Trung Quốc lần đầu tiên phát hiện hố va chạm thiên thạch trên đỉnh núi
Trong một nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí 'Matter and Radiation at Extremes' cuối tuần qua, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết đã lần đầu tiên phát hiện một hố va chạm thiên thạch trên một dãy núi.
Hố va chạm thiên thạch là những vết lõm hình tròn được hình thành do tác động của các thiên thể từ không gian, chẳng hạn như tiểu hành tinh. Chúng không chỉ là hiện tượng tự nhiên kỳ thú mà còn là một trong những cơ sở quan trọng cho nghiên cứu khoa học vũ trụ.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Áp suất cao Bắc Kinh, từ trước đến nay đã có hơn 200 hố va chạm thiên thạch được xác nhận trên toàn cầu. Tuy nhiên, các hố va chạm tại Trung Quốc lại vô cùng hiếm hoi.
Hố va chạm vừa được phát hiện có tên gọi Hailin, nằm ở dãy núi phía Bắc thành phố Hải Lâm, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc. Hố có đường kính lên đến 1.360 mét và có hình dạng giống như một chiếc chổi quét bụi hình elip. Đặc biệt, sự chênh lệch chiều cao giữa điểm cao nhất ở vành đai và điểm thấp nhất tại trung tâm hố lên tới hơn 100 mét, tạo nên hình dạng giống như chiếc phễu khổng lồ treo trên đỉnh núi thuộc dãy Trường Bạch.
Các nhà nghiên cứu cho biết vụ va chạm nói trên xảy ra vào cuối kỷ Tân Cận, cách đây hàng trăm nghìn năm. Phát hiện này không chỉ làm phong phú thêm sự hiểu biết của loài người về lịch sử các vụ va chạm thiên thể, mà còn cung cấp một góc nhìn mới về cơ chế hình thành hố va chạm và tác động của chúng đối với địa hình đặc biệt cũng như các hiện tượng biến đổi địa chất tại Trung Quốc.