Trường miền núi 'hóa giải' khó khăn
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các trường học miền núi của Quảng Nam và Bình Định vẫn sẵn sàng dạy học Chương trình mới cho HS lớp 4 và lớp 8.
Vượt khó trước thềm năm học mới
Năm học mới 2023 - 2024, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) có 4 lớp 4, với 64 học sinh. Để triển khai Chương trình GDPT 2018, trường xây dựng kế hoạch tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 4 tham gia bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 4. Đồng thời, bố trí đủ 13 giáo viên dạy lớp 4 ở các môn học, mỗi lớp một phòng học, 2 phòng máy cho học sinh học môn Tin học tại điểm trường chính và 2 điểm trường lẻ.
Thầy Hiệu trưởng Trần Bảo Tú chia sẻ: “Khó khăn nhất khi thực hiện chương trình mới là thiết bị dạy học từ lớp 2 đến lớp 4 chưa có nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh. Các điểm trường lẻ chưa kết nối Internet, hạ tầng công nghệ thông tin còn thiếu, chưa trang bị đủ mỗi lớp 1 tivi để dạy học. Ngoài ra, cơ sở vật chất phòng học thiếu, các phòng âm nhạc, phòng mĩ thuật, phòng tiếng Anh, phòng đa chức năng...”.
Thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học - THCS Trà Nú cho hay, năm học mới nhà trường dự kiến mở 2 lớp 4 với 43 học sinh và 1 lớp 8 với 32 em. Để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 4 năm học 2023 - 2024, nhà trường đã cử 4 giáo viên cấp tiểu học tham gia tập huấn đổi mới phương pháp dạy học và sách giáo khoa lớp 4.
“Trường đang chuẩn bị mọi điều kiện như sửa chữa cơ sở vật chất, hoàn thiện các hạng mục công trình để đưa vào khai thác trong năm học mới, mua sắm bổ sung thiết bị cần thiết để phục vụ cho dạy học. Trường dự kiến phân công những thầy cô có chuyên môn giỏi, có kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm để đảm nhận lớp trong năm học đến”, thầy Công thông tin.
“Mùa Hè năm nay, giáo viên tiếp tục tập huấn các mô-đun 6, 7, 8 Chương trình GDPT 2018, tập huấn sách giáo khoa lớp 8. Cạnh đó cũng có một số khó khăn nhất định như thiếu giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên. Để khắc phục, môn KHTN vẫn phân công 3 giáo viên Lý, Hóa, Sinh đảm nhiệm đứng lớp”, cô Thương thông tin.
Tại Trường THCS 19-8 (huyện Bắc Trà My), cô Đỗ Thị Hoài Thương - Hiệu trưởng cho hay, năm học 2023 - 2024, trường có 2 lớp 8 với tổng số 46 học sinh. Để chuẩn bị tốt cho Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 8, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất.
Là một trong những trường miền núi của huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), Trường PTDTBT Tây Sơn năm học 2023 - 2024 có tổng số 51 học sinh khối lớp 8. Thầy Hà Văn Thạnh - Phó Hiệu trưởng phụ trách cho hay, để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho năm học mới, trường từng bước tu sửa, trang bị cơ sở, đồ dùng dạy học. Ngoài ra, trường đang được cấp trên xây dựng 4 phòng chức năng dự kiến được đưa vào sử dụng trong năm học 2023 - 2024.
Tương tự, Trường Tiểu học số 2 Võ Xán (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) có 5 lớp 4 với tổng số 168 học sinh. Để sẵn sàng cơ sở vật chất trong việc triển khai chương trình mới, ngay thời điểm nghỉ hè nhà trường đã tham mưu với Phòng GD&ĐT, UBND huyện Tây Sơn tiến hành sửa chữa các phòng học để đảm bảo đủ số phòng học cho các lớp 4.
Cụ thể là 1 lớp/1 phòng và thực hiện dạy học đủ 9 buổi/ tuần. Chuẩn bị, bố trí đủ số lượng giáo viên giảng dạy lớp 4. Đến nay, trường đã lập danh sách và cử giáo viên tham gia tập huấn sách giáo khoa lớp 4 theo yêu cầu của Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Bảo đảm cơ sở vật chất và sách giáo khoa
Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) cho hay, năm học 2023 - 2024 toàn huyện có 790 học sinh khối lớp 8 và khối lớp 4 với 1.041 em. Là địa bàn rộng lớn, với nhiều trường thuộc vùng núi, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4 và lớp 8 cũng như cung ứng sách được ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam triển khai thận trọng, bảo đảm chất lượng. Phòng GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch tập huấn sách giáo khoa mới cho giáo viên từ ngày 19 - 23/6.
Ngoài ra, phòng GD&ĐT tổng hợp thống kê về số lượng học sinh, trang thiết bị dạy học ở các trường, từ đó tham mưu với UBND huyện để cấp kinh phí cho các trường học trên địa bàn mua sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 4, lớp 8 mượn học. “Cùng với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp được coi là một trong hai yếu tố quyết định đến chất lượng dạy và học.
Vì vậy, những năm qua, ngành Giáo dục cùng các địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện về cơ sở vật chất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả và thực hiện tốt việc sắp xếp, cơ cấu hợp lý các cơ sở giáo dục để sẵn sàng giảng dạy chương trình SGK mới”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Võ Ngọc Khanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Sơn (Bình Định) cho rằng, công tác chuẩn bị cho việc chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất để dạy Chương trình GDPT 2018 luôn được ưu tiên. Đặc biệt là ở các trường thuộc địa bàn miền núi, khó khăn. Riêng về đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học lớp 4, lớp 8 thì đang được triển khai. Đối với việc sửa chữa trường lớp theo kinh phí của huyện thì trong đầu tháng 7 sẽ tiến hành. Về việc tập huấn giáo viên, huyện đã tổ chức triển khai tập huấn cho đội ngũ cốt cán.
“Trong thời gian tới sẽ triển khai liên tục các lớp tập huấn cho giáo viên đứng lớp. Ngành Giáo dục huyện đang khẩn trương và đảm bảo từ đây đến trước năm học mới phải hoàn thành, sẵn sàng đảm bảo nhân lực cũng như cơ sở vật chất khi bắt đầu dạy học. Từng bước khắc phục khó khăn, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu theo Chương trình GDPT 2018”, ông Khanh khẳng định.
Thầy Hà Văn Thạnh cho biết: Mặc dù đã được Sở GD&ĐT tổ chức đào tạo, bồi dưỡng một số thầy cô để giảng dạy các môn tổ hợp KHTN, Lịch sử và Địa lí nhưng thầy cô cũng gặp phải một số khó khăn. Vậy nên, nhà trường định hướng xây dựng kế hoạch khuyến khích các giáo viên nỗ lực, tích cực trong việc tự học, tự bồi dưỡng để từng bước nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ. Tham dự đầy đủ và có chất lượng các đợt sinh hoạt chuyên môn cấp huyện do Phòng GD&ĐT tổ chức.