởng hơn. Đặc biệt, mới đây, nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm tôm hùm, Phú Yên đã thí điểm triển khai gắn tem TXNG cho tôm hùm. Đây là một bước tiến quan trọng giúp người tiêu dùng truy xuất được cơ sở nuôi, vùng nuôi, đến các cơ sở thu mua, sơ chế… nhằm phục vụ xuất khẩu, hướng tới phát triển ngành tôm hùm bền vững…
Theo ông Nguyễn Công Nhật, Trưởng phòng Quản lý Đo lường - Chất lượng và Chuyên ngành (Sở KH&CN), thời gian qua, triển khai Kế hoạch 186 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG, công tác này đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ. Trong đó, Sở KH&CN đã tổ chức 3 lớp tập huấn về mã số, mã vạch và TXNG sản phẩm, hàng hóa cho gần 500 đại biểu là các doanh nghiệp, các nhà quản lý trên địa bàn tỉnh; xuất bản 47 bản tin hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Phú Yên gửi đến 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn việc áp dụng và quản lý hệ thống TXNG; tiến hành hỗ trợ và hướng dẫn TXNG cho 250 sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh…
Mới đây, Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Mã số - Mã vạch quốc gia tổ chức khóa đào tạo, tập huấn “Nhãn hiệu điện tử và TXNG sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh Phú Yên” cho các doanh nghiệp trong tỉnh. Tại lớp tập huấn, các doanh nghiệp được truyền đạt các chuyên đề, như: Ứng dụng mã số, mã vạch trong chuỗi cung ứng và xu hướng chuyển đổi từ mã 1D sang mã 2D; chuyển đổi số trong hoạt động ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa (ứng dụng mã số, mã vạch trong ghi nhãn điện tử và chống giả); hướng dẫn thiết lập và áp dụng các loại mã truy vết trong hệ thống TXNG phù hợp tiêu chuẩn quốc gia; sử dụng vật mang dữ liệu trong hệ thống TXNG phù hợp tiêu chuẩn quốc gia; giới thiệu và thực hành áp dụng hệ thống TXNG nông sản điện tử…
Đại diện doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo này, chị Tô Thị Mỹ Phương, hộ kinh doanh yến sào Trang trại Như Ý (TP Tuy Hòa), cho hay việc tham gia khóa đào tạo này rất hữu ích đối với doanh nghiệp. Kiến thức có được sẽ giúp các doanh nghiệp có định hướng phù hợp, áp dụng nhãn điện tử và TXNG cho các sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực quản lý chuỗi cung ứng.
“Để hoạt động TXNG trên địa bàn Phú Yên được thực hiện linh hoạt, đa dạng, sử dụng đa nền tảng để đáp ứng yêu cầu với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ, cũng như các tiêu chuẩn TXNG, cần triển khai các hoạt động kết nối, truyền thông để chia sẻ, lan tỏa thông tin rộng rãi, kết nối mạng lưới thanh niên, tổ chức các cuộc thi nhằm cập nhật kiến thức mới, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực TXNG để đạt hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Công Nhật chia sẻ thêm.

Doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến tem, nhãn, mã vạch. Trong ảnh: Khách hàng tìm hiểu sản phẩm yến sào của CLB Kết nối doanh nghiệp Phú Yên. Ảnh: LỆ VĂN
Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc
Theo bà Trần Thị Tiên Thủy, chuyên gia ở Trung tâm Mã số - Mã vạch quốc gia, trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng, việc TXNG sản phẩm, hàng hóa không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà đang trở thành yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng. Nhất là hiện nay, hàng giả, hàng nhái, sản phẩm kém chất lượng không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu. Một sản phẩm lỗi hoặc gian lận nguồn gốc có thể khiến cả thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, gây tổn thất lớn về uy tín và giá trị thương hiệu quốc gia.
Trong bối cảnh như vậy, yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, đo lường, sở hữu trí tuệ và cam kết môi trường, net zero… ngày càng cao. Các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp công nghệ để tăng cường TXNG. “Đây là biện pháp thiết thực giúp đảm bảo minh bạch, nâng cao giá trị hàng hóa và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước”, bà Thủy nói.
TXNG sản phẩm là xu thế tất yếu, trở thành vấn đề cấp thiết và yêu cầu bắt buộc trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông sản, giúp quản lý chất lượng sản phẩm từ khâu nuôi trồng, chế biến, đến quá trình bảo quản, vận chuyển và phân phối, đặc biệt giải quyết được vấn đề giả mạo chuỗi cung ứng sản phẩm. Vì vậy cần thúc đẩy việc ứng dụng TXNG một cách đúng hướng và toàn diện.
Bà Trần Thị Tiên Thủy, chuyên gia Trung tâm Mã số - Mã vạch quốc gia
Với mục tiêu đảm bảo chất lượng, an toàn, thương hiệu cho người dân và doanh nghiệp, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 02 (ngày 28/3/2024), quy định về quản lý TXNG sản phẩm, hàng hóa. Trong đó nhấn mạnh, dữ liệu TXNG sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia phải bao gồm tối thiểu các thông tin về tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện TXNG diễn ra); thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký hiệu, số sê-ri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có); sản phẩm trong từng sự kiện sau mỗi công đoạn được định danh mã TXNG để TXNG; mã TXNG được mã hóa trong vật mang dữ liệu…
Theo ông Nguyễn Công Nhật, với công nghệ ngày càng phát triển, quét mã QR trên sản phẩm là một trong những công cụ quan trọng giúp người mua hàng có đầy đủ thông tin về sản phẩm cũng như các quyền lợi mua sắm của mình. Hàng giả, hàng nhái là những rủi ro khách hàng thường gặp nhất khi mua sắm, đặc biệt là mua sắm trực tuyến. Bằng cách kiểm tra mã QR, khách hàng có thể xác thực nguồn gốc và tính xác thực của sản phẩm, tránh được những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, mã QR còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường. Mặt khác, với ứng dụng này sẽ giúp người tiêu dùng có đủ thông tin về nguồn gốc sản phẩm, doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm và ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo cơ hội lớn cho việc ứng dụng các công nghệ số. Từ đó tạo ra sự tin cậy ở phía người dùng khi biết được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà mình mua.
“Doanh nghiệp hiện nay muốn chinh phục thị trường phải tạo niềm tin, đảm bảo sự tin cậy, an toàn đến cho khách hàng. Với việc đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ như mã QR hàng hóa sẽ xây dựng được một tấm “lá chắn” bảo vệ trước nạn hàng giả, hàng nhái đang hoành hành hiện nay. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan quản lý, công nghệ cũng là những cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho việc quản lý tốt thị trường, qua đó giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển lành mạnh, bền vững”, ông Nguyễn Công Nhật nhấn mạnh.