Ðổi thay rõ nét diện mạo vùng đồng bào dân tộc
Bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo, cho biết: 'Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, hầu hết các nội dung chính sách dân tộc đều đã được tích hợp vào Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, chương trình này được xem là chính sách tổng thể, tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống, xã hội của đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer'.
- Trong năm 2025, tỉnh triển khai thực hiện những chính sách nào để hỗ trợ phát triển toàn diện đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh, thưa bà?
Bà Nguyễn Thu Tư: Năm 2025, tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt 355 căn nhà dành cho đối tượng thụ hưởng thuộc Dự án 1 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS (đã xây dựng vào Ðề án xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh). Ðến nay, đã triển khai khởi công xây dựng được 319 căn, trong đó hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng 110 căn, đang xây dựng 209 căn; còn lại 36 căn, dự kiến khởi công trong tháng 5/2025; đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện để kịp hoàn thành dứt điểm trong tháng 6/2025, theo đúng chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.
Bên cạnh đó, Sở đang tham mưu UBND tỉnh vận dụng nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình năm 2025, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS, với 27 công trình được đầu tư xây dựng mới; đầu tư xây dựng thêm 1 salatel để tạo điều kiện phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào DTTS... Riêng các nội dung chính sách hỗ trợ thuộc chương trình sử dụng vốn sự nghiệp, đang phải chờ Trung ương phân bổ vốn mới triển khai thực hiện được.
Ngoài ra, Sở cũng tham mưu tích cực để UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đối với một số chính sách khác có liên quan như: chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; duy trì dạy chữ Hoa, chữ Khmer; chủ động triển khai tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật vùng DTTS theo các đề án, dự án thuộc lĩnh vực công tác dân tộc do Trung ương ban hành.
Ðặc biệt, quan tâm tổ chức đầy đủ, kịp thời các hoạt động lễ, hội truyền thống và Tết cổ truyền của đồng bào DTTS. Trong đó, dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, Sở tham mưu tổ chức buổi họp mặt tại tỉnh với quy mô hơn 200 đại biểu; tổ chức nhiều đoàn đến thăm, chúc Tết, tặng quà các điểm chùa, salatel và nhiều cá nhân là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Kinh phí tổ chức và cấp phát hỗ trợ dự tính gần 1,3 tỷ đồng.
- Bà có thể đánh giá hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Bà Nguyễn Thu Tư: Hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua đã góp phần tích cực làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer. Nổi bật như, hiện nay 100% số xã trong vùng đã có đường ô tô đến trung tâm xã; trên 75% đường liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa; tỷ lệ hộ sử dụng điện trên 99,9%... Ðời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng lên từng bước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm, mỗi năm giảm trên 2%. Năm 2024, hộ nghèo đồng bào DTTS chỉ còn 463 hộ, chiếm 4,03% trong tổng số hộ đồng bào DTTS trên địa bàn; đã giảm 250 hộ, tương ứng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS đã giảm 2,06% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào DTTS năm 2024 trên 57 triệu đồng.

Các chính sách hỗ trợ kịp thời giúp đồng bào Khmer có điều kiện phát triển kinh tế và xóa nghèo hiệu quả.
Bên cạnh đó, công tác giáo dục và đào tạo chuyển biến khá tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Chính sách về y tế, dân số không ngừng được tăng cường, đáp ứng tốt nhu cầu khám và điều trị bệnh của đồng bào. Hệ thống chính trị cơ sở trong vùng dân tộc được củng cố vững mạnh và hoạt động hiệu quả; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống đồng bào các dân tộc. Ðời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS được nâng lên khá rõ nét.

Phụ nữ Khmer được hỗ trợ học nghề, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình.
Thông qua các hoạt động chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, thể hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của công dân đối với chính quyền, cộng đồng, nâng cao ý thức chấp hành tốt các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
- Xin bà chia sẻ thêm về sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh đối với công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc?
Bà Nguyễn Thu Tư: Công tác quản lý Nhà nước về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh các năm qua nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và các địa phương vùng đồng bào DTTS. Hằng năm, tỉnh đều tranh thủ nguồn lực để bố trí thực hiện đầy đủ các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, ưu tiên các chính sách có tác động lớn, trực tiếp đối với đồng bào DTTS và vùng đồng bào DTTS. Trong đó, đối tượng thụ hưởng phần lớn các chính sách dân tộc hiện hành là dành cho đồng bào dân tộc Khmer.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước; quan tâm chăm lo khá tốt đời sống vật chất, tinh thần; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc; kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, biểu dương khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh.