Thế giới năm 2025 - Điều gì sẽ xảy ra?

Bức tranh thế giới năm 2025 được dự báo đa sắc, với nhiều sự kiện được đánh giá có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Dòng chữ 2025 được trưng bày tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Dòng chữ 2025 được trưng bày tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Kinh tế

Nền kinh tế đang bắt đầu ổn định sau đại dịch và hầu hết các quốc gia phần lớn đã kiểm soát được tình trạng lạm phát tràn lan. Nhưng theo giáo sư chính sách công Thomas Klassen cho biết trên The Conversation, kinh tế vẫn sẽ đóng "vai trò to lớn trong chính trị" vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán tăng trưởng "ổn định nhưng không mấy ấn tượng", và những nguy cơ kinh tế vẫn "ẩn núp" ở phía chân trời.

Nhiều người có thể sẽ phải đối mặt với tình hình khó khăn hơn vào năm 2025. Nếu chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump gia tăng thuế quan, gây ra một cuộc chiến thương mại, lạm phát có thể tăng trở lại, kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tốc hoặc cả hai điều này sẽ cùng xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử, có thể sẽ tăng lên.

Các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông, tình trạng bế tắc chính trị ở Đức và Pháp, và những hoài nghi về kinh tế Trung Quốc càng làm cho bức tranh trở nên ảm đạm hơn. Trong khi đó, thiệt hại do biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde trong cuộc họp mới đây, sẽ có rất nhiều bất ổn vào năm 2025.

Chính trị

Năm 2025 sẽ có ít cuộc bầu cử hơn năm 2024, nhưng các cuộc bầu cử quan trọng sẽ diễn ra tại Australia, Canada và Đức. Ở Đức, Quốc hội đã bỏ phiếu bất tín nhiệm với Thủ tướng Olaf Scholz sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền vào tháng 11-2024, dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào đầu năm 2025 trong bối cảnh "khủng hoảng kinh tế sâu sắc và bất ổn địa chính trị", theo báo Guardian. Kết quả có thể dẫn đến sự gia tăng sức mạnh của phe cực hữu, khi các chính trị gia cạnh tranh để "thu hút những cử tri bất mãn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tình trạng đình trệ liên quan đến Ukraine".

Chính quyền Trump 2.0

Dưới góc độ chính trị, nước Mỹ với chính quyền Trump 2.0 được xem là sự kiện đáng quan tâm nhất. Sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump vào ngày 20-1-2025 được dự báo sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc không chỉ trong chính đời sống chính trị - kinh tế - xã hội của "xứ cờ hoa" mà còn đối với các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Việc ông Trump tái khẳng định khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" cùng với phương châm "Nước Mỹ trước tiên" và sẵn sàng rút khỏi các khuôn khổ đa phương, có thể gây ra những tác động sâu rộng đối với người dân Mỹ và thế giới. Ông Trump tuyên bố sẽ trục xuất tất cả người nhập cư bất hợp pháp khỏi Mỹ ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Những tuyên bố cứng rắn về thuế quan có thể gây căng thẳng đối với các quan hệ thương mại với đối tác lớn trên toàn cầu, từ ngay Bắc Mỹ, đến Mỹ Latinh và châu Á. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, và giúp đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas để chấm dứt giao tranh tại Gaza.

Trung Đông

Những căng thẳng chưa có hồi kết tại khu vực Trung Đông trong những ngày cuối năm 2024 khiến giới quan sát lo ngại xung đột ở khu vực này có nguy cơ gia tăng trong năm 2025. Sự sụp đổ gần đây của chính quyền Tổng thống Assad ở Syria có thể sẽ làm gia tăng bất ổn trong khu vực. Sự sụp đổ này còn mở ra cánh cửa cho một vòng đấu mới của cuộc chơi quyền lực ở Trung Đông. Chính phủ mới được đại diện bởi các tổ chức, như Quân đội Quốc gia Syria (SNA) và Hayat Tahrir al-Sham (HTS), trong đó người đại diện là Abu Muhammad al-Julani. Tuy nhiên, việc chính phủ mới có thể thúc đẩy hòa hợp dân tộc, đưa đất nước Syria bước vào giai đoạn phát triển mới hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời. Một cuộc tổng tuyển cử tại Syria được lên kế hoạch vào tháng 3-2025. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ nằm ở thủ tục chính thức, mà còn phụ thuộc vào việc những nhóm nào, tỷ lệ bao nhiêu sẽ được đại diện trong chính phủ.

