Trường ĐH đề xuất khoản thu học phí không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp

Bài toán về tự chủ tài chính vẫn gây khó khăn cho một số cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là vấn đề đa dạng hóa nguồn thu, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp...

Nghị quyết 51/NQ-CP ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nhấn mạnh Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập.

Những điểm nghẽn trong cơ chế tự chủ tài chính cần được nhìn nhận và tháo gỡ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất nêu ra một số thách thức của trường công lập khi thực hiện tự chủ tài chính.

"Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, có nói đến việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công, trong đó có các trường đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương, từ năm 2025 đến năm 2026, thúc đẩy trường công lập tự chủ lên nhóm 2 (đảm bảo chi thường xuyên) và nhóm 1 (đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư).

Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra với các trường công lập lúc này là cần có năng lực tài chính ổn định, khai thác hiệu quả các nguồn thu hợp pháp, tăng năng lực quản trị, xây dựng chiến lược phát triển và đảm bảo chất lượng đào tạo", thầy Khánh bày tỏ.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Ngọc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ảnh: NVCC

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất chia sẻ thêm về những khó khăn của nhà trường trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính: "Hiện tại, nhà trường đang tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (tự chủ nhóm 3). Quá trình định hướng sang tự chủ nhóm 2, chúng tôi nhận thấy một số khó khăn.

Thứ nhất, việc tự chủ tài chính cần đảm bảo nguồn thu nhưng hầu hết nguồn thu của nhà trường hiện nay đến từ học phí (chiếm đến 80-90% trong cơ cấu nguồn thu).

Với đơn vị giáo dục sự nghiệp công lập như Trường Đại Mỏ - Địa chất, có những ngành học phục vụ cho chiến lược phát triển của đất nước như nhóm các ngành liên quan đến lĩnh vực Mỏ - Địa chất. Đây là những ngành có nhu cầu học ít, chỉ tiêu tuyển sinh thấp.

Thực trạng trên ảnh hưởng đến sự cân đối thu chi tài chính của nhà trường. Tuy vậy, nhà trường vẫn phải tuyển sinh đều đặn mỗi năm vì đây là ngành học đào tạo những kỹ sư phục vụ cho mục tiêu phát triển và nghiên cứu khoa học của đất nước.

Thứ hai, Trường Đại học Mỏ - Địa chất thực tế đã có những mô hình liên kết với doanh nghiệp nhưng về hiệu quả nguồn thu vẫn chưa cao. Chúng tôi rất mong muốn có thể phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai những đề tài nghiên cứu khoa học, sử dụng nguồn quỹ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc trong cơ chế chính sách, doanh nghiệp vẫn e dè khi đầu tư vào nhà trường".

Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trương Tấn Quân - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế cho hay, quá trình thực hiện tự chủ của nhà trường có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít thách thức.

"Trong quá trình triển khai Nghị quyết 51, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập chính là việc thiếu nguồn lực để đầu tư, tạo ra đột phá về chất lượng đào tạo. Theo tôi, các trường công lập vẫn cần sự hỗ trợ về tài chính để hướng đến tự chủ bền vững.

Đa phần các trường phải thực hiện công thức lấy thu bù chi, nhưng điều này có thể làm tăng mức học phí hay giảm cơ hội học tập của sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nếu ngân sách nhà nước có thể đầu tư cho các trường công qua cơ chế hỗ trợ trên đầu sinh viên hay có thể chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người học (như học bổng, giảm học phí,...) thì sẽ tạo điều kiện cho những đối tượng yếu thế có cơ hội học tập tốt hơn.

Ngoài ra, nhà trường cũng cần đầu tư nhiều về cơ sở vật chất. Khoản đầu tư này mang tính dài hạn, trong khi phần lớn nguồn thu lại mang tính ngắn hạn, khó cân đối dòng tiền.

Khi tự chủ nhóm 1, các trường phải tự chi trả lương, phụ cấp và thu hút nhân tài, trong khi mức trần học phí bị khống chế, dẫn đến khó cạnh tranh với khu vực tư hoặc doanh nghiệp trong việc giữ chân giảng viên giỏi.

Thực tế cho thấy, việc triển khai cơ chế tự chủ tại nhiều cơ sở giáo dục công lập hiện nay mới chỉ đạt ở mức độ khiêm tốn, đặc biệt trong những nội dung quan trọng như: nghiên cứu khoa học, nhân lực, cơ sở vật chất và học thuật.

Trong khi đó, để thực hiện tự chủ hiệu quả, cần có cơ chế cho phép các trường được tự quyết nhiều hơn trong các lĩnh vực cốt lõi như: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu khoa học,...", Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế nhận định.

 Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư, Tiến sĩ, Trương Tấn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế. Ảnh: NVCC

Cùng bàn về vấn đề này, ông Phan Vũ Hạnh, Trưởng phòng, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Đại học Quy Nhơn cho biết: Trường Đại học Quy nhơn là đơn vị sự nghiệp công lập có thu tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên (thuộc đơn vị nhóm 3 có mức tự bảo đảm từ 70% đến dưới 100% chi thường xuyên).

Trong quá triển khai tự chủ tài chính ngoài những thuận lợi về cơ chế, nhà trường còn gặp những khó khăn như sau:

Thứ nhất, nguồn thu học phí vẫn là nguồn thu chính (chiếm khoảng 80% nguồn thu tại đơn vị), trong khi nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế còn rất hạn chế.

Thứ hai, việc phát triển đào tạo các khóa học ngắn hạn, bồi dưỡng, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp chưa mạnh do thị trường lao động ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên chưa sôi động, dẫn đến nhu cầu đào tạo theo đơn đặt hàng, hay các dịch vụ giáo dục, nghiên cứu chưa cao.

Thứ ba, việc khai thác tài sản công, thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường dù đã có những thay đổi tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc nhất về cơ chế pháp lý như: xác định giá trị thương hiệu để có thể góp vốn, nguồn vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc liên doanh, liên kết để thương mại hóa sản phẩm dẫn đến việc thu hút đầu tư vào giáo dục gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng là việc huy động các nguồn vốn viện trợ không hoàn lại cho giáo dục cũng gặp nhiều khó khăn nhất là do quy trình phê duyệt viện trợ không hoàn lại còn phức tạp, gây ra sự chậm trễ trong việc tiếp nhận viện trợ. Đặc biệt, việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tham gia vào các bước thẩm định, phê duyệt viện trợ dẫn đến tình trạng mất thời gian và đôi khi không đồng bộ giữa các cơ quan.

Bên cạnh đó, phân biệt giữa viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế và các hình thức hợp tác khác dễ gây ra sự nhầm lẫn. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xác định cách thức quản lý và chế độ báo cáo. Do đó đối với các dự án viện trợ không hoàn lại có thời gian thực hiện từ dưới 1 năm gần như không thực hiện được.

Dù nguồn tài chính phụ thuộc nhiều vào học phí, tuy nhiên, ông Hạnh chia sẻ nhà trường vẫn duy trì mức học phí thấp hơn so với mặt bằng chung nhằm tạo điều kiện cho con em của khu vực miền Trung -Tây Nguyên, nơi còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội được theo học các chương trình đào tạo đại học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đại học.

"Khi nâng mức độ tự chủ tài chính lên nhóm 2 hoặc nhóm 1, nhà nước sẽ không hỗ trợ chi thường xuyên cho bộ máy, số kinh phí thiếu này trường phải tăng cho người học để đảm bảo nguồn thu. Nghĩa là mức thu học phí sẽ cao hơn khi chưa tự chủ chi thường xuyên, điều này sẽ ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lực tài chính của nhà trường.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhà nước vẫn tiếp tục hỗ trợ chi thường xuyên cho các trường trong 5 năm theo mức giảm dần, cho đến khi nâng mức tự chủ tài chính lên nhóm 2 hoặc nhóm 1", ông Hạnh bày tỏ.

Trường đại học đề xuất, góp ý những giải pháp hướng đến tự chủ bền vững

Được trao quyền tự chủ tài chính, các trường đại học sẽ có điều kiện để tăng cường và đa dạng nguồn thu, chủ động sử dụng hiệu quả nguồn thu đó để đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực giỏi,… giúp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, điều này cần có giải pháp phù hợp với từng cơ sở đào tạo.

Từ thực tế tại nhà trường, ông Phan Vũ Hạnh đề xuất một số giải pháp để tiến tới tự chủ tài chính hiệu quả cho Trường Đại học Quy Nhơn nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học công lập nói chung.

Trước hết, cần cho phép nhà trường khai thác tài sản công hiệu quả bằng việc ban hành cơ chế đặc thù cho cơ sở giáo dục công lập tự chủ được tự quyết định khai thác tài sản công dưới 20 năm (không phải trình Chính phủ), với điều kiện công khai và báo cáo.

Thứ hai là tháo gỡ vấn đề về vốn khi thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường nhằm thực hiện chuyển giao thương mại hóa sảm phẩm, cũng như vấn đề liên doanh, liên kết để thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ ba, để trường học yên tâm tăng mức độ tự chủ thì ngân sách nhà nước vẫn cần tiếp tục hỗ trợ chi thường xuyên cho 5 năm đầu theo mức giảm dần để đảm bảo sự ổn định về tài chính.

