Trường CĐ-ĐH địa phương: Lay lắt tồn tại
Đã đến lúc nhìn nhận lại sứ mệnh các trường trường địa phương thời gian qua...
Tình trạng không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh đại học, không có tài chính để trả lương nhà giáo diễn ra ở một số trường địa phương thời gian qua cho thấy, đã đến lúc nhìn nhận lại sứ mệnh các trường này.
Khó chồng khó
Mới đây, Trường Đại học Đồng Nai xin rút văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai với thông tin 34 giảng viên chưa bố trí được việc làm. Cụ thể, trong báo cáo trước đó (gửi ngày 26/1), Trường Đại học Đồng Nai cho biết một số ngành đào tạo trình độ đại học tuyển sinh thấp hoặc không tuyển sinh được gồm: Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Khoa học môi trường, Quản lý đất đai.
Trong đó, 4 ngành sư phạm đang dừng tuyển sinh vì không có nhu cầu đào tạo; 2 ngành còn lại không có giảng viên trình độ tiến sĩ. Quy mô đào tạo hằng năm rất nhỏ so với các trường đại học khác, trong khi nhu cầu lao động kỹ thuật cao ngày càng tăng. Lãnh đạo nhà trường cho biết, số giảng viên, chuyên viên trên đều đang làm việc tại trường nhưng nguy cơ không bố trí được việc làm trong thời gian tới rất cao vì nhiều ngành không tuyển sinh được.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 172 cơ sở công lập. Trong số này, có 26 cơ sở giáo dục đại học thuộc các địa phương (trực thuộc UBND cấp tỉnh). Tuy nhiên, phần lớn trong số này nhiều năm không cải thiện về quy mô đào tạo, tuyển sinh khó khăn, hoạt động kém hiệu quả.
Tuy nhiên, lãnh đạo Trường Đại học Đồng Nai cho rằng, việc rà soát, thống kê thực trạng và đề xuất phương án trong văn bản báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai chưa toàn diện và cụ thể, gây bức xúc cho một số giảng viên.
Do đó, trường rút lại văn bản để tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh và có báo cáo đề xuất sau. Chia sẻ của Hiệu trưởng Lê Anh Đức, Trường Đại học Đồng Nai có “gốc” là Trường Cao đẳng Sư phạm thuộc UBND tỉnh Đồng Nai. Trường thành lập từ năm 1976, trước đây là Cơ sở 4 - Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM. Hiện trường đào tạo 14 ngành đại học, trong đó có 8 ngành đào tạo giáo viên và một số ngành về kinh tế, kinh doanh, kỹ thuật và ngôn ngữ.
Trường đại học địa phương là đơn vị thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường có nhiệm vụ đào tạo chủ yếu từ trình độ đại học trở xuống, nhằm mục đích phục vụ nhu cầu nhân lực của địa phương. Theo đánh giá chung, trường đại học địa phương có nhiều đóng góp quan trọng về kinh tế, xã hội cho các tỉnh thành; cung cấp một phần nhân lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống; đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập của dân cư địa phương.
Tuy nhiên, sự việc tại Trường Đại học Đồng Nai và một số trường tương tự đã phần nào phản ánh những khó khăn của nhiều trường đại học địa phương hiện nay: Tuyển sinh kém, nguồn thu giảm mạnh, không đủ nguồn lực tài chính chi trả lương cho cán bộ, giảng viên… Nguồn tài chính hạn hẹp trở thành rào cản lớn trong việc duy trì hoạt động, thu hút và giữ chân người tài. Trong khi đó, nhiều địa phương không thể gánh ngân sách cho các trường trực thuộc.
Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng và cơ cấu; ngành đào tạo hiện có mang tính truyền thống chưa hấp dẫn người học, chưa có mã ngành đào tạo thạc sĩ; tuyển sinh hằng năm còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu; chưa có nhiều cán bộ đầu ngành, nhóm nghiên cứu mạnh mang tính liên ngành hay mũi nhọn dẫn dắt hoạt động khoa học và công nghệ của trường; nguồn thu chưa đa dạng và có xu hướng giảm… là hàng loạt những hạn chế Trường Đại học Hà Tĩnh chỉ ra sau 16 năm thành lập.
Do đó, từ tháng 3 năm ngoái, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã công bố xây dựng đề án sáp nhập Trường Đại học Hà Tĩnh thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Tĩnh mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, giúp phát triển Trường Đại học Hà Tĩnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực quan trọng của tỉnh và vùng.
Nhiều cạnh tranh, thách thức
Trực thuộc UBND tỉnh Trà Vinh, Trường Đại học Trà Vinh được xem là một trong số ít các trường đại học địa phương có quy mô lớn. Với phương châm “Mang đến cơ hội học tập chất lượng cho cộng đồng”, Trường Đại học Trà Vinh đang thực hiện hơn 120 chương trình đào tạo thuộc các hệ chính quy, liên thông, vừa làm vừa học và đào tạo trực tuyến, từ xa.
