Việt Nam có tiềm năng đạt tăng trưởng cao năm 2025

Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khẳng định, triển vọng tăng trưởng năm 2025 của Việt Nam là tích cực và có tiềm năng để đạt được tăng trưởng cao. Nhưng nếu không làm gì thì sẽ không đạt được, muốn vậy thì phải cần rất nhiều nỗ lực.

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay thì vẫn phải dùng biện pháp tài khóa để kích cầu nội địa. Ảnh TL

Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay thì vẫn phải dùng biện pháp tài khóa để kích cầu nội địa. Ảnh TL

PV: Trong phiên họp thường kỳ ngày 5/2, Chính phủ đề ra mục tiêu tăng trưởng 2025 là 8%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Mục tiêu này cho thấy Chính phủ khá lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025. Xét trên đà tăng trưởng tích cực của năm 2024 thì mục tiêu trên có khả thi, tuy nhiên, việc có đạt được mục tiêu này hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có cả yếu tố thị trường quốc tế nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn đối với triển vọng kinh tế Việt Nam 2025?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Thuận lợi trước tiên là đà tăng trưởng tích cực của 2024. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều việc mà chúng ta có thể làm tốt hơn nữa để thúc đẩy tăng trưởng. Chẳng hạn như đầu tư công, thúc giải ngân tốt hơn hoặc thậm chí là nâng quy mô đầu tư công lên sẽ mang lại cơ hội lớn tăng trưởng năm 2025.

Có thể vay nợ thêm để đầu tư cho hạ tầng

Mức nợ công của Việt Nam đang thấp (năm 2024 là khoảng 36% GDP) nên nếu cần thiết, hoàn toàn có thể vay nợ thêm để đầu tư cho hạ tầng. Nợ công có thể tăng lên đến 40 - 50% GDP vẫn là mức an toàn, chứ không nhất thiết là phải giảm nợ công nữa.

Một thuận lợi lớn khác là ý chí quyết tâm vào cuộc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như các cơ quan ban ngành từ trung ương xuống địa phương, trên tinh thần nhìn thẳng sự thật, xác định điểm nghẽn, giải pháp cụ thể, chỉ bàn làm không bàn lùi. Hiệu quả của việc này thì cần thời gian để kiểm chứng nhưng trước mắt, điều này là rất tích cực và đúng hướng.

Bên cạnh đó, những ổn định vĩ mô khác thì tôi cho rằng cơ bản cũng vẫn sẽ tương đối thuận lợi. Nợ công tích cực, đang ở ngưỡng rất an toàn. Mức nợ công của Việt Nam đang thấp (năm 2024 là khoảng 36% GDP) nên nếu cần thiết, hoàn toàn có thể vay nợ thêm để đầu tư cho hạ tầng. Nợ công có thể tăng lên đến 40 - 50% GDP vẫn là mức an toàn, chứ không nhất thiết là phải giảm nợ công nữa.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, kinh tế Việt Nam 2025 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn, khó lường nhất hiện tại là thương mại. Có thể trong thời gian ngắn trước mắt, thương mại vẫn duy trì được tăng trưởng tốt, do xuất khẩu sang Mỹ có thể tăng đột biến khi người dân Mỹ tích hàng, mua trước để tránh bị tăng giá do chính sách thuế quan của chính quyền Trump. Nếu trong tình huống hàng Việt Nam bị áp thuế thì đây sẽ là khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam. Một rủi ro kèm theo của chính sách thuế quan này là FDI. Khi thương mại kém đi thì FDI sẽ kém theo, vì FDI vào Việt Nam thời gian vừa qua chủ yếu là FDI xuất khẩu, xuất khẩu kém đi thì thu hút FDI cũng kém. Hai động lực xuất khẩu và FDI năm ngoái Việt Nam làm rất tốt nhưng triển vọng của năm nay sẽ khó khăn hơn.

Về cầu nội địa, năm 2024 có tăng trưởng tốt nhưng vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, cần được tiếp tục kích cầu hơn nữa. Các doanh nghiệp trong nước mấy năm vừa qua cũng vẫn đang khó khăn nên chủ yếu vẫn phải kích bằng đầu tư công và tài khóa.