Báo The Straits Times nhận định, cả Nga và Iran không dễ dàng bỏ rơi Syria và nếu có thể, sẽ giành lại ảnh hưởng của mình. Đối với Moscow, việc duy trì 2 căn cứ quân sự - một hải quân, một không quân - trên lãnh thổ Syria là điều cần thiết. Đối với Iran, việc khôi phục ảnh hưởng của họ bên trong Syria là một bước thiết yếu trong chiến lược xây dựng lại các lực lượng dân quân ủy nhiệm mà họ muốn triển khai trên khắp Trung Đông để đối đầu với Israel và Mỹ.

Sự sụp đổ của Tổng thống Assad còn tạo động lực cho một diễn biến quan trọng khác trong khu vực: cuộc đua trở thành cường quốc hạt nhân của Iran. Có một lý do đơn giản cho sự cấp bách này: Khi Iran chứng kiến các lực lượng ủy nhiệm của mình bị Israel đánh bại và vị thế chủ chốt của mình ở Syria sụp đổ chỉ trong vài tuần, các nhà lãnh đạo Iran rất có thể đã kết luận rằng hy vọng duy nhất của họ về an ninh lâu dài là trở thành một cường quốc hạt nhân hoàn chỉnh. Nhiều chính trị gia Iran đã công khai đưa ra những lập luận như vậy.

Ngoài ra, Thủ tướng Libya Abdulhamid Dbeibah cũng bày tỏ lo ngại quốc gia Bắc Phi này có thể trở thành chiến trường, sau các báo cáo về việc Nga chuyển vũ khí từ Syria sang Libya sau khi chính quyền cựu Tổng thống al-Assad sụp đổ.

Công nghệ

Ở một khía cạnh tươi sáng hơn, năm 2025 đã được Liên hợp quốc chỉ định là năm khoa học và công nghệ lượng tử.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ. Hơn 1 nghìn tỷ USD đang được chi cho các trung tâm dữ liệu để hỗ trợ công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Xu hướng mới định hình kịch bản Mỹ tập trung xây dựng hệ sinh thái AI tự chủ, tập trung vào chuỗi cung ứng khép kín nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Các khoản đầu tư lớn sẽ đổ vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt trong AI thế hệ mới, máy học, và tự động hóa, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Mỹ sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu, đặc biệt là chip AI cao cấp và công nghệ tiên tiến, đồng thời mở rộng danh sách đen đối với các công ty Trung Quốc nhằm hạn chế việc sử dụng AI cho mục đích quân sự. Song song đó, Mỹ cũng tăng cường hỗ trợ các đồng minh như EU, Nhật Bản, và Hàn Quốc, nhằm củng cố mạng lưới công nghệ toàn cầu. Ở phía đối diện, Trung Quốc đẩy mạnh nội địa hóa công nghệ để vượt qua sự phụ thuộc, nhưng vẫn phải đối mặt với khó khăn kép từ quy định trong nước và các lệnh cấm vận từ Mỹ.

Vào năm 2025, công nghệ sinh học - khai thác sức mạnh của khoa học sinh học để thúc đẩy sức khỏe, nông nghiệp và tính bền vững của môi trường - sẽ tiếp tục định hình lại thế giới theo những cách sâu sắc. Những đột phá như chỉnh sửa gen dựa trên CRISPR sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi, cung cấp các phương pháp điều trị cá nhân hóa cho các rối loạn di truyền cũng như tạo ra các phương pháp điều trị ung thư mới.

Năm 2025, mối đe dọa đối với các doanh nghiệp toàn cầu do tin tặc, trộm cắp dữ liệu và các cuộc tấn công mạng sẽ rất lớn. Vì lý do này, năm 2025 sẽ là năm mà an ninh mạng không chỉ là vấn đề kỹ thuật của các doanh nghiệp mà còn là yếu tố quan trọng của an ninh quốc gia và toàn cầu.

AN BÌNH

Dòng chữ 2025 được trưng bày tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/the-gioi-nam-2025-dieu-gi-se-xay-ra-post306835.html
Zalo