Thứ tư, cần sửa đổi lại Nghị định 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam. Cụ thể, cần điều chỉnh theo hướng giảm bớt trình tự, thủ tục phê duyệt dự án và giao dự toán. Điều này tránh gây lãng phí thời gian, tạo niềm tin với nhà tài trợ, tạo cơ hội cho các trường tiếp nhận khoản viện trợ.

Cuối cùng, nhà trường đề xuất việc sửa đổi luật thuế thu nhập doanh nghiệp: đối với khoản thu học phí sẽ không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ông Hạnh nhấn mạnh thêm, thực hiện tự chủ tài chính hiệu quả không đơn thuần là "tăng thu – giảm chi", mà là quá trình chiến lược và quản trị toàn diện, tránh để các trường lâm vào tình thế thụ động hoặc chuyển gánh nặng sang người học.

Cơ sở giáo dục cần xác định nhóm ngành chiến lược để tập trung nguồn lực vào những ngành có nhu cầu xã hội cao, dễ thu hút người học, thay vì dàn trải. Đồng thời, phát triển, nâng cao thương hiệu, uy tín học thuật nhằm tạo nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, cần cân đối giữa đào tạo đại trà và chất lượng cao, có thể mở chương trình chất lượng cao/học phí cao, song song với chương trình phổ cập có hỗ trợ tài chính.

 Việc tự chủ tài chính đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần có chiến lược cụ thể. Ảnh minh họa: Trường Đại học Quy Nhơn.

Việc tự chủ tài chính đòi hỏi các cơ sở giáo dục cần có chiến lược cụ thể. Ảnh minh họa: Trường Đại học Quy Nhơn.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất mong muốn tăng thêm chính sách hỗ trợ các ngành học đặc thù, chuyên sâu tại nhà trường. Theo đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khánh chia sẻ: "Nhà trường mong muốn nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ đào tạo cho những ngành nghề có tính chất chuyên sâu nghiên cứu những vấn đề phục vụ cho chiến lược phát triển của đất nước.

Với những ngành học đặc thù này, nhà nước có thể cân nhắc việc đặt hàng đào tạo không chỉ về đào tạo sinh viên mà còn cả đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ và chuyên gia. Điều này sẽ giảm đi gánh nặng tài chính, tuyển sinh với nhà trường trong quá trình đào tạo những ngành học này.

Luật số 64/2020/QH14 về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã đưa ra các quy định cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, phía các trường học vẫn mong muốn có thêm các thông tư hướng dẫn chi tiết, giúp họ có thể linh hoạt hơn trong việc vận dụng các hình thức đầu tư công, từ đó khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào giáo dục nhiều hơn nữa.

Theo tôi nên để cơ sở đào tạo tự chủ xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật để làm cơ sở tính toán và phân cấp mức học phí phù hợp với từng chương trình đào tạo. Nếu học phí có sự điều chỉnh tăng lên, nhà trường cần phải chứng minh được các yếu tố đi kèm như sự cải thiện về cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và dịch vụ hỗ trợ, nhằm tạo sự tin tưởng và cân nhắc hợp lý từ phía người học. Điều này tránh được áp lực cho cả nhà trường và người học, tạo thuận lợi cho việc tự chủ tài chính".

Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trương Tấn Quân cho rằng, việc thực hiện tự chủ trong giáo dục, đặc biệt là tự chủ tài chính, cần có sự cân đối hợp lý giữa ba chủ thể: nhà nước, người học và cơ sở giáo dục. Trong đó, nhà nước vẫn cần giữ vai trò định hướng, hỗ trợ và giám sát, nhất là trong giai đoạn chuyển đổi.

Trên thực tế, hiện nay các trường vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan chủ quản từ việc phê duyệt biên chế, bổ nhiệm nhân sự, đến phân bổ ngân sách và đầu tư cơ sở vật chất.

Thầy Quân cho rằng, để thực hiện tự chủ hiệu quả, cần có cơ chế cho phép các trường được tự quyết nhiều hơn trong các lĩnh vực cốt lõi như tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các chương trình đào tạo mới.

"Tự chủ học thuật và tự chủ về nhân sự là hai yếu tố cần được chú trọng song song với tự chủ tài chính. Chỉ khi được trao quyền đồng bộ và thực chất, các trường đại học mới có thể vận hành tốt, hướng đến tự chủ bền vững", thầy Quân nhấn mạnh.

Thảo Lê

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-de-xuat-khoan-thu-hoc-phi-khong-phai-chiu-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-post250733.gd
Zalo