Trường nghề hợp tác với doanh nghiệp, học sinh đi thực tập có lương
Thực hiện Luật Thủ đô 2024, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các trường nghề thực hiện giải pháp thu hút chuyên gia giỏi chuyên môn, có năng lực quản trị; thay đổi phương thức đào tạo nghề, hợp tác sâu hơn với DN; quan tâm đến nhu cầu thị trường lao động...
Thay đổi cơ chế, thu hút chuyên gia giỏi cho nhà trường
Trọng dụng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những yếu tố để Hà Nội phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), muốn đào tạo nghề đạt chất lượng tốt thì phải có cán bộ quản lý tốt, giáo viên có chuyên môn và kỹ năng tay nghề. Do đó, theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội Phạm Quang Vinh, hiện nay các cơ sở GDNN phải thay đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp với quy định mới để thu hút được chuyên gia giỏi từ bên ngoài vào làm việc ở trường.
Có hai nhóm chuyên gia giỏi mà các trường trung cấp cần thu hút. Thứ nhất là nhóm chuyên gia giỏi về chuyên môn (chủ yếu đến từ DN) để tham gia giảng dạy, đánh giá chất lượng, xây dựng chương trình, đưa học sinh xuống DN thực hành, thực tập thì chất lượng đào tạo nghề sẽ được cải thiện.
Thứ hai là nhóm chuyên gia có năng lực về quản lý để giúp thay đổi mô hình quản trị của nhà trường. Đồng thời, chuyên gia quản trị sẽ giúp nhà trường tiếp cận với thị trường, nhu cầu thị trường nhanh hơn và giải quyết các vấn đề của trường hiệu quả hơn.
“Vừa rồi, TP Hà Nội đã giao quyền tự chủ thì các trường phải khai thác lợi thế này. Với cơ chế tự chủ, các trường có quyền lựa chọn, tuyển dụng, phân công nhiệm vụ, bổ nhiệm vào những vị trí. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải thay đổi cả phương thức đào tạo để hợp tác sâu hơn với DN...” - ông Phạm Quang Vinh chia sẻ từ thực tế tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội.
Nhiều năm làm công tác quản lý trường trung cấp và hợp tác với DN, ông Phạm Quang Vinh cho biết, DN cần ở nhà trường lực lượng học sinh, sinh viên. Nếu nhà trường sử dụng học sinh, sinh viên như một lực lượng lao động hỗ trợ cho DN thông qua các kỳ thực tập, học thực hành tại nhà máy thì rất được DN quan tâm và ủng hộ. Khi nhà trường đưa học sinh đến DN thực hành, thực tập thì DN sẵn sàng bố trí chuyên gia giảng dạy.
Với cách làm này, nhà trường thực hiện được giải pháp thu hút chuyên gia giỏi về chuyên môn giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Còn để thu hút chuyên gia quản lý, nhà trường phải tạo ra được cơ chế và xây dựng các hoạt động (dự án, tuyển sinh, đào tạo cho DN...) để tăng nguồn thu cho nhà trường và lợi nhuận cho họ.
Học sinh đi thực tập được trả lương
Theo ông Phạm Quang Vinh, để có nguồn nhân lực chất lượng cao thì trường đào tạo nghề phải quan tâm đến nhu cầu thị trường. Các trường phải nhìn nhu cầu thực tế của DN, thị trường lao động để xây dựng chương trình đào tạo.
Cụ thể, các trường xem nội dung chuyên môn nào phù hợp với DN thì chương trình đào tạo và phát triển phù hợp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đơn vị sử dụng lao động. Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội xây dựng kế hoạch đưa học sinh đi thực tập tại DN với số lượng lớn để rèn kỹ năng.
Để làm được việc này, nhà trường hợp tác với nhiều DN; có chương trình đào tạo phù hợp với các chuyên ngành. Đồng thời nhà trường cũng thỏa thuận với DN về chính sách nhận học sinh đến thực tập, có trả lương.
“Có em học sinh đi thực tập 3 tháng được DN trả 24 triệu đồng. Khi học sinh đi thực tập tại DN, các em biết được kỷ luật lao động, nguyên tắc căn bản trong DN, tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, học sinh biết được giá trị của sức lao động, giá trị của đồng tiền do chính mình kiếm được... từ đó thay đổi nhận thức, trân trọng đồng tiền bố mẹ cho. Các phụ huynh cũng thay đổi nhận thức và rất vui khi sau một thời gian con mình đi thực tập tại DN trở về có sự trưởng thành”- ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Hiện nay, các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam đang có xu thế dịch chuyển. Trong đó, nhiều DN trước đây chỉ lắp ráp thuần túy nhưng hiện chế tạo ra các loại sản phẩm cao hơn; đồng nghĩa với người lao động phải nâng cao kỹ năng, năng lực nhiều hơn.
Do đó, các DN đòi hỏi chương trình đào tạo của nhà trường phải sát với thực tế. Nhà trường hợp tác với DN để cùng nhau tuyển dụng, đào tạo theo đơn đặt hàng. Khi các DN hợp tác với nhà trường, họ sẽ hỗ trợ trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, chuyên gia huấn luyện giáo viên, tạo việc làm cho học sinh.
Theo lãnh đạo các cơ sở GDNN, khi sự hợp tác giữa nhà trường và DN được thực hiện trôi chảy và mang đến thành công thì lợi ích của tất cả các bên liên quan gồm học sinh, DN, gia đình học sinh, nhà trường được đáp ứng một cách hài hòa. Nhà trường kết hợp với DN để tạo thêm các nguồn lực đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên tốt hơn và giải quyết việc làm cho các em ngay từ khi đang học.
Với những giải pháp đang được nhiều cơ sở GDNN thực hiện như có chế độ tốt về lương, thưởng, thu nhập tăng; đầu tư trang thiết bị; hợp tác sâu với DN... đã góp phần đưa học sinh, sinh viên có việc làm đúng nghề đào tạo chiếm tỷ lệ cao, có ngành lên tới 100%. Điều này khẳng định các cơ sở GDNN nâng cao chất lượng đào tạo theo quy định của Luật Thủ đô 2024 là để góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội và cả nước.