Trung Quốc đối mặt với khủng hoảng hôn nhân

Trước tình trạng dân số suy giảm nghiêm trọng, Chính phủ Trung Quốc đã 'mạnh tay' triển khai hàng loạt biện pháp khuyến khích sinh con, trong đó nổi bật là chính sách trợ cấp tiền mặt, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và ưu đãi cho các bà mẹ mới sinh. Tuy nhiên, số lượng các cuộc hôn nhân mới ở Trung Quốc đã giảm một phần năm, xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận vào năm ngoái, đánh dấu một sự thụt lùi đối với những nỗ lực của chính phủ nhằm đảo ngược cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang đe dọa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tỷ lệ kết hôn ở mức thấp kỷ lục

Năm 2024, Trung Quốc chứng kiến số lượng cuộc hôn nhân mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 40 năm, phản ánh những thách thức ngày càng gia tăng do tỷ lệ sinh giảm và sự suy giảm dân số. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ, chỉ có 6,10 triệu cặp đôi kết hôn trong năm 2024, giảm 20,5% so với năm trước đó. Đây là con số thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1980. Trong khi số vụ đăng ký kết hôn giảm mạnh, số ca ly hôn lại tăng nhẹ 1,1%, đạt 2,82 triệu trường hợp.

 Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm kỷ lục

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm kỷ lục

Nhà nhân khẩu học độc lập He Yafu nhận định rằng, vì phần lớn các ca sinh ở Trung Quốc diễn ra trong hôn nhân, sự sụt giảm đáng kể số cuộc hôn nhân mới trong năm 2024 báo hiệu rằng tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục giảm vào năm 2025. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc vào năm 2025 dự kiến sẽ giảm xuống còn 0,9 ca sinh trên một phụ nữ (trong khi 2,1 là mức thay thế tiêu chuẩn), chỉ bằng một nửa so với dự đoán của các quan chức vào năm 2016.

Tình trạng thực tế về nhân khẩu học này đáng báo động đến mức đầu tháng này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã tuyên bố rằng chính phủ sẽ đưa ra các chính sách mới để thúc đẩy tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hôn nhân sẽ làm suy yếu rất nhiều những nỗ lực này.

Nguyên nhân do đâu?

Vậy nguyên nhân nào dẫn tới cuộc khủng hoảng hôn nhân? Một số chuyên gia đã chỉ ra các yếu tố nổi bật bao gồm sự suy giảm ổn định của dân số trong độ tuổi sinh đẻ của Trung Quốc; những thay đổi về lối sống; những tác động kéo dài của chính sách một con (hiện đã bị loại bỏ) đối với thái độ đối với hôn nhân và sinh con; tình trạng cung vượt cầu dai dẳng của nam giới; và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.

Có thể nói, chính sách một con được thực hiện vào năm 1980 đã để lại hệ lụy dai dẳng. Khi người dân chỉ được quyền sinh một con, hầu như mọi gia đình đều mong muốn sinh ra con trai. Điều này đã khiến Trung Quốc đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính, thiếu phụ nữ trầm trọng. Trong khi tỷ lệ giới tính sinh học điển hình khi sinh là từ 102 đến 106 nam trên 100 nữ, thì điều tra dân số năm 2000 của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ giới tính (ở trẻ từ 0 - 4 tuổi) là 120 trên toàn quốc, 133 ở tỉnh Giang Tây và 197 ở thành phố Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc.

Tuy nhiên, bất chấp sự bất cân xứng sâu sắc này, vẫn còn nhiều "phụ nữ ế", vì nhiều bậc cha mẹ có con gái (hầu như là con một) ưu tiên việc học hành và độc lập về kinh tế của con gái hơn là hôn nhân, cũng như đặt kỳ vọng quá mức vào những chàng rể tương lai. Tỷ lệ phụ nữ chưa kết hôn trong độ tuổi 25 - 29 ở Trung Quốc tăng vọt từ 9% vào năm 2000 lên 33% vào năm 2020 và 43% vào năm 2023, và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng.

Thêm vào đó, chính sách một con không chỉ nâng cao rào cản đối với hôn nhân mà còn khiến việc ly hôn trở nên dễ dàng hơn, điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Tỷ lệ ly hôn tăng vọt từ 0,3/1.000 người vào năm 1980 lên 3,4 vào năm 2019. Do đó, vào năm 2021, Trung Quốc đã thực hiện một bộ luật dân sự mới, theo gương của Vương quốc Anh và Pháp, yêu cầu thời gian cân nhắc 30 ngày để ly hôn. Nhưng trong khi điều này làm giảm tỷ lệ ly hôn xuống còn 2/1.000 người, thì tỷ lệ này đã tăng trở lại lên 2,6 vào năm 2023 - cao hơn nhiều so với tỷ lệ của Nhật Bản là 1,5/1.000 người.