Triển vọng tăng trưởng của Việt Nam là tích cực và có tiềm năng để đạt được tăng trưởng cao. Nhưng nếu không làm gì thì sẽ không đạt được, muốn đạt được thì phải cần rất nhiều nỗ lực. Biện pháp có nhiều, nhưng quan trọng nhất trong đó là hiệu quả thực thi. Cần phải nỗ lực làm tốt hơn năm trước thì mới có cơ hội để đạt được kết quả tốt hơn.

PV: Như ông vừa đề cập đến chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, theo ông, chính sách tài khóa trong năm 2025 này cần chú ý điều gì?

Ông Nguyễn Bá Hùng: Tôi cho rằng, vẫn nên tiếp tục duy trì chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt. Trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay thì vẫn phải dùng biện pháp tài khóa để kích cầu nội địa do cầu đội địa vẫn yếu. Việc tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025 là rất đáng hoan nghênh. Nếu trong thời gian tới, tùy thuộc vào tình hình thực tế, nếu cần thiết phải tiếp tục gia hạn thêm chính sách này để kích cầu thì Chính phủ sẽ cân nhắc tiếp tục.

Điều quan trọng hơn cả là đầu tư công là động lực, là bệ đỡ cho tăng trưởng khi tác động lan tỏa của đầu tư công là rất lớn. Do đó, cần quyết liệt thúc giải ngân đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, để đạt kết quả giải ngân tốt hơn nữa.

Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, đơn cử như gói hỗ trợ cho tinh giản bộ máy. Cần thực hiện tốt để hỗ trợ cho những người thuộc diện chuyển đổi nghề nghiệp, nhưng cũng là tăng nguồn chi tiêu, đóng góp một phần vào kích cầu. Tiếp nữa là các chương trình xã hội hỗ trợ người lao động, đào tạo nhân lực hay các chương trình hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội...Các chính sách đều rất tích cực, đúng hướng, quan trọng là phần thực thi cần được thúc đẩy hiệu quả hơn nữa.

Ngoài ra, chính sách tiền tệ cũng cần được phối hợp một cách chặt chẽ, linh hoạt với chính sách tài khóa. Cơ bản mức lãi suất chính sách cũng đang ở ngưỡng thấp, tương đối gần với lạm phát nên cũng không có nhiều dư địa để giảm.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đầu tư hạ tầng để đẩy mạnh thu hút FDI

Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thu hút mới và giữ chân đầu tư FDI, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, cần tiếp tục chú trọng đầu tư hạ tầng.

Theo đó, thu hút FDI của Việt Nam thời gian tới khả năng vẫn tích cực nhưng phụ thuộc vào môi trường quốc tế. Thời gian vừa qua, cả Đông Nam Á nói chung chứ không riêng Việt Nam là nơi được hưởng lợi trong việc thu hút dòng vốn FDI. Vì vậy, để tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam còn phải cạnh tranh với các nước xung quanh. Nếu chỉ là những thứ có thể kiểm soát được thì đương nhiên môi trường thông thoáng như thời gian vừa qua của Việt Nam là thuận lợi. Để nâng cao sự cạnh tranh đó thì phải giảm chi phí bằng cách đầu tư hạ tầng tốt hơn.

Theo chuyên gia của ADB, đầu tư vào hạ tầng còn giúp cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước “lớn” lên, qua đó thúc đẩy được đầu tư tư nhân, hỗ trợ cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao sức cạnh tranh hơn để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, cung ứng đầu vào cho các doanh nghiệp FDI. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp FDI hướng ra xuất khẩu đều nhập khẩu đầu vào là chủ yếu, doanh nghiệp nội địa cung cấp được cho họ còn đang rất yếu. Vì vậy, hỗ trợ có thể đi theo hướng kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI để thúc đẩy tốt hơn tỷ lệ nội địa hóa./.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/viet-nam-co-tiem-nang-dat-tang-truong-cao-nam-2025-170127-170127.html
Zalo