Doanh nghiệp dệt may cần thay đổi để thích ứng chính sách thuế của Mỹ
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, chính sách thuế đối ứng sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp thay đổi, từ chiến lược phát triển đến phương thức xuất khẩu, tự chủ nguyên vật liệu, phát triển thương hiệu để làm ăn lâu dài.
Chiều 28-4, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Chủ đề của cuộc giao ban lần này tập trung vào việc các giải pháp chủ động thích ứng với chiến tranh thương mại và chính sách thuế đối ứng của Mỹ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết dệt may là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ thuế đối ứng của Mỹ. Năm 2024, dệt may Việt Nam xuất khẩu được 43,6 tỉ USD, trong đó 16,6 tỉ USD xuất sang Mỹ, chiếm 15% tổng lượng nhập khẩu dệt may của Mỹ, đứng thứ hai sau Trung Quốc.
Về nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành dệt may, hiện mỗi năm nhập 24,8 tỉ USD, chủ yếu từ Trung Quốc, với 62%. Do vậy khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc xảy ra, dệt may Việt Nam sẽ ảnh hưởng rất lớn, vì đây đều là thị trường xuất khẩu và nhập khẩu lớn nhất.
“Mỹ áp thuế sẽ gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, trong đó lo ngại nhất là đầu tư nước ngoài. Hiện có đến 60% tỉ trọng xuất khẩu dệt may Việt Nam là của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Trong 50 doanh nghiệp lớn nhất xuất khẩu sang Mỹ, có trên 30 doanh nghiệp là đầu tư nước ngoài. Nghĩa là nếu chúng ta không đàm phán được mức thuế phù hợp, thì sẽ rất khó khăn vì số doanh nghiệp này sẽ hạn chế, thu hẹp sản xuất hoặc rút khỏi thị trường Việt Nam” - ông Cẩm thông tin.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, chiều 28-4.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho rằng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp dệt may thay đổi. Vì trước đây các doanh nghiệp hay tập trung vào các thị trường dễ tính, dễ khai thác. Do vậy với bối cảnh hiện nay sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp thay đổi, từ chiến lược phát triển đến phương thức xuất khẩu, tự chủ nguyên vật liệu, phát triển thương hiệu để làm ăn lâu dài.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết hiện thủy sản Việt Nam cũng nằm trong tốp 10 xuất khẩu chủ lực thủy sản vào Mỹ. Ngoại trừ Trung Quốc, thì 8 quốc gia còn lại có mức thuế chỉ 10-30%, còn chúng ta dự kiến 46%.
“Chúng ta có ba tháng để chạy đua đàm phán thuế đối ứng. Dù rất tin tưởng vào chương trình làm việc của Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp thủy sản vẫn có các lo ngại” - ông Nam nói.
Theo ông Nam, các lo ngại này là đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể của cơ quan hải quan và biên phòng Mỹ về thuế đối ứng. Do vậy các doanh nghiệp đang bảo nhau cố gắng xuất hàng càng nhanh càng tốt.
Thứ hai, nếu chúng ta đàm phán thuận lợi, nhưng căng thẳng Mỹ - Trung Quốc vẫn gia tăng thì sẽ xuất hiện quan ngại tình trạng lượng hàng Trung Quốc đang xuất khẩu bình thường sang Mỹ nay không xuất được thì lượng hàng đó sẽ đi đâu?
“Khi dư lượng hàng lớn như vậy thì sẽ dẫn đến tình huống Trung Quốc giảm nhập của Việt Nam, đồng thời đưa hàng sang các nước khác mà Việt Nam đang xuất khẩu, gây thêm sức ép cạnh tranh ” - ông Nam nói.
Thứ ba là vấn đề logistics. Ông Nam cho hay các doanh nghiệp đang nhận được thông tin đến 14-10, Mỹ đang có chính sách tính phí với các lô hàng được vận chuyển trên các con tàu được đóng tại Trung Quốc cập cảng vào Mỹ.
Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại tại Mỹ cho biết các cuộc trao đổi cấp cao, cụ thể là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Trump, chuyến công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ, chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ vào tháng 3… đã thể hiện tầm nhìn chiến lược, xuyên suốt của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ trong tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ông Hưng cũng cho biết, qua trao đổi với một số đơn vị tư vấn về động thái của Mỹ, các bên đều cho rằng việc Cơ quan đại diện thương mại Mỹ đăng tải thông cáo báo chí về kết quả cuộc điện đàm giữa hai bên chỉ một ngày sau cuộc họp, cũng như nghiêm túc xem xét đề xuất họp song phương cấp cao đã thể hiện sự quan tâm và coi trọng của Mỹ đối với Việt Nam. Họ coi Việt Nam là đối tác quan trọng, nghiêm túc, có thiện chí cũng như ghi nhận một cách thực chất những quan ngại của Mỹ.
Ông Hưng cũng tiết lộ, phía Mỹ đã mời đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang họp khởi động đàm phán trong tuần này.