Trung ương thống nhất cả nước có 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập
Chiều 12-4, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 11 vào chiều 12-4. Ảnh: TTXVN
Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII họp tại Hà Nội từ ngày 10 đến 12-4, theo Chương trình làm việc toàn khóa và đã bế mạc vào chiều 12-4. Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về 2 nhóm vấn đề và đóng góp ý kiến bằng văn bản với một số nội dung quan trọng khác, TTXVN đưa tin.
Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, tinh gọn hệ thống chính trị và đơn vị hành chính; xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; sáp nhập một số cấp tỉnh, huyện, xã; sắp xếp tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tinh gọn bộ máy Tòa án, Viện Kiểm sát; kiện toàn tổ chức đảng ở địa phương và chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013.
Theo chủ trương, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chấp hành thống nhất mô hình 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã), chấm dứt hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 1-7 sau khi Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực.
Sau sáp nhập, cả nước giảm 63 tỉnh, thành còn 34 tỉnh, thành gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo, 11 tỉnh, thành phố sẽ giữ nguyên, gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
52 địa phương còn lại sẽ được sắp xếp, trong đó có 4 thành phố trực thuộc Trung ương là TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Ngoài ra, Trung ương cũng thống nhất sáp nhập cấp xã, giảm khoảng 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.
Ban Chấp hành Trung ương cũng thống nhất chủ trương sắp xếp 5 tổ chức chính trị - xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ và các hội quần chúng khác trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động.
Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải bảo đảm hướng về cơ sở, bám sát địa bàn, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân và đoàn viên, hội viên.
Chủ trương kết thúc hoạt động của công đoàn viên chức, công đoàn lực lượng vũ trang và giảm mức đóng góp công đoàn phí của đoàn viên cũng được thống nhất.
Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tòa án và viện kiểm sát theo mô hình 3 cấp tòa án và viện kiểm sát nhân dân tối cao, cấp tỉnh và cấp khu vực, chấm dứt hoạt động của tòa án, viện kiểm sát cấp cao và cấp huyện.
Trung ương thống nhất chủ trương thành lập tổ chức đảng tương ứng với đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sau khi sắp xếp; kết thúc hoạt động của đảng bộ cấp huyện và thực hiện tổ chức đảng phù hợp với Điều lệ Đảng và quy định của Trung ương.
Ban Chấp hành Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo hoàn thiện các quy định, hướng dẫn nhằm bảo đảm tổ chức đảng ở địa phương hoạt động ổn định, liên tục.
Bộ Chính trị được giao chỉ đạo Đảng ủy Chính phủ hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; phối hợp các địa phương hoàn chỉnh hồ sơ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan; đảm bảo đủ nguồn lực, ngân sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương; rà soát chế độ, lộ trình tinh giản biên chế gắn với thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Ban Chấp hành Trung ương cũng giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh (không tổ chức cấp huyện), sắp xếp cấp xã theo hướng dẫn. Địa phương chủ động đề xuất phương án, tên gọi, vị trí trụ sở cấp xã, bảo đảm bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phục vụ người dân, tiết kiệm chi phí; tổ chức thực hiện đúng tiến độ, gắn với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và tăng cường phòng, chống tiêu cực trong sắp xếp tổ chức, tài chính, tài sản công, đảm bảo thủ tục hành chính không bị gián đoạn.