Nhìn lại tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã cán đích thành công với mức tăng trưởng ước đạt 7,09%, vượt chỉ tiêu 6,5-7% do Quốc hội đặt ra, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Những động lực truyền thống
Thành tích năm 2024 tiếp tục nhờ vào những động lực tăng trưởng truyền thống. Nhìn vào tổng cầu, theo Tổng cục Thống kê (TCTK), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kỷ lục 405,53 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm 2023, vẫn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - với 290,8 tỉ đô la kể cả dầu thô, tăng 12,2% so với năm 2023, chiếm 71,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,77 tỉ đô la. Trong đó, theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất siêu hàng hóa của khu vực FDI là 47,5 tỉ đô la không kể dầu thô.
Theo TCTK, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu hàng hóa 25,4 tỉ đô la. Phần xuất siêu 17,9 tỉ đô la của ngành nông, lâm, thủy sản đã gánh một phần nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước nói chung.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2024 lên tới 786,29 tỉ đô la, độ mở của nền kinh tế thông qua chỉ số kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP là 165%. Như đánh giá của nhiều chuyên gia, sự phục hồi của thương mại toàn cầu, đạt mức 33.000 tỉ đô la trong năm 2024, tăng 2,7% so với năm 2023, đã hỗ trợ cho nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu như Việt Nam. Thương mại toàn cầu được dự báo vẫn tiếp tục đi lên, với mức tăng ước tính 3% trong năm 2025, là cơ sở để chúng ta vẫn có thể xác định xuất khẩu là một động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025. Dù vậy, trong dài hạn, vẫn phải giảm dần sự phụ thuộc vào xuất khẩu và tìm ra các hướng thúc đẩy tăng trưởng mới.
Xuất khẩu ròng của Việt Nam năm 2024 chỉ đóng góp khoảng 0,66% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, xét từ góc độ tổng cầu. Như vậy, tăng trưởng kinh tế thời gian sắp tới vẫn phải dựa vào hai cấu thành còn lại là đầu tư và tiêu dùng cuối cùng, nghĩa là phải dựa vào chính nội lực của kinh tế Việt Nam.
Tại tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025” do VnEconomy tổ chức ngày 3-1-2025, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết xuất khẩu ròng của Việt Nam năm 2024 chỉ đóng góp khoảng 0,66% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, xét từ góc độ tổng cầu. Như vậy, tăng trưởng kinh tế thời gian sắp tới vẫn phải dựa vào hai cấu thành còn lại là đầu tư và tiêu dùng cuối cùng, nghĩa là phải dựa vào chính nội lực của kinh tế Việt Nam.
Về đầu tư, theo TS. Cấn Văn Lực, trong năm 2024, yếu tố này đóng góp 37% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Bên cạnh nhiều điểm khả quan, vẫn còn những nỗi băn khoăn. Số liệu của TCTK cho thấy, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 3.692.100 tỉ đồng, tăng 7,5% so với năm 2023, cao hơn mức tăng 6,6% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư tư nhân đạt 726.600 tỉ đồng, tăng 8,7%, vẫn thấp hơn mức tăng trung bình giai đoạn 2016-2019 là 15,5%/năm.
Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 11-2024 ước đạt 410.953,1 tỉ đồng, bằng 54,8% kế hoạch, vì vậy, nhiều khả năng, giải ngân đầu tư công cả năm 2024 không đạt mức 81% kế hoạch như năm 2023. Theo một tính toán của TCTK, khi vốn đầu tư công tăng lên 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Như vậy, đầu tư công năm nay đã không đóng góp trực tiếp nhiều cho mức tăng trưởng kinh tế chung. Và dù việc cải thiện tốc độ giải ngân đầu tư công tạo nên những kết quả nhất định vào tăng trưởng, vấn đề chất lượng đầu tư công, sức lan tỏa từ các dự án đầu tư công mới là yếu tố quan trọng nhất nếu muốn hướng đến một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, bền vững.
