Trường học hướng dẫn HS cách nhận diện SGK thật-giả qua tem chống hàng giả

Đăng ký mua sách tại trường và các cơ sở uy tín giúp hạn chế mua nhầm SGK giả, lậu. Đồng thời, cần biện pháp hiệu quả, ngăn tình trạng SGK thật giả lẫn lộn.

Cần biện pháp phòng chống hiệu quả, tránh tình trạng sách giáo khoa thật - giả lẫn lộn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Tại Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, chưa từng xảy ra trường hợp học sinh, phụ huynh mua phải sách giáo khoa giả, sách giáo khoa in lậu.

Tuy nhiên, nếu có trường hợp này xảy ra, nhà trường sẽ xác nhận lại thông tin. Sau đó, báo cáo về Sở Giáo dục và Đào tạo để kiểm tra cũng như đưa ra kết luận chính xác. Từ đó, Sở sẽ kết hợp cùng các nhà xuất bản cũng như các đơn vị cung cấp sách giáo khoa uy tín để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất”.

Theo thầy Lạc, việc mua phải sách giả sẽ ảnh hưởng tới cả phụ huynh và học sinh: “Nội dung kiến thức của sách có thể in sai dẫn tới thông tin không được chính thống, không đảm bảo trong quá trình phục vụ học tập của các em học sinh.

Thậm chí, dễ dẫn đến tình trạng học sinh tiếp thu kiến thức bị sai lệch. Ngoài ra, vấn nạn này còn gây thiệt hại cho đơn vị cung cấp sách giáo khoa từ nguồn chính thống, bản quyền của tác giả, nhà xuất bản và những cá nhân có liên quan cũng bị ảnh hưởng rất lớn.

Trên địa bàn huyện Giồng Riềng có một nhà sách chính thống là Nhà Sách Đông Hồ Giồng Riềng thuộc Công ty Cổ phần Sách - Thiết bị Trường học Kiên Giang. Hầu hết học sinh trong trường đều mua ở địa chỉ trên, nên cơ bản đảm bảo được nguồn sách giáo khoa”.

 Thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Ảnh NVCC.

Thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Ảnh NVCC.

Cùng bàn về vấn đề này, cô Đặng Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) cũng chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường đăng ký sách giáo khoa với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng và công ty sách trên địa bàn, nên mỗi năm học, học sinh đều được hỗ trợ mua sách tại trường.

Chính vì vậy, phụ huynh, học sinh không bị ảnh hưởng bởi nạn sách giả, sách in lậu. Từ trước đến nay, nhà trường cũng chưa ghi nhận trường hợp mua phải sách giáo khoa không đảm bảo chất lượng.

Khi tham gia mua sách qua nhà trường, phụ huynh, học sinh sẽ tiết kiệm được thời gian cũng như công sức. Phụ huynh không phải di chuyển từ huyện đến thành phố chỉ để mua một bộ sách giáo khoa. Các đơn vị cung ứng sách đảm bảo chất lượng, cung cấp đến tận tay phụ huynh, học sinh”.

Bàn về nguyên nhân sách giả, sách in lậu vẫn còn len lỏi trên thị trường, thầy Lạc cho cho rằng: “Theo tôi, công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn có khâu chưa thực sự chặt chẽ, nên tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu vẫn còn xuất hiện. Theo đó, cần có biện pháp để phòng chống hiệu quả, tránh tình trạng sách giáo khoa thật - giả lẫn lộn”

Theo cô Tuyến, nguyên nhân chính của vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu là do các cơ sở kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp. Chắc chắn, chất lượng sách giả, lậu sẽ không thể tốt bằng sách thật. Khi kinh doanh sách có nguồn gốc không chính thống, có thể giá thành sẽ giảm, bởi cơ sở kinh doanh thậm chí trốn thuế…, ngoài ra, còn có rất nhiều lý do khác, nhưng lớn nhất vẫn là vì lợi nhuận.

 Cô Đặng Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Ảnh NVCC.

Cô Đặng Thị Kim Tuyến - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng). Ảnh NVCC.

Nhà xuất bản cần phối hợp với ngành giáo dục chặt chẽ hơn để ngăn sách giả, lậu

Cô Tuyến cho biết thêm, những trường hợp không may mua phải sách giáo khoa giả, sách in lậu chắc chắn dữ liệu, kiến thức trong sách giáo khoa sẽ không được chính xác, thông tin không được đảm bảo.

Cùng chung tay ngăn chặn vấn nạn sách giả, trước mỗi năm học, nhà trường phải thông báo rõ ràng về những bộ sách học sinh, phụ huynh cần mua để tránh tình trạng nhầm lẫn giữa các bộ sách giáo khoa với nhau. Việc 100% học sinh đăng ký mua sách tại trường giúp các em không phải di chuyển xa đồng thời đảm bảo được chất lượng sách.

Thầy Lạc đề xuất về giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu: “Theo tôi, nhà xuất bản cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cũng như các cơ sở giáo dục để cảnh báo, hướng dẫn cách phân biệt sách giáo khoa thật và giả.

Khi giáo viên hay phụ huynh, học sinh mua sách, thông qua những dấu hiệu nhận biết, sẽ báo cáo lại nhà trường và cơ quan chức năng, nhằm góp phần ngăn chặn hành vi gian lận trong in ấn, phát hành sách giáo khoa”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng cho biết, vào đầu năm học, nhà trường đã thường xuyên phổ biến tới phụ huynh và các em học sinh Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, nhà trường chủ động thông báo danh mục sách giáo khoa được nhà trường lựa chọn sử dụng cũng như được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Việc này giúp phụ huynh và học sinh không mua nhầm lẫn các loại sách, đồng thời, tránh được tình trạng mua phải sách giáo khoa giả.

Không chỉ vậy, nhà trường còn hướng dẫn các em học sinh biết cách nhận diện, phân biệt sách giả, sách thật qua tem chống sách giả. Với những kiến thức cơ bản đã được phổ biến, khi quan sát, các em sẽ dễ dàng phân biệt được sách giả hay sách thật”.

Về phía Trường Trung học phổ thông Trà Lĩnh, cô Tuyến cũng bổ sung thêm: “Theo tôi, các nhà trường nên tổ chức nhiều buổi tuyên truyền về vấn nạn sách giáo khoa giả, sách in lậu, để phụ huynh, học sinh nhận thức đúng đắn, tránh tình trạng mua nhầm sách không đảm bảo phục vụ học tập. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường nên có những giải pháp đồng bộ, kiểm tra đột xuất các đơn vị cung cấp sách giáo khoa trên thị trường”.

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hoc-huong-dan-hs-cach-nhan-dien-sgk-that-gia-qua-tem-chong-hang-gia-post247891.gd
Zalo