Phạt nặng để răn đe

Thay đổi hành vi cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Việc tăng cường xử lý vi phạm giao thông đang tác động mạnh mẽ đến việc chấp hành của người dân, thì lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) hoàn toàn có thể có bước đột phá tương tự nếu mức phạt đủ nặng, thậm chí phạt 'khủng'.

Bên cạnh đó, những vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc tái diễn nhiều lần, coi thường pháp luật cần phải xem xét xử lý hình sự để kéo giảm tội phạm về ATTP.

Trong lĩnh vực ATTP, liên tiếp các vụ việc gây phẫn nộ thời gian gần đây như: giá đỗ ngâm hóa chất, bim bim sản xuất trong khu có chuột chết, bánh cốm nổi tiếng được chế biến gần nhà vệ sinh... Mới nhất, cơ quan chức năng TP Hà Nội vừa ngăn chặn hơn 3 tấn thực phẩm đông lạnh không nguồn gốc, bốc mùi, sắp tuồn ra thị trường tết.

Chưa kể, cơ sở vi phạm trong vụ việc trên đã “ngựa quen đường cũ”, từng bị xử phạt cách đây 4 năm vì lỗi tương tự. Thực tế, hành vi vi phạm ATTP hiện nay ngày càng tinh vi và kín đáo hơn nhằm qua mặt cơ quan chức năng, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng để thu lợi bất chính.

Riêng tại TP Hà Nội, một số hành vi vi phạm về ATTP đã bị tăng tiền phạt gấp đôi từ ngày 1-1, theo quy định tại Luật Thủ đô 2024 và Nghị quyết số 49-2024 của HĐND TP Hà Nội. Trên phạm vi cả nước, năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về ATTP. Lực lượng công an đã khởi tố 62 vụ (tăng gần 88%) với 97 bị can (tăng hơn 185%).

Lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế. Trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh doanh online phát triển mạnh, việc kiểm soát chấp hành quy định ATTP càng trở nên thách thức hơn.

Các chuyên gia y tế nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng nhiễm độc trường diễn từ thực phẩm “bẩn”. Nghĩa là, hóa chất độc hại trong đồ ăn thức uống tích tụ lâu dài trong cơ thể người dùng, hàng chục năm sau mới phát bệnh. Khi đó, không ai có thể chỉ mặt đặt tên loại độc chất hay tìm ra nguyên nhân chính xác. Không quá khi nói rằng, hành vi ngâm tẩm hóa chất độc hại, sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm là “đầu độc” chính người thân và đồng bào mình.

Vì vậy, xử lý nghiêm minh, quyết liệt các vi phạm ATTP là điều không thể chậm trễ hoặc nhân nhượng. Đây còn là trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo điều kiện sống và phát triển an toàn cho thế hệ tương lai.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phat-nang-de-ran-de-post777530.html
Zalo