Trường ĐH Giao thông vận tải chuyển giao công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc

Sáng 9/1, Trường ĐH Giao thông vận tải tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề 'Xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam và Kinh nghiệm từ Trung Quốc'.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải khẳng định, đây là sự kiện khoa học quan trọng, thể hiện quyết tâm và sự cam kết của nhà trường trong nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ lĩnh vực đường sắt tại Việt Nam.

Đó cũng là tiếng nói trách nhiệm của nhà khoa học trong và ngoài nước trong thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao 350km/h trên trục Bắc-Nam đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua tại Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 20/9/2024 và được Quốc hội chấp thuận ngày 30/11/2024.

Tại Hội thảo, các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về các vấn đề kĩ thuật công nghệ của đường sắt tốc độ cao đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc; các giải pháp kỹ thuật trong xử lý nền đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc và châu Âu; vấn đề lựa chọn kết cấu công trình cầu đường sắt, vấn đề tiếp xúc tàu – đường ray; giải pháp điều khiển – tín hiệu, điện khí hóa trong đường sắt tốc độ cao, và những vấn đề khoa học kỹ thuật quan trọng khác.

 PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải phát biểu tại hội thảo.

“Hội thảo lần này hy vọng sẽ giúp tổng kết những bài học thành công của hệ thống đường sắt tốc độ cao Trung Quốc; từ đó gợi mở những giải pháp kỹ thuật tối ưu áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, dự án trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” - PGS.TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh

Hội thảo về “Xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam và Kinh nghiệm từ Trung Quốc” vừa là sự kiện khoa học công nghệ quan trọng đáp ứng nhu cầu phát triển lĩnh vực đường sắt tốc độ cao của Việt Nam, vừa là minh chứng cho sự hợp tác trách nhiệm và hiệu quả của cộng đồng khoa học.

Trước và sau hội thảo này, khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế đường sắt tốc độ cao được tổ chức với sự tham gia giảng dạy của các giáo sư, Nhà khoa học đến từ Trường ĐH Giao thông Tây Nam và Trường ĐH Giao thông vận tải; thu hút sự tham gia học tập của hơn một trăm kỹ sư, nhà chuyên môn làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hội thảo lần này là sự kiện khoa học khởi đầu cho chuỗi các diễn đàn khoa học quốc tế tiếp theo do Trường ĐH Giao thông vận tải kết hợp với các đối tác truyền thống trong lĩnh vực đường sắt.

 Các chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo.

Tháng 2 tới đây, trường sẽ phối hợp với các đối tác từ châu Âu tổ chức hội thảo về nền đường sắt tốc độ cao – vấn đề kĩ thuật đặc biệt quan trọng đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, dự kiến sẽ trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố với những điều kiện địa chất rất phức tạp và rất khác nhau của Việt Nam.

Đồng thời, tạp chí Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải của trường sẽ xuất bản Số đặc biệt về đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị trong Quý I năm 2025. Đây là các sự kiện lớn, nổi bật trong chuỗi các hoạt động nổi bật của Trường ĐH Giao thông vận tải năm 2025.

Qua đó, nhằm kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống và thực hiện nhiệm vụ tiên phong trong tiếp nhận và chuyển giao công nghệ cốt lõi trong lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị của Trường ĐH Giao thông vận tải.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trước yêu cầu chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành Giao thông vận tải trong giai đoạn mới, đã có trên 10 đoàn lưu học sinh với tổng số gần 100 giảng viên và sinh viên của Trường ĐH Giao thông vận tải đã tham gia học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng tại Trường ĐH Giao thông Tây Nam và các trường đại học giao thông khác của Trung Quốc.

Minh Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/truong-dh-giao-thong-van-tai-chuyen-giao-cong-nghe-xay-dung-duong-sat-cao-toc-post715313.html
Zalo