Nhớ mãi một thời cắm bản '4 cùng' với dân

Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng với tôi, ký ức về những ngày '4 cùng' với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền đạo trái phép tại đây vẫn còn mãi và là kỷ niệm đáng nhớ.

1. Vừa tròn 20 tuổi, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp An ninh nhân dân I, tôi được điều về công tác tại Đội An ninh, Công an huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Yên Sơn là huyện miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, với nhiều cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Ngày ấy, hầu hết các con đường liên xã vùng 135 của huyện Yên Sơn chỉ là đường đất rải đá cấp phối nên những ngày trời khô và nắng thì bụi mù mịt, nhưng khi mưa xuống thì lầy lội như mặt ruộng vì bùn nhão nhoẹt, trơn như đổ mỡ, có những đoạn do xe ôtô chở nặng đi qua lại nhiều tạo ra những ổ voi, ổ gà, phải 2 người mới đẩy xe máy qua được.

Năm 2001, tại một số bản ở xa trung tâm xã như bản Đèo Ải, bản Trà Lỳ - xã Trung Minh; bản Khau Luông, bản Khau Làng - xã Kiến Thiết xuất hiện việc tuyên truyền lập "Vương quốc Mông" và hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật tại các vùng đồng bào dân tộc H'Mông. Các đối tượng cầm đầu lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá, lôi kéo người tin theo những hành vi mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, lệch lạc về văn hóa, xâm hại đạo đức xã hội, gây mất đoàn kết đối với các tôn giáo truyền thống và giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Việc triển khai công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động tôn giáo trái phép tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn của Công an huyện Yên Sơn gặp nhiều khó khăn vì đồng bào H'Mông sống rải rác trên vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa; thậm chí đường đến thôn bản phải đi bộ đến nửa ngày; việc tổ chức tuyên truyền cho người dân rất kín đáo… Trong khi, biên chế của Đội An ninh lúc bấy giờ chưa đến 10 người.

Nhóm Khuổi Coòng, thôn Làng Un, xã Kiến Thiết có 22 hộ với 123 nhân khẩu hoàn toàn là người dân tộc H'Mông. Thời điểm ấy, một số đối tượng xấu đã lợi dụng nhận thức của bà con trong thôn còn hạn chế nên đã tổ chức tuyên truyền, lôi kéo bà con theo Đạo Tin lành trái phép. Hoạt động của chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế không đủ sức để tuyên truyền vận động quần chúng, ngăn chặn hoạt động của số đối tượng xấu tuyên truyền lôi kéo quần chúng vào các hoạt động thành lập "Vương quốc H'Mông"...

Được sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an huyện Yên Sơn, tôi tham gia cùng tổ công tác đến thôn Khuổi Coòng vận động bà con với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng nói, cùng ở, cùng làm với nhân dân).

Tổ công tác "liên quân" chúng tôi gồm 5 người của 5 cơ quan: (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Công an huyện Yên Sơn, Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Ban Dân vận huyện Yên Sơn, Hội Phụ nữ tỉnh).

Những ngày đầu về bản, việc gặp dân không hề đơn giản vì hễ thấy cán bộ từ xa là người dân tìm cách lảng tránh, thậm chí đóng cửa không tiếp. Để đến với dân, tổ công tác tham mưu cho chính quyền địa phương kiện toàn Ban Mặt trận, Chi hội phụ nữ và Đoàn thanh niên thôn. Sau đó tổ công tác phối hợp với cán bộ thôn tổ chức các buổi họp thôn để tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bình xét hộ nghèo, các hộ có hoàn cảnh khó khăn để đề xuất huyện có chính sách hỗ trợ.

