Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan hợp tác xây đường sắt tránh Nga
Quá trình xây dựng tuyến đường sắt nối liền Trung Quốc, Kyrgyzstan và Uzbekistan, bỏ qua lãnh thổ Nga, đã chính thức bắt đầu.
Tuyến đường sắt mới này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua khu vực Trung Á đến các nước thuộc Liên minh châu Âu, theo báo Tazabek.
Vào ngày 27/12, trong buổi lễ khởi công xây dựng tuyến đường sắt tại Kyrgyzstan, Tổng thống Sadyr Japarov khẳng định rằng dự án này không chỉ mang tính chiến lược mà còn là một cầu nối quan trọng giữa phương Đông và phương Tây.
“Tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan sẽ trở thành một nhánh thuộc hành lang phía Nam của lục địa Á-Âu, mở ra lối đi mới tới các thị trường tại Tây Á và Trung Đông. Tuyến đường này sẽ cho phép hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc qua Kyrgyzstan, Trung Á, sau đó tới Thổ Nhĩ Kỳ và tiếp tục vào Liên minh châu Âu”, Tổng thống Japarov phát biểu.
Ông cũng nhấn mạnh rằng dự án sẽ củng cố mối liên kết khu vực, đa dạng hóa các tuyến giao thông, từ đó gia tăng năng lực cạnh tranh của khu vực như một trung tâm trung chuyển hàng hóa.
Đặc điểm của dự án
Tuyến đường sắt sẽ khởi hành từ thành phố Kashgar, thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, đi qua các điểm Torugart, Makmal, Jalal-Abad tại Kyrgyzstan, và kết thúc tại Andijan, Uzbekistan.
Trong tương lai, tuyến đường sắt này dự kiến sẽ được kết nối với các quốc gia Trung Á khác, tạo điều kiện để hàng hóa được vận chuyển tới Biển Caspi, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.
Tổng chi phí dự án lên tới 4,7 tỷ USD. Thỏa thuận đầu tư được ký kết vào ngày 20/12 tại Bishkek giữa chính phủ Kyrgyzstan và liên doanh đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan. Trong liên doanh này, Bắc Kinh nắm giữ 51% cổ phần, trong khi Kyrgyzstan và Uzbekistan mỗi nước giữ 24,5%.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa dự kiến đạt 15 triệu tấn mỗi năm. Tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian giao hàng từ Trung Quốc đến châu Âu tới 7 ngày.
Một phần trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc
Vào năm 2013, Trung Quốc khởi động sáng kiến hạ tầng đầy tham vọng mang tên "Vành đai và Con đường" (BRI), còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”.
Sáng kiến này hướng đến việc thiết lập một tuyến đường tơ lụa kinh tế: tuyến đường bộ đi qua Trung Á, Trung Đông và châu Âu, cùng với tuyến đường tơ lụa hàng hải thế kỷ 21, kết nối Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á, châu Phi và châu Âu.
Hồi tháng 6 năm nay, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã có chuyến thăm Bắc Kinh, nơi ông đã thảo luận cùng Chủ tịch Tập Cận Bình về việc phát triển mạng lưới hạ tầng kết nối Trung Quốc, các nước Trung Á, Trung Đông, châu Phi và châu Âu.