Ngoài ra, xu hướng sinh con muộn tại Trung Quốc ngày càng tăng mạnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, độ tuổi được khuyến khích nam nữ sinh con là trước 30 tuổi. Đó là lý do tại sao khoảng hai phần ba trẻ sơ sinh trên toàn thế giới được sinh ra từ những phụ nữ từ 30 tuổi trở xuống. Năm 2021, độ tuổi trung bình của các bà mẹ khi sinh con đầu lòng ở Mỹ, Mexico là 27 tuổi và 21 tuổi ở Ấn Độ.

Trong khi đó, độ tuổi trung bình phụ nữ Trung Quốc sinh con đầu lòng đã tăng từ 25 tuổi vào năm 2000 lên 28 tuổi vào năm 2020, và ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây. Ở Thượng Hải, độ tuổi này tăng từ 30 tuổi vào năm 2019 lên 32 tuổi vào năm 2024. Tệ hơn nữa, tỷ lệ vô sinh chung ở Trung Quốc đã tăng từ 1-2% vào những năm 1970 lên 18% vào năm 2020. Ngày càng có nhiều người bị vô sinh sau khi kết hôn hoặc sau khi sinh đứa con đầu lòng.

Theo truyền thống, các khu vực chịu ảnh hưởng của Nho giáo có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, một phần là do họ quá coi trọng giáo dục dẫn đến việc không coi trọng hôn nhân và sinh con. Kết quả là, nhìn chung những khu vực như vậy có tỷ lệ người chưa kết hôn cao hơn và dữ liệu lịch sử cho thấy rằng hầu như không thể tăng tỷ lệ sinh của họ lên 1,5 nếu độ tuổi trung bình của các bà mẹ khi sinh con đầu lòng vượt quá 28.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lập gia đình giảm từ lâu cũng được cho là do chi phí nuôi con và cho con đi học cao. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế chậm chạp trong vài năm qua đã khiến những người tốt nghiệp đại học khó tìm được việc làm và những người có việc làm cảm thấy bất an về tương lai.

Nỗ lực của Chính phủ

Trong một động thái mới nhất nhằm cải thiện tỷ lệ kết hôn và sinh con, Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp đơn giản hóa quy trình đăng ký kết hôn và chính sách hỗ trợ tài chính cho các cặp đôi. Với quy định mới, các cặp đôi có thể đăng ký kết hôn tại nơi họ sinh sống thay vì phải quay về quê theo hộ khẩu để làm thủ tục. Trước đây, nếu một cặp đôi cùng sống ở Bắc Kinh nhưng quê ở hai tỉnh khác nhau, họ buộc phải về quê để đăng ký, gây bất tiện và tốn kém. Theo Tân Hoa xã, sự điều chỉnh này đặc biệt có lợi cho những người trẻ làm việc và sinh sống xa quê, giúp họ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.

Để giảm bớt gánh nặng về tài chính, chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp như hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng và cam kết xây dựng thêm cơ sở hạ tầng chăm sóc trẻ em. Đồng thời Bộ Dân chính Trung Quốc cũng đang nỗ lực loại bỏ các phong tục cưới hỏi tốn kém, như yêu cầu sính lễ cao hay tổ chức đám cưới xa hoa. Sính lễ số tiền do gia đình chú rể gửi đến gia đình cô dâu. Đây vốn được xem là một cách thể hiện sự tôn trọng đối với gia đình vợ và là một khoản đóng góp cho cuộc sống chung của đôi trẻ. Tuy nhiên chi phí này đôi khi quá cao, tạo áp lực tài chính cho gia đình chú rể và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.

Trên thế giới, độ tuổi tối thiểu hợp pháp để kết hôn thường là từ 16 đến 18. Nhưng ở Trung Quốc, độ tuổi này đã được nâng lên 22 đối với nam giới và 20 đối với nữ giới vào năm 1980. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, khi người dân đã quá quen với việc kết hôn và sinh con muộn trong suốt một thời gian dài, việc hạ độ tuổi xuống 18 sẽ không giúp ích gì cho việc tăng tỷ lệ sinh hiện nay.

Cân bằng giữa tham vọng kinh tế và thực tế nhân khẩu

Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, các chuyên gia cho rằng, việc trì hoãn kết hôn và sinh con trên diện rộng, cũng như tỷ lệ người chưa kết hôn tăng vọt, phần lớn là do các chính sách của chính phủ nhằm theo đuổi khoản cổ tức tài năng và “lực lượng sản xuất chất lượng mới”.

Những chính sách này đã dẫn đến sự gia tăng trong tuyển sinh đại học và sau đại học, từ 2,21 triệu và 129.000 vào năm 2000, lên 10,69 triệu - con số này lớn hơn nhiều so với số ca sinh trong năm nay; và 1,36 triệu vào năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ tuyển sinh giáo dục đại học của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, ngụ ý rằng tỷ lệ sinh của nước này sẽ khó ổn định ở mức hiện tại của Nhật Bản là 1,15.

Các chuyên gia nhận định, bên cạnh những sự hỗ trợ về tài chính, Chính phủ Trung Quốc cần có những biện pháp cụ thể để giải quyết được những mâu thuẫn giữa tham vọng kinh tế và thực tế về tình trạng nhân khẩu học của nước mình.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/trung-quoc-doi-mat-voi-khung-hoang-hon-nhan-post409396.html
Zalo