Dịp ấy đúng vào Rằm tháng Tám, khi nghe cán bộ thôn nói ở đây chưa bao giờ tổ chức Tết Trung thu, chúng tôi quyết định quyên góp kinh phí và phối hợp cùng với Chi hội phụ nữ và Đoàn thanh niên tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi. Đêm rằm tháng Tám năm ấy đã trở thành một sự kiện đáng nhớ với bà con dân bản khi lần đầu tiên trẻ con được ăn bánh kẹo, rước đèn ông sao trước sự chứng kiến của đại diện lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Kiến Thiết. Ngoài các hoạt động tuyên truyền, qua các mối quan hệ cá nhân, chúng tôi vận động anh em tại các cơ quan, đơn vị ủng hộ, quyên góp quần áo mang lên bản tặng các hộ nghèo trong thôn; rồi đến từng gia đình hướng dẫn bà con làm công trình nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh, đào giếng nước sạch phục vụ cho sinh hoạt…

Chính bằng những những hoạt động thiết thực ấy mà đồng bào dần có thiện cảm với các cán bộ từ trên tỉnh, huyện xuống tăng cường; chúng tôi đã đến được từng nhà, tiếp xúc từng người. Ngày ấy, điện thoại di động còn khá hiếm hoi, đã thế ở các xã vùng cao sóng điện thoại không có. Cũng may, nhà bác Trưởng thôn có cái tivi đen trắng nên chúng tôi không bị "đói thông tin". Cứ mỗi tối, sau 1 ngày lên nương, bà con lại tập trung nơi đây để xem nhờ tivi. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi dễ gần gũi với bà con hơn, học hỏi được ngôn ngữ của bà con. Giờ nghĩ lại, vẫn nhớ những câu nói phát ngôn tiếng H'Mông không chuẩn của 5 người chúng tôi lại là câu chuyện hài, tạo tiếng cười cho người dân. Tôi vẫn nhớ ngày đó, ở thôn có gia đình có tới 13 đứa con, ngày đầu đến, tất cả chúng tôi đều chào bà chủ nhà là bà vì trông già nua, khắc khổ. Nhưng khi hỏi tuổi thì mới biết "bà" còn còn… kém xa tuổi hai cô trong tổ công tác…

Để thay đổi nhận thức cho bà con là việc không dễ, vì vậy sau khi trao đổi, phối hợp với lực lượng An ninh tổ chức nắm tình hình hoạt động truyền đạo trái phép, tổ công tác đã tham mưu cho chính quyền tiến hành giáo dục những đối tượng tổ chức tuyên truyền đạo trái phép, đưa ra kiểm điểm trước dân và viết cam kết không tuyên truyền đạo trái phép... Đặc biệt, Công an huyện cũng phải xử lý một số đối tượng cầm đầu để răn đe…

2. Sau khi bắt vụ tuyên truyền đạo trái phép, lãnh đạo Công an huyện Yên Sơn đã động viên tôi chuyển công tác sang Đội Công an phụ trách xã và trực tiếp phụ trách xã Kiến Thiết để ổn định tình hình sau khi giải quyết "điểm nóng".

Để tiện cho việc sinh hoạt hàng ngày ở địa bàn, anh em cán bộ xã bố trí cho tôi một căn phòng nhỏ trong trụ sở ủy ban. Ngày tôi lên công tác tại xã vùng 135 này cũng có một nhóm giáo viên mầm non vừa mới ra trường được điều động lên nhận công tác để xây dựng trường mầm non. Trong thời gian chờ khảo sát xây dựng điểm trường, các cô cũng được chính quyền địa phương sắp xếp cho ở tạm căn nhà gỗ cũ kỹ nằm trong khuôn viên trụ sở UBND xã, bên cạnh với phòng nghỉ và làm việc của tôi.

