Trường Đại học Hồng Đức mở ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2025
Nhằm chuẩn bị cho đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, ĐH Hồng Đức đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng như đội ngũ giảng viên.
Công nghiệp bán dẫn đang được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm phát triển nguồn nhân lực, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đón đầu xu hướng này, Trường Đại học Hồng Đức dự kiến mở ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2025. Đây không chỉ là bước đi chiến lược nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, mà còn tạo ra cơ hội lớn cho sinh viên trước ngành công nghiệp đầy tiềm năng phát triển.
Đón đầu xu hướng với ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn
Theo thông tin từ nhà trường, năm 2025, Trường Đại học Hồng Đức dự kiến tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2025 với khoảng 50 chỉ tiêu. Các tổ hợp xét tuyển bao gồm: Toán - Ngữ văn - Vật lý; Toán - Ngữ văn - Hóa học; Toán - Ngữ văn - Sinh học; và Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh.
![Phó giáo sư Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: HDU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_231_51449000/2898944ba105485b1114.jpg)
Phó giáo sư Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: HDU
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Đậu Bá Thìn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức cho hay, nhà trường triển khai đào tạo ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn theo nhiệm vụ được Tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao, trong đó chủ trì xây dựng Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Đến nay, nhà trường đã hoàn thành đề án mở ngành mới và trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện tuyển sinh đào tạo ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn từ năm 2025.
Phó Giáo sư Đậu Bá Thìn nhận định, Công nghệ vi mạch bán dẫn là một ngành học đầy triển vọng với tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Sự gia tăng nhu cầu trong các ngành công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin cùng với sự phát triển của 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) đang thúc đẩy nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, tại Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn như Intel, Samsung, TSMC cùng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất và nghiên cứu, tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực thiết kế, chế tạo và kiểm tra vi mạch. Đồng thời, Chính phủ cũng ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển bền vững ngành công nghiệp bán dẫn, mở ra cơ hội rộng lớn cho sinh viên theo học ngành này.
Sẵn sàng mọi điều kiện cho công tác đào tạo ngành mới
![Đội tuyển sinh viên Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Hồng Đức tham dự kỳ thi Lập trình Sinh viên Quốc tế ICPC năm 2024. Ảnh: HDU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_231_51449000/2db19262a72c4e72173d.jpg)
Đội tuyển sinh viên Khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Trường Đại học Hồng Đức tham dự kỳ thi Lập trình Sinh viên Quốc tế ICPC năm 2024. Ảnh: HDU
Nhằm chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, Trường Đại học Hồng Đức đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, chương trình đào tạo cũng như đội ngũ giảng viên.
Trong đó, hiện Trường Đại học Hồng Đức đã và đang đào tạo nhiều ngành liên quan đến lĩnh vực bán dẫn như Công nghệ thông tin (bậc đại học), Khoa học máy tính (bậc thạc sĩ và tiến sĩ), Kỹ thuật điện, Vật lý ứng dụng,…Với sự quan tâm đặc biệt từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, hệ thống cơ sở vật chất của trường liên tục được đầu tư, nâng cấp hiện đại, bao gồm thư viện số, phòng máy tính, phòng thí nghiệm công nghệ cao, trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm IoT, cùng hệ thống máy chủ và máy GPU tiên tiến.
Cùng với đó, đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, với 4 phó giáo sư ngành Khoa học Vật liệu và nhiều tiến sĩ chuyên ngành gần như Điện tử, Kỹ thuật Điện, Khoa học Vật liệu, Vật lý Chất rắn.
“Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Trường Đại học Hồng Đức nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, trong đó có Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là cơ hội lớn để Nhà trường có những bước đột phá về cơ chế, chính sách, đội ngũ giảng viên và chương trình đào tạo, nhằm thu hút sinh viên giỏi, xuất sắc theo học”, lãnh đạo Trường Đại học Hồng Đức nhấn mạnh.
Bên cạnh việc đầu tư vào đào tạo và cơ sở vật chất, Trường Đại học Hồng Đức cũng xác định mở rộng mạng lưới hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học là chìa khóa để phát triển nhanh và bền vững.
Phó Hiệu trưởng Đậu Bá Thìn cho hay, Trường Đại học Hồng Đức đã và đang thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo trong và ngoài nước, như liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo đại học ngành Điện tử viễn thông, hợp tác với Đại học Thái Nguyên trong lĩnh vực Hệ thống điện.
Ở cấp độ quốc tế, Trường đã hợp tác với Đại học PolyTech Tours và Đại học AIX-Marseille (Pháp), Đại học Zielona Gora (Ba Lan), Đại học Kỹ thuật Năng lượng Moscow (Liên bang Nga),… Nhiều lượt giảng viên và sinh viên đã được trao đổi giữa Nhà trường và các đối tác, đồng thời nhiều giảng viên được cử đi đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ tại các cơ sở uy tín nước ngoài nhằm nâng cao chuyên môn và năng lực nghiên cứu trong ngành công nghệ vi mạch bán dẫn.
![Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức trao giấy khen cho các em sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tháng 6/2023. Ảnh: HDU](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_231_51449000/221e9ccda98340dd1992.jpg)
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức trao giấy khen cho các em sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, tháng 6/2023. Ảnh: HDU
Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027. Trên toàn cầu, thị trường chất bán dẫn dự kiến tăng trưởng 13,1% trong năm 2024, đạt mức kỷ lục 588,36 tỷ USD và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030.
Tại Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong ngành bán dẫn cũng đang gia tăng đáng kể. Các chuyên gia kinh tế dự báo trong khoảng 5 năm tới, ngành bán dẫn Việt Nam cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi đó hiện nay, số nhân lực thiết kế vi mạch chỉ khoảng 5.000 người, cho thấy khoảng trống lớn cần được lấp đầy. [1]
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Công nghiệp Công nghệ thông tin Việt Nam (HSIA), mức lương trung bình cho kỹ sư thiết kế vi mạch mới ra trường là 15 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm 1-3 năm, mức lương có thể dao động từ 15-30 triệu đồng/tháng. Sau 6 năm kinh nghiệm, mức lương có thể dao động từ 50-100 triệu đồng/tháng.
Được biết, năm ngoái, mức thu học phí hệ đại học chính quy của Trường Đại học Hồng Đức dao động từ 290.000-330.000 đồng/tín chỉ, tương đương khoảng 10 - 12 triệu đồng/năm.
Năm 2024, Trường Đại học Hồng Đức xếp thứ 35/113 trong Bảng xếp hạng đại học Việt Nam (VNUR-2024), khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học cả nước.
Với tầm nhìn đến năm 2045, nhà trường đặt mục tiêu trở thành đại học thông minh, đổi mới sáng tạo, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy và hội nhập với các trường đại học tiên tiến trong khu vực ASEAN cũng như quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
[1]: https://baotintuc.vn/xa-hoi/co-hoi-viec-lam-rong-mo-voi-nganh-vi-mach-ban-dan-20240725233403992.htm