Đến năm 2023, nhà trường có quy mô hơn 25 nghìn sinh viên, học viên (số lượng sinh viên, học viên hệ từ xa luôn biến động) đến từ các địa phương trong cả nước, theo học các hệ, bậc đào tạo tại trường. Trong đó, đào tạo trình độ sau đại học với hơn 1.130 học viên, đại học chính quy 10.230 sinh viên, cao đẳng 170 sinh viên, đại học vừa làm vừa học 3.460 học viên và từ xa 14.270 học viên.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh cho biết, từ khi phát triển mô hình cao đẳng cộng đồng lên đại học vào năm 2006, đến nay, trường đã nhanh chóng khẳng định vị trí thuộc nhóm đầu ở khu vực, giữ nhiều thứ hạng cao trong hệ thống các cơ sở đào tạo ở Việt Nam và thế giới; được Chính phủ, Bộ GD&ĐT giao thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia, chủ trì nhiều chương trình lớn; đào tạo và cung cấp lực lượng lao động cho tỉnh Trà Vinh và cả nước.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn xác định hàng loạt khó khăn phía trước với vị trí của một trường đại học địa phương. Sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đào tạo ngày càng gay gắt. Xu hướng sáp nhập các trường, mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học lớn tại địa phương tạo ra áp lực ngày càng lớn đối với công tác tuyển sinh và sự phát triển của trường.
Là trường công lập trực thuộc địa phương đầu tiên trong cả nước được thực hiện cơ chế đổi mới hoạt động theo Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, dù phát huy nhiều thuận lợi, song nhà trường cũng gặp trở ngại. Một mặt, các chính sách về tự chủ đại học chưa được hướng dẫn, áp dụng đồng bộ.
Mặt khác, nguồn lực đầu tư của nhà trường rất hạn chế. Theo lãnh đạo nhà trường, “tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước ngừng đầu tư” quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong các hội nghị, hội thảo về tự chủ đại học; song Trường Đại học Trà Vinh vẫn khó tiếp cận các dự án đầu tư lớn từ Trung ương và dự án nước ngoài so với các trường ở quy mô vùng.
Ngoài ra, nhà trường còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có học vị, học hàm để về hỗ trợ. Chế độ đào tạo, giữ chân đội ngũ giảng viên, bác sĩ có trình độ cao rất hạn chế do thiếu nguồn lực và chính sách. Thủ tục cấp phép lao động cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động chuyên môn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động hợp tác quốc tế và vai trò cửa ngõ của trường.
Cần nhiều sự hỗ trợ
Trường Đại học Bạc Liêu mỗi năm có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 800, kết quả tuyển được khoảng 80%. Năm học 2023 - 2024, trường tuyển được 640 tân sinh viên các chuyên ngành đào tạo. Tại lễ khai giảng năm học, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, trường cần tập trung triển khai tốt công tác giảng dạy, tăng cường đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả chủ trương, kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn.
Đặc biệt chú trọng các dự án liên quan tới phát triển nguồn nhân lực được giao với phương châm “đào tạo những gì mà xã hội và doanh nghiệp cần” để tránh lãng phí. Nhà trường phấn đấu sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đạt tỷ lệ có việc làm cao, khắc phục được tình trạng người học ra trường không có việc làm, hoặc phải làm công việc không cần đến trình độ đại học.
Theo lãnh đạo Trường Đại học Bạc Liêu, nhà trường đang được tỉnh đầu tư mạnh về cơ sở vật chất, nên điều kiện dạy học tốt. Trong thời gian tới, khi trường tổ chức kiểm định các chương trình đào tạo và được tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh thì chắc chắn số người theo học mỗi năm cũng tăng lên. Các ngành nghề đào tạo của trường bám sát định hướng phát triển kinh tế; giữ được học sinh của tỉnh vào học đại học tại địa phương.
Trường đang tập trung nguồn lực triển khai Dự cán cải tạo và phát triển cơ sở vật chất; Dự án xây dựng hệ thống quản trị số và phòng thí nghiệm trung tâm nông nghiệp công nghệ cao; thành lập tạp chí khoa học; phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gồm 5 mã ngành cấp năm và mở mới ngành đại học Giáo dục tiểu học…
Đồng thời, trường triển khai các dự án nhằm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, tiêu chí về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng và kết quả hoạt động, mà trọng tâm là triển khai Đề án tổ chức lại bộ máy gắn liền với Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đào tạo, thu hút nguồn lực phục vụ công tác đào tạo…
Trước thực trạng trên, GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định, trong giai đoạn trước mắt và tương lai lâu dài, nguồn tuyển sinh có chất lượng luôn là thách thức mà các trường đại học nói chung phải đối mặt. Nếu trước đây, nhiều trường, có chỉ tiêu tuyển sinh là học sinh đến học thì nay mọi thứ đã khác. Học sinh ngày nay có quá nhiều lựa chọn, không chỉ học trong nước mà đi học nước ngoài.
Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học phải liên tục nâng cao chất lượng để cạnh tranh thu hút sinh viên, từ việc đổi mới chương trình đào tạo, phát triển nghiên cứu khoa học đến cập nhật thường xuyên nội dung, phương pháp giảng dạy. Đầu ra cho sinh viên cũng phải tính đến. Điều này không thể có được trong một sớm một chiều mà phải chuẩn bị và đầu tư lâu dài.
Trong dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2030 toàn quốc có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học. Định hướng sắp xếp những trường đại học không đạt chuẩn tới năm 2030 theo các phương án: Tái cấu trúc và tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong lộ trình từ 3 đến 5 năm; sáp nhập để trở thành một đơn vị đào tạo hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín; đình chỉ hoạt động đào tạo trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030.