Trung tâm tài chính quốc tế: Cơ hội 'thử sức' để doanh nghiệp Việt lớn hơn
Khi trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP Hồ Chí Minh được xây dựng thành công, các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ việc tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn. Đây là cơ hội 'thử sức' để doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn.
Theo TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng.
Thực tế có nhiều thành phố lớn trên thế giới phát triển thành trung tâm thương mại nhưng chưa thể phát triển thành Trung tâm tài chính. Cụ thể như thủ đô BangKok của Thái Lan, Kuala Lumpur của Malaysia hay Jakarta của Indonesia đều là những thành phố lớn trung tâm thương mại của quốc gia, nhưng chưa được thế giới công nhận là trung tâm tài chính quốc tế.
Hiện nay ở châu Á, các trung tâm tài chính quốc tế được công nhận rất ít, như Hong Kong (Trung Quốc), Thượng Hải, Tokyo và Singapore có thể được xem là trung tâm tài chính khu vực. Điều này cho thấy, trung tâm tài chính không phải là một thể chế, không phải là một quyết tâm.
Trung tâm tài chính quốc tế là một thực thể sống động không phải nơi nào cũng có và buộc phải dựa vào những đặc điểm đặc thù của thành phố. Thành phố phải hội tụ được nhiều yếu tố để trở thành trung tâm tài chính.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_304_51433331/10ae4b7670389966c029.jpg)
TP Hồ Chí Minh có khá nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
TP Hồ Chí Minh có khá nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) là sở giao dịch lớn nhất Việt Nam và đang thực hiện những cải tiến mạnh mẽ để trở thành một trung tâm giao dịch chứng khoán uy tín, thu hút nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh còn có lợi thế trong việc phát triển sở giao dịch hàng hóa, với thế mạnh về các mặt hàng như cà phê và gạo, vốn có quy mô xuất khẩu hàng đầu thế giới. Đồng thời, thu hút nhiều quỹ đầu tư quốc tế và các tổ chức huy động vốn, đặt trụ sở tại đây.
Về nhân lực tài chính, TP Hồ Chí Minh từ lâu cũng là nợi có nhiều tổ chức tài chính quốc tế hoạt động, thu hút nhiều chuyên gia tài chính các nước tới làm việc.
Vấn đề còn lại bây giờ là cụ thể hóa chính sách để thực hiện như thế nào. Có thể thấy, trong giai đoạn 2025 - 2026, quá trình hội nhập quốc tế tại Việt Nam đang và sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện. Việt Nam cũng đang tiến hành tái cấu trúc bộ máy theo hướng hiện đại hóa kinh tế, phát triển kinh tế số.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng các trung tâm tài chính ở TP Hồ Chí Minh cần dựa trên nền tảng vững chắc về năng lực quản trị, quản lý Nhà nước, sự phát triển của quốc gia, quy mô nền kinh tế và khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây mới là những yếu tố cốt lõi và bền vững thay vì phụ thuộc vào các chính sách đặc biệt hay ưu đãi ngắn hạn.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhấn mạnh, khi trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP Hồ Chí Minh được xây dựng thành công, các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ việc tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn. Đây là cơ hội “thử sức” để doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn.
Sự phát triển của trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam - trong đó có TP Hồ Chí Minh là trọng tâm sẽ mang lại cơ hội gì cho các doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là ngành tài chính - ngân hàng? Đối với các doanh nghiệp trong nước, việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại đây mang lại lợi ích rất lớn.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng để huy động vốn cho các dự án và ngành nghề cần đầu tư. Thực tế, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ngoài ngân hàng, các nguồn vốn khác trong nước như các quỹ đầu tư vẫn còn rất hạn chế.
“Khi trung tâm tài chính khu vực và quốc tế TP Hồ Chí Minh được xây dựng thành công, các doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi lớn từ việc tiếp cận nguồn vốn đa dạng hơn, bao gồm vốn cổ phần, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các quỹ đầu tư như quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm. Những yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để phát triển”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, nếu trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh được thiết lập thành công, hệ thống pháp lý và quy định sẽ phải được điều chỉnh để ngang bằng với các trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. Khi đó, không thể có sự phân biệt giữa ngân hàng trong nước và ngân hàng quốc tế.
Điều này đồng nghĩa với việc, nếu các ngân hàng trong nước không nâng cao năng lực, họ sẽ bị các ngân hàng quốc tế thay thế. Đây chính là nguy cơ lớn mà hệ thống ngân hàng trong nước phải đối mặt. Thế nên, các ngân hàng và doanh nghiệp trong nước cần chuẩn bị tốt về năng lực quản trị và vận hành cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.