Trung tâm tài chính quốc tế: Động lực phát triển mới

'Không nóng vội nhưng cũng không để lỡ mất thời cơ', Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định như vậy khi nói về việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Vị trí xây dựng Trung tâm tài chính TPHCM ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Vị trí xây dựng Trung tâm tài chính TPHCM ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Việt Nam xác định trung tâm tài chính là một trong những mũi nhọn chiến lược, đột phá thể chế mang tầm quốc gia, giúp Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, huy động, phân bổ và nâng cao hiệu quả dụng nguồn lực, tăng sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Việc xây dựng trung tâm tài chính không phải của riêng TPHCM hay Đà Nẵng, “cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, triển khai quyết liệt, đồng bộ và đổi mới mạnh mẽ để bứt phá” như chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Tăng sức cạnh tranh, hội nhập

Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trung tâm tài chính không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Đây là cơ hội nâng cao hiệu quả, phân bổ nguồn lực và mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu.

Việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế không chỉ mang lại lợi ích kinh tế xã hội tích cực cho TPHCM mà còn tạo sự lan tỏa cho các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TPHCM nâng cao năng lực quản lý đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các quốc gia.

Ông Được phân tích, TPHCM là nơi hội tụ điều kiện thuận lợi để đảm nhận vai trò đầu tàu trong chiến lược này, thể hiện qua 4 yếu tố chiến lược. Đó là TPHCM có nền tảng kinh tế năng động và hội nhập quốc tế sâu rộng; những thiết chế cơ bản của thị trường tài chính hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường vốn, các trung tâm thanh toán, hạ tầng số và các ứng dụng tài chính công nghệ đã được vận hành bài bản; TPHCM có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Thị trường tài chính của TPHCM đã có những kết nối chặt chẽ với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực như Singapore, Hongkong, Thượng Hải...

Sở Tài chính TPHCM đưa ra 2 phương án để xây dựng trung tâm tài chính. Phương án 1 đặt tại khu lõi trung tâm thương mại tài chính Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức và một phần tại khu vực trung tâm quận 1, tổng diện tích 340 ha.

Phương án 2, trung tâm tài chính có tổng diện tích khoảng 687 ha.

Hai phương án chỉ khác nhau về quy mô diện tích, các nội dung khác cơ bản tương đồng. Sở Tài chính TPHCM kiến nghị chọn phương án 2 để bố trí không gian trung tâm tài chính.

Các cảng hàng không quốc tế, cảng biển lớn cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái xung quanh trung tâm tài chính; quyết tâm chính trị và định hướng chiến lược rõ ràng, mạnh mẽ từ Trung ương tới địa phương, xác định phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế là định hướng chiến lược. Cùng đó, TPHCM luôn tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý và chú trọng phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM nói rằng, hiện dự thảo về trung tâm tài chính đang được hoàn thiện, đi cùng đó là kế hoạch xây dựng các nghị định liên quan, để sau khi Quốc hội thông qua sẽ thực hiện ngay.

Bên cạnh câu chuyện pháp lý, hai vấn đề còn lại là xây dựng nguồn nhân lực và hạ tầng.

Bản sắc riêng

Ông Andrew Oldland đến từ tổ chức TheCityUK - đơn vị đã lập 3 báo cáo về trung tâm tài chính cho Việt Nam nói rằng, những chính sách đột phá đóng vai trò quan trọng, tạo ra khung pháp lý riêng cho TPHCM và Đà Nẵng vận hành. “Dubai là nguồn cảm hứng cho TPHCM, nhưng dù mô hình nào thì cũng không thể giống 100%, mà phải điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam”, ông nói.

Tương tự, ông Tyler McElhaney, Giám đốc Quốc gia Tập đoàn APEX (trụ sở tại Dubai) cho rằng, Việt Nam có những điều kiện mà Dubai của 20 năm trước mong muốn. “Điều quan trọng là tận dụng thế mạnh, Việt Nam cần phát huy lợi thế sẵn có thay vì cố gắng tạo ra nguồn lực mới như Dubai từng làm, đồng thời luôn sẵn sàng thay đổi để thích nghi”, ông Tyler McElhaney nói.

Theo đại diện Tập đoàn tư vấn Roland Berger (Đức), để tạo dựng một trung tâm tài chính thành công, TPHCM cần triển khai quyết liệt các chính sách mang tính đột phá từ Chính phủ, thực thi các giải pháp thu hút nhà phát triển và nhà đầu tư, cùng các khuyến khích chung nhằm định hình một trung tâm tài chính tầm cỡ quốc tế tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói rằng, quan điểm xây dựng là bổ trợ cho trung tâm tài chính quốc tế trong khu vực chứ không thay thế. “Nếu sao chép mô hình thì khó thành công ở Việt Nam, nên tính đến việc xây dựng trung tâm mang bản sắc riêng, trong đó tận dụng lợi thế so sánh về địa chính trị, kinh tế và lao động. Chúng tôi sẽ ưu tiên áp dụng công nghệ hiện đại ngay từ ban đầu”, bà Ngọc nói.

Theo bà Ngọc, Việt Nam hiện đang ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nên có cơ hội để phát triển các dịch vụ tài chính đặc thù, đặc biệt là tài trợ thương mại. Việt Nam cũng có điều kiện thuận lợi từ các mặt hàng truyền thống.

Quan điểm của Bộ Tài chính là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp để có bước đi vững chắc và Việt Nam có thể làm được.

DUY QUANG

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/trung-tam-tai-chinh-quoc-te-dong-luc-phat-trien-moi-post1736835.tpo
Zalo