Nâng cao giá trị kinh tế rừng

Nâng cao chất lượng diện tích rừng hiện có là giải pháp mà tỉnh đã và đang triển khai nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng.

Năm 2024, thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được hơn 3.900 ha, trong đó trồng mới rừng sản xuất 1.939 ha (đạt trên 113% kế hoạch), trồng rừng thay thế chuyển mục đích sử dụng rừng được 215 ha, trồng cây xanh phân tán được hơn 2,37 triệu cây (đạt 118,5% kế hoạch). Các đơn vị, vườn ươm trên địa bàn tỉnh đã gieo ươm hơn 30 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng năm 2024 và vụ xuân 2025. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, năm 2024 đã khoanh nuôi tái sinh hơn 2.764 ha rừng, đạt 100,5% so với kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,2%.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã khai thác trên 130.000 m3; khai thác lâm sản khác đạt hơn 89.000 tấn các loại (măng tươi, các loại hạt...); khai thác quế hơn 157.000 tấn cành, lá, vỏ quế khô; tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 3.828 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2024, ngành lâm nghiệp đã phối hợp thực hiện giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo đúng quy định, trong đó 26 dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; duy trì diện tích được cấp chứng chỉ hữu cơ, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ hữu cơ.

Năm 2025, ngành lâm nghiệp tập trung bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là hơn 270.400 ha rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất; thực hiện trồng mới 1.080 ha rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh 2.843 ha... để đưa tỷ lệ che phủ rừng đạt 60%.

Theo đó, ngành lâm nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý giống cây trồng, đảm bảo nguồn giống đáp ứng số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu trồng rừng của Nhân dân; thực hiện hiệu quả việc phát triển diện tích quế hữu cơ, đẩy mạnh phát triển kinh tế đồi rừng; triển khai các giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ.

Ngành lâm nghiệp tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh; phát triển bền vững vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu. Toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 20% diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng chỉ hữu cơ vào năm 2025; phấn đấu tăng giá trị thu nhập từ diện tích rừng trồng sản xuất hàng hóa tập trung đạt 40 triệu đồng/ha (tăng 6 triệu đồng/ha so với năm 2020).

Đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững theo hướng nông - lâm kết hợp, phấn đấu đến năm 2025, giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác được gia tăng từ 15% trở lên ngoài giá trị gỗ rừng trồng. Tập trung phát triển tổng hòa các loại hình dịch vụ môi trường rừng như thuê môi trường rừng, triển khai hiệu quả dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, phát triển du lịch sinh thái đồi rừng gắn với hoạt động du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững; phấn đấu đến năm 2030, giá trị từ dịch vụ môi trường rừng chiếm từ 20 - 30% giá trị sản xuất lâm nghiệp hằng năm.

Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, chế biến lâm sản tại tỉnh nhằm tạo ra sức bật quan trọng cho ngành lâm nghiệp. Việc kêu gọi đầu tư được thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, như tổ chức các hội nghị thúc đẩy chế biến ngành hàng lâm sản, hội nghị đối thoại công tư giữa 3 nhà (nhà đầu tư chiến lược, nhà quản lý và nhà nông...).

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-gia-tri-kinh-te-rung-post397253.html
Zalo