Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Càng về sau, tôi càng viết chậm, chắt chiu

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong số rất ít nhà văn Việt Nam hiện vừa được giới chuyên môn lẫn đông đảo độc giả đón nhận. Tác phẩm của chị sau hàng chục năm cầm bút vẫn được độc giả xếp hàng đón nhận. Nhà văn của Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Đảo, Không ai qua sông, Yêu người ngóng núi... kể: 'Có một thứ mà tôi không phân biệt được là ưu, hay nhược, là tôi tuyệt chẳng có một chút nào ảo tưởng, khi viết. Mỗi câu chữ luôn nhuốm hoang mang. Càng về sau tôi càng viết chậm, chắt chiu, vì thấy câu nào cũng thừa, chữ nào cũng dư. Và tôi cũng khó mà làm mới mình một cách triệt để. Mọi sự tưởng mới, chỉ là trên một bề mặt nào đó'. Chị đã chia sẻ những câu chuyện văn chương, nhân dịp đầu năm mới.

NGOÀI VĂN CHƯƠNG, CHẮC TÔI KHÔNG GIỎI LÀM GÌ KHÁC

- Điều gì giúp chị đi đường dài với văn chương?

- Chắc tôi không giỏi làm gì khác. Đến kết bạn cũng không giỏi. Chỉ chơi với chữ thì tôi thấy thoải mái nhất, với mình. Nhận thức được mình có khả năng viết, và khả năng đó có thể cơi nới giới hạn nếu chăm chỉ học thêm. Đặt ra một thử thách rồi cố vượt qua nó, bằng cách đó, tôi thấy công việc viết cũng vui vui. Điều nữa, tối quan trọng, bất khả kháng cự, là nghĩ tới kiếm tiền làm nhà, nuôi con, đi chơi. Nghĩ vậy là phải động não thôi, bắt đầu cuộc săn ý tưởng, mà nuôi nấng, tính toán cách nào để nó còn chút ánh sáng khi bày ra trên trang giấy.

-Người đọc nhận ra nhiều ưu điểm trong tác phẩm của chị. Còn tác giả, chị có nhìn ra những ưu điểm, nhược điểm trong sáng tác của mình?

- Có một thứ mà tôi không phân biệt được là ưu, hay nhược, là tôi tuyệt chẳng có một chút nào ảo tưởng, khi viết. Mỗi câu chữ luôn nhuốm hoang mang. Càng về sau, tôi càng viết chậm, chắt chiu, vì thấy câu nào cũng thừa, chữ nào cũng dư. Và tôi cũng khó mà làm mới mình một cách triệt để. Mọi sự tưởng mới, chỉ là trên một bề mặt nào đó. Khi tôi mới dò dẫm với văn chương, câu hỏi là làm sao mình định hình được một phong cách viết, kiểu như che tên thì người đọc vẫn nhận ra mình, nhưng giờ thì tự hỏi cách nào mình từ bỏ được phong cách ấy, để mà làm một tôi hoàn toàn mới.

- Chúng ta nói nhiều về kỷ nguyên mới, sự xuất hiện với nhiều ưu điểm của AI trong thời gian qua. Chị có bận tâm điều này hay không? Theo chị, vai trò của nhà văn, lao động nghệ thuật liệu có gì khác so với trước đây?

- Tôi bận tâm, riêng cho tương lai của hai đứa con mình. Không biết mưu sinh của tụi nó có bị ảnh hưởng không, không biết ngành nghề nào dễ tổn thương, không biết trong số những con người bị AI đẩy ra có tụi nó. Chỉ vậy thôi, tôi không nghĩ xa quá cho mình, công việc của mình, vì vốn quãng đường trước mặt tôi cũng không được dài cho lắm (cười).

- Nhiều nhà văn quan niệm “Không thể sống mà không viết”. Với Nguyễn Ngọc Tư thì sao, chị sẽ thế nào nếu không viết?

- Ủa không viết thì thôi, gì mà tới không thể sống (Cười). Tôi trước giờ hay nói tùy duyên. Nếu viết với tôi như một thứ duyên trời cho, thì cũng có khả năng duyên cạn, hết. Biết đâu lúc ấy tôi lại nhận ra mình vẫn còn một khả năng khác, làm tốt một chuyện gì đó khác. Cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác mở ra, từ kinh nghiệm sống của chính tôi, cho thấy vậy.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1976 tại xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) hiện là Ủy viên Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 2018, chị được trao Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Litprom (Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latin ở Đức) bình chọn, dựa trên việc xem xét các bản dịch tiếng Đức tác phẩm nổi bật của các tác giả nữ đương đại tiêu biểu trong khu vực.

Ngoài 20 tuổi, chị giành giải Nhất Cuộc thi Văn học tuổi 20 với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt (NXB Trẻ). Chỉ vài năm sau, chị được biết đến như một hiện tượng với tập truyện Cánh đồng bất tận (NXB Trẻ). Tập truyện nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và truyện ngắn cùng tên đã được chuyển thể thành phim điện ảnh năm 2010.Sau nhiều năm thành công với thế mạnh truyện ngắn, tiểu thuyết, gần đây, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ra mắt nhiều tác phẩm tản văn. Cũng như truyện ngắn, tản văn của chị tạo được dấu ấn trên văn đàn và được đông đảo độc giả đón nhận.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một trong "Mười nhân vật trẻ xuất sắc tiêu biểu của năm 2002"; Top 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam 2018 do tạp chí Forbes bình chọn.

TÔI TIN TRONG SỰ VIẾT CÓ DUYÊN TRỜI CHO

- Những năm gần đây, văn học trẻ miền Tây Nam Bộ khá khởi sắc (Giải thưởng Văn học thiếu nhi 2023 thuộc về Lê Quang Trạng, Giải thưởng Văn học trẻ 2024 thuộc về Võ Đăng Khoa...). Sống và viết trong vùng, cũng là người theo dõi và chia sẻ với nhiều người viết trẻ miền Tây, theo chị, điều gì giúp miền đất cuối cùng của Tổ quốc lại có nhiều dấu ấn văn học trẻ?

- Ước gì tôi biết (cười). Tôi tin trong sự viết có duyên trời cho, văn không phải chăm chỉ, cần cù sắp đặt chữ mà thành được. Không phải tự dưng mà một số nhà văn, khi đọc lại tác phẩm của mình, có cảm giác như đọc của ai khác. Nghĩa là có những giờ phút xuất thần, anh không hoàn toàn là anh. Nhưng nói về văn chương trẻ của Tây Nam Bộ cho thật chính xác, tôi nghĩ những nhân tố mới ấy cũng không trải đều khắp, mà tập trung một vài tỉnh thành. Như An Giang, vùng đất mà nhiều nơi khác thèm muốn khi nhìn vào, khi những cây bút trẻ hoặc đồng loạt, hoặc lần lượt xuất hiện, lúc nào cũng có gương mặt mới, mà ngay ở những sáng tác đầu tay, ta đã có cảm giác các bạn ấy sẽ đi xa, đi lâu với viết.

- Có thể thấy, ngày càng ít tác giả trẻ mặn mà với văn chương, theo chị vì sao, và có cách gì để phát triển đội ngũ sáng tác trẻ?

- Chắc vì họ không thể sống được bằng nghề. Cái đó tối quan trọng, dù nghe có vẻ tầm thường, không lý tưởng. Và ngoài kia thì đầy rẫy những thứ khiến người viết lạc hướng, mạng xã hội là một ví dụ. Tôi nghĩ nội lực của mỗi người viết trẻ là quan trọng nhất cho việc đi dài lâu với văn chương. Tôi thấy nhiều bạn cứ coi biên tập viên các nhà xuất bản, giám khảo các cuộc thi, hệ thống kiểm duyệt là đối tượng cản trở sự viết của mình, mà không nghĩ tới bản thân mình mới là kẻ thù lớn.

- Một số nhà văn thành công khi viết về miền quê mình. Nếu không sống ở miền văn hóa đặc sắc như miền Tây, liệu có nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hay không?

- Chắc có mà, nếu tôi đã được chọn (cười). Tôi nghĩ vùng, miền nào cũng đặc sắc, sâu thẳm, kể cả các đô thị lớn. Quan trọng là ở đó có tài năng văn chương không, và tài năng ấy có chịu được sự va đập, mài mòn của đời sống hay không, có kháng cự được sự mê dụ của bầy đàn không, có nuôi đủ cô đơn để viết không.

- “Nếu không có sự cô độc lớn lao, không một tác phẩm tử tế nào có thể sinh ra”, Picasso đã nói. Nhìn chị Tư khá lặng lẽ, ít nói giữa nhiều người, thích đi một mình... Điều này đơn giản thuộc về tính cách hay là cách để chị quan sát nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn để sáng tạo?

- Tôi nghĩ là do tính cách. Tôi thích tự do, ít nhất là được tự do bước đi (mà không phải chờ ai), tự do chọn món ăn sáng, chọn cách di chuyển, cách sử dụng thời gian. Riêng chuyện ít nói, chắc não tôi không phản ứng kịp đó thôi (cười). Nếu phần lớn thời gian bạn ở một mình, phản xạ của bạn với nói sẽ chậm chạp đi, nên từ ý nghĩ tôi mà chuyển hóa thành lời luôn trễ rất nhiều nhịp, trong khi gõ vào bàn phím máy tính thì lại không như vậy.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

KHÔI NGUYÊN THẢO (thực hiện)

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/van-hoa-nghe-thuat/202502/nha-van-nguyen-ngoc-tu-cang-ve-sau-toi-cang-viet-cham-chat-chiu-99722da/
Zalo