Trước ngày trở về...

70 năm trước, một buổi chiều thu Hà Nội, trong tiết trời se lạnh của những cơn gió Đông Bắc đầu mùa kéo theo những đợt mưa lất phất, bên chân cột cờ thành Hoàng Diệu, tướng Masson trong bộ trang phục trắng, ngực gắn 'mề đay' lấp lánh chỉ huy một nhóm sĩ quan Pháp làm lễ cuốn cờ, đánh dấu sự thảm bại của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Phía đầu cầu Long Biên, những binh lính Pháp cuối cùng vừa lê bước chân nặng nề thất thểu leo lên xe, vừa cố ngoái đầu nhìn lại phố phường Hà Nội với một tâm trạng 'vừa tức tối, vừa nuối tiếc'..

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Thủ đô Hà Nội diễn ra thuận lợi và thành công, ngày 14-9-1954, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ra chỉ thị về nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội và các đô thị, trong đó xác định rõ: "Đảng coi công tác tiếp quản là 1 trong 10 công tác lớn..."; đồng thời nhấn mạnh "Thời gian gấp, công việc nhiều, cán bộ lại thiếu, yêu cầu các cấp cần tăng cường lãnh đạo tư tưởng để làm công tác tiếp quản cho tốt". Nhận rõ ý nghĩa chính trị to lớn của công tác tiếp quản, cấp ủy và chỉ huy các đơn vị đã động viên, giáo dục bộ đội chấp hành nghiêm kỷ luật, làm tốt công tác dân vận, thực hiện nghiêm các chính sách của Chính phủ; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tiếp quản...

 Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ Đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản Hà Nội đến đó. Ảnh: TTXVN

Quân Pháp rút đến đâu, Trung đoàn Thủ Đô từ ô Cầu Giấy tiến vào tiếp quản Hà Nội đến đó. Ảnh: TTXVN

Nhiệm vụ vào tiếp quản Hà Nội được giao cho Đại đoàn 308 làm nòng cốt. Nhằm kịp thời động viên và căn dặn cán bộ, chiến sĩ trước ngày về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp một số cán bộ của Đại đoàn 308 ngay tại Đền Hùng. Bác căn dặn vào tiếp quản thành phố phải triệt để chấp hành 8 chính sách của Chính phủ, 10 điều kỷ luật của Quân đội: "Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hòa bình. Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội, hủ hóa, trụy lạc. Để tránh những cạm bẫy nguy hiểm ấy, để làm tròn nhiệm vụ cao quý của quân đội nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác dặn...".

Bác Hồ còn căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Câu nói bất hủ này của Bác trở thành một mệnh lệnh thiêng liêng trong hành trang của những người lính Cụ Hồ và là kim chỉ nam cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa của cả nước, do đó tiếp quản thành phố là một công việc hết sức hệ trọng. Để có được ngày về trọn vẹn, ngay từ rất sớm, lực lượng vũ trang nhận nhiệm vụ vào tiếp quản các đô thị đã chuẩn bị rất chu đáo. Bộ đội được quán triệt vào thành phố không được sa ngã, tránh thái độ tự kiêu, tự mãn, lối sống rượu chè, cờ bạc bê tha; nêu cao phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" trong mọi lúc, mọi nơi. Cán bộ phải luôn giữ vững lập trường cách mạng, tránh bị cám dỗ, sa ngã; sống giản dị, gần dân, giúp dân, tuyệt đối giữ nghiêm kỷ luật, thực hiện đúng chính sách của Chính phủ đối với đô thị mới tiếp quản... Để chỉ đạo công việc tiếp quản, Bộ tư lệnh Đại đoàn 308 cùng Ủy ban Quân chính thành phố đã chuyển sở chỉ huy vào gần nội thành. Đại đoàn 350 được lệnh để một trung đoàn bảo vệ các cơ quan Trung ương di chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội và đưa hai trung đoàn về triển khai phương án bảo vệ thành phố, đề phòng những tình huống bất trắc có thể xảy ra trong quá trình tiếp quản. Trên các hướng, đoàn quân tiếp quản tiến vào thành phố đều có các chiến sĩ tự vệ am hiểu, thông thuộc địa bàn làm nhiệm vụ cảnh giới và dẫn đường.

Đêm 9-10-1954, các lực lượng đều đã vào vị trí đứng chân tại các địa bàn ven đô, sẵn sàng chờ giờ “G". Trên hướng Tây-Tây Bắc có Trung đoàn Thủ Đô theo trục Quần Ngựa-Hàng Đẫy-Hàng Bông-Hàng Ngang-Hàng ĐàoPhan Đình Phùng tiến vào thành Hà Nội từ phía Cửa Bắc. Trên hướng Đông Nam có Trung đoàn 36 và Trung đoàn 88 xuất phát từ khu Việt Nam học xá theo trục Bạch Mai-Phố Huế-Chợ Hôm-Bờ Hồ tiến vào. Trên hướng Tây Nam, các phương tiện cơ giới đưa sở chỉ huy tiếp quản từ phía sân bay Bạch Mai theo trục Ngã Tư Vọng-Kim Liên-Hàng Lọng... tiến vào thành.

Để người dân trên các phố phường Hà Nội có thể ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc tung bay trong ngày vui chiến thắng, lực lượng công binh của Đại đoàn 308 đã tìm cách đưa được một ống thép dài và nặng lên nối vào đỉnh cột cờ Hà Nội. Mọi công việc dù nhỏ đều được các đơn vị phối hợp với tự vệ và người dân trên địa bàn chuẩn bị hết sức cụ thể và chu đáo nhằm chuẩn bị cho ngày về lại Thủ đô một cách hoàn hảo nhất.

Ngày 10-10-1954, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Đại đoàn trưởng Đại đoàn Quân Tiên Phong, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố; bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố; Chính ủy Đại đoàn Song Hào, Đại đoàn phó Vũ Yên... cùng đoàn quân hùng dũng tiến vào thành Hà Nội. Bên chân cột cờ Hà Nội, người dân Thủ đô vinh dự đón nghe thư của Bác Hồ: "Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!"...

Kể từ đêm 19-12-1946, cả Hà Nội vùng đứng lên. "Người Hà Nội ra đi, sau lưng đô thành bốc cháy...". Phải sau cuộc trường chinh kéo dài đằng đẵng, Hà Nội lại được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và những người con ưu tú của mình trở về. Một sự trùng phùng của lịch sử. Một cuộc trở về mở ra chương mới trong chặng đường phát triển của Hà Nội ngàn năm văn hiến nói riêng và nước Việt Nam nói chung.

TRẦN VĨNH THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-70-nam-ngay-giai-phong-thu-do/truoc-ngay-tro-ve-796552
Zalo