Năm 2024, tiêu dùng cuối cùng, bao gồm cả tiêu dùng của người dân và Chính phủ tăng 6,57% so với năm 2023. Việt Nam nhập siêu dịch vụ 12,34 tỉ đô la, cao hơn rất nhiều so với mức 9,47 tỉ đô la của năm 2023. Về điểm này, ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế của Think Future, trong tọa đàm nêu trên đã đưa ra một trong số các nguyên nhân cơ bản. Vị chuyên gia lấy ví dụ, gia đình ông thay vì lựa chọn kỳ nghỉ ở đảo ngọc Phú Quốc thì đã đi du lịch Thái Lan vì giá vé máy bay nội địa cao hơn khá nhiều so với giá vé tới nhiều điểm trong khu vực.
Hướng tới mô hình tăng trưởng mới
Nhìn từ góc độ tổng cung, trong năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 5,37% trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Theo TS. Cấn Văn Lực, đây là con số rất thấp so với mức thông thường khoảng trên dưới 10% của các khu vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, khi GDP của ngành nông nghiệp chiếm dưới 20% tổng GDP của toàn nền kinh tế, cần phải tái đầu tư vào nông nghiệp mà đối với Việt Nam, là cần nâng cấp hạ tầng logistics và đào tạo nhân lực của ngành.
Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, trong năm 2024, cả nước có hơn 233.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 7,1% so với năm 2023; bình quân một tháng có gần 19.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 197.900 doanh nghiệp, tăng 14,7%; bình quân một tháng có gần 16.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, trong năm 2024, số doanh nghiệp trở lại thị trường đã lớn hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, dù mức chênh lệch chưa thật sự ấn tượng.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 (đến ngày 25-12) chỉ 13,82%, không đạt định hướng 15% đặt ra từ đầu năm, nhưng tốc độ rải đều trong cả năm, không bị giật cục vào các tháng cuối như năm 2023. Tuy vậy, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, lưu ý tổng phương tiện thanh toán (M2) năm 2024 chỉ tăng khoảng 8%, vòng quay tiền ở mức 0,65%, chứng tỏ doanh nghiệp vẫn đang bị thiếu tiền. Điều này hoàn toàn có thể khắc phục một phần nếu giải ngân vốn đầu tư công tốt hơn, giải phóng hàng trăm ngàn tỉ đồng đang “nhàn rỗi” trong Kho bạc Nhà nước.
Điểm sáng có thể sẽ tác động tích cực tới kinh tế Việt Nam là xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất công nghệ bán dẫn, công nghệ cao sang châu Á, mà những tín hiệu từ Nvidia, Amkor trong năm vừa qua chứng tỏ Việt Nam đang được coi là một trong những điểm đến cần cân nhắc. Chúng ta đã quyết tâm thu hút dòng đầu tư này, đã có những bước chuẩn bị về hạ tầng, công nghệ, nhân lực, vậy nên, vấn đề còn lại là chúng ta có đủ nhanh và đủ tốt để đón bắt được cơ hội hay không.
Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu khoảng 7-7,5%; trong khi đó, Chính phủ kỳ vọng vào con số tăng trưởng 8%. Để đạt được các mục tiêu này, tạo tiền đề cho mức tăng trưởng cao hơn vào những năm tiếp theo, việc xác định và xây dựng động lực và mô hình tăng trưởng mới là nhiệm vụ bắt buộc.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm nói trên đều thống nhất, chúng ta vẫn phải tiếp tục cải cách thể chế. Chỉ có điều, để tránh tình trạng sửa đổi chính sách, khơi thông điểm nghẽn ở chỗ này lại tạo gánh nặng cho nơi khác, sự cải cách này phải được thực hiện một cách tổng thể, dựa trên chiến lược phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, thậm chí của cả nền kinh tế trong ngắn hạn và theo lộ trình cho tương lai.
Đối với các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khơi thông thể chế phải đi kèm với đồng bộ hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Riêng về vấn đề vốn cho kinh tế xanh, theo ông Phạm Xuân Hòe, Việt Nam có thể suy nghĩ về việc thành lập Quỹ tái cấp vốn xanh của ngân hàng trung ương hay mô hình ngân hàng xanh, thẩm định và quyết định rót vốn cho các dự án đáp ứng tiêu chuẩn.