Có đi "cắm bản" ở vùng cao mới hiểu không phải ngẫu nhiên mà một thời, cặp vợ chồng lý tưởng ở các xã miền núi, biên giới thường chồng là công an hoặc bộ đội biên phòng, vợ giáo viên bởi có sự đồng cảm về nỗi vất vả, xa nhà nên dễ chia sẻ. Nếu cán bộ công an, biên phòng xuống bản vất vả vì phải nắm chắc địa bàn, nắm đối tượng để đảm bảo an ninh trật tự cơ sở thì các cô giáo cũng vất không kém trong việc vận động đồng bào cho con đi học. Tôi vẫn nhớ ngày ấy, giáo viên mới ra trường lương chỉ có hơn 100.000 đồng/ tháng, sau 1 năm lương được tăng lên 270.000đ/tháng, chỉ đủ tiền đong gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết chứ đừng nghĩ đến việc mua thịt, mua rau. Vì thế, các cô phải cần đến sự trợ cấp từ gia đình. Nhưng hàng ngày, các cô phải thay nhau đi các điểm trường ở các thôn, bản xa xôi đi mất nửa ngày đường mới đến và ăn ở luôn tại điểm trường đó; các cô ở lại điểm trường trung tâm có thời điểm phải thuê nhà để ở.

Những ngày xuống các thôn, tôi nhận thấy để đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì rất cần có các hoạt động văn hóa, thể thao để thu hút thanh thiếu niên tham gia. Với vai trò là Phó bí thư phụ trách Chi đoàn Công an huyện Yên Sơn, tôi đã tham mưu Huyện đoàn Yên Sơn phối hợp Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phòng Văn hóa huyện Yên Sơn và Công an huyện Yên Sơn tổ chức Đêm giao lưu đốt lửa trại tại Trung tâm xã Kiến Thiết nhân dịp thành lập Đoàn 26/3.

Đêm giao lưu lửa trại với sự có mặt của Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang và Phó bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang được tổ chức ngoài chương trình văn nghệ với những tiết mục đặc sắc đến từ Đội văn nghệ xung kích của Công an tỉnh, Phòng Văn hóa huyện và các chi đoàn khối hành chính sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã lồng ghép tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; chương trình tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh nghèo vượt khó, đồng thời tiếp tục phát động phong trào "Lá lành đùm lá rách" quyên góp tại chỗ hơn một trăm triệu đồng…

Thế rồi một năm đi tăng cường cơ sở trôi đi rất nhanh với bao nhiêu kỷ niệm với bà con nơi đây. Trong bữa cơm chia tay tôi về lại Công an huyện, ngoài các cán bộ xã còn có cả những thầy cô giáo của Trường Tiểu học, Trường Mầm non Kiến Thiết và cả các anh, chị hàng xóm mà tôi thường qua lại và gắn bó với tôi như một gia đình. Cho tới bây giờ, dù đã công tác ở nhiều đơn vị, đã nhiều lần liên hoan chia tay đồng nghiệp nhưng với tôi đây là cuộc chia tay đáng nhớ nhất.

3. Thoáng cái đã 20 năm trôi qua, với bao mối lo toan trong cuộc sống gia đình, trải qua nhiều đơn vị công tác khác nhau, tôi mới trở lại vùng quê đã từng công tác và gắn bó những ngày đầu vào nghề.

Vùng quê nghèo khó của hơn 20 năm trước giờ đã thay đổi rất nhiều với hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sạch đã được nhà nước đầu tư xây dựng khang trang về tới từng thôn bản. Sóng điện thoại 4G cũng đến tận bản giúp người dân tiếp cận được những kiến thức mới. Trong câu chuyện với tôi, Trung tá Trương Minh Tuyên, Trưởng Công an xã Kiến Thiết và anh Trần Xuân Hiện, Bí thư Chi bộ thôn Làng Un, xã Kiến Thiết cho biết thôn hiện có 87 hộ, 425 khẩu (dân tộc H'Mông có 68 hộ, 307 khẩu thuộc nhóm Khuổi Coòng), đã có thu nhập ổn định với 2.500.000đ/ người/ 1 tháng; đã có nhiều mô hình làm kinh tế giỏi của hộ dân tộc H'Mông, trong đó phải kể đến hộ ông Vàng Seo Sình, Vàng Seo Xóa… với mô hình trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây lấy gỗ, đó là những điều mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới…

Nguyễn Bá Duy

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nho-mai-mot-thoi-cam-ban-4-cung-voi-dan-i754472/
Zalo