Dow Jones giảm thêm 1.000 điểm khi thương chiến Mỹ- Trung tái bùng phát
Chỉ trong hai ngày, Phố Wall bốc hơi hơn 4.000 tỷ USD khi thương chiến Mỹ - Trung bùng phát trở lại.
Thị trường tài chính toàn cầu khép lại một tuần đầy biến động với sắc đỏ bao trùm, khi chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc ngày thứ hai liên tiếp do giới đầu tư lo ngại về tác động kinh tế từ chính sách thuế mới của Mỹ và nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Biển hiệu trụ sở Dow Jones. Ảnh: Alto Nivel
Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Donald Trump vào ngày thứ Tư về việc áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu đã khiến giới đầu tư choáng váng và buộc các chuyên gia kinh tế phải điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng lên tiếng cảnh báo rằng các loại thuế này bao gồm mức thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và các biện pháp thuế "có tính đối ứng" với gần 90 quốc gia có thể sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.
“Mặc dù mức độ bất định vẫn cao, nhưng hiện nay có thể thấy rõ rằng quy mô tăng thuế lần này lớn hơn rất nhiều so với dự kiến”, ông Powell phát biểu tại Arlington, bang Virginia hôm thứ Sáu. “Hệ quả kinh tế cũng tương xứng, bao gồm lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại”.
Chỉ số S&P 500 giảm 322 điểm, tương đương gần 6%, xuống còn 5.074 điểm - đánh dấu mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 16/3/2020, thời điểm chỉ số này mất 12%.
Riêng trong phiên hôm nay, hơn 2.700 tỷ USD vốn hóa thị trường đã bị “bốc hơi”, xóa sạch thành quả tăng trưởng trong hơn một năm qua, đưa S&P 500 trở về mức tương đương tháng 2/2024.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2.231 điểm, tương đương 5,5%, và đã giảm tổng cộng 14% kể từ đỉnh hồi tháng 2. Nasdaq Composite, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, cũng giảm 963 điểm, tương đương 5,8%. Với mức sụt giảm này, Nasdaq chính thức rơi vào thị trường giá xuống (bear market), tức giảm ít nhất 20% so với đỉnh gần nhất.
Cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh trong tuần qua do lo ngại các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào Trung Quốc cùng với những phản ứng đáp trả từ Bắc Kinh sẽ giáng đòn nặng vào ngành công nghệ cao, lĩnh vực vốn là động lực chính của lợi nhuận doanh nghiệp.
“Những tổn thất kinh tế mà thuế quan này mang lại rất khó để diễn tả, và có thể khiến ngành công nghệ Mỹ bị tụt lùi cả một thập kỷ trong khi Trung Quốc tiếp tục tiến lên”, ông Dan Ives thuộc công ty chứng khoán Wedbush Securities nhận định.
Bà Solita Marcelli, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ của UBS Global Wealth Management, cảnh báo rằng nếu Mỹ không sớm điều chỉnh chính sách thuế, nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.
“Trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng mức thuế hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa. Nếu Tổng thống Donald Trump không có động thái rõ ràng nhằm giảm thuế trong vòng ba đến sáu tháng tới, kịch bản tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra, bao gồm một cuộc suy thoái đáng kể tại Mỹ và sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán”, bà nhận định trong báo cáo gửi khách hàng.
Đây là hai ngày giảm điểm mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu, và đã khiến hàng nghìn tỷ USD tài sản của nhà đầu tư bốc hơi.
Những cú rơi sâu như vậy không phải chưa từng xảy ra tại Phố Wall, nhưng vẫn là điều hiếm hoi. Theo ông Adam Turnquist - chiến lược gia kỹ thuật trưởng của công ty môi giới LPL Financial, trong vòng 25 năm qua, S&P 500 chỉ giảm trên 4% trong một ngày vỏn vẹn 38 lần.
Thị trường quốc tế cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Trong phiên giao dịch đêm tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,8%, Kospi của Hàn Quốc giảm 0,9%. Tại châu Âu, chỉ số DAX của Đức mất 2%, CAC 40 tại Pháp giảm 1,6% và FTSE 100 của Anh cũng mất 1,7%.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ bị hạ thấp
Các chuyên gia kinh tế liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay khi chính quyền Tổng thống Donald Trump mở rộng danh sách các quốc gia bị áp thuế. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế này sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng - vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ.
Về bản chất, thuế nhập khẩu chủ yếu do doanh nghiệp chịu, nhưng phần lớn chi phí phát sinh sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Do đó, người dân Mỹ có thể sẽ phải chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng như điện tử, thiết bị gia dụng, ôtô, quần áo, đồ nội thất và thực phẩm - bao gồm cà phê và socola.
“Trong thời gian tới, các mức thuế cao hơn sẽ dần thấm vào nền kinh tế và dự kiến sẽ khiến lạm phát gia tăng trong các quý tới”, ông Powell nhấn mạnh.
Theo tổ chức nghiên cứu chính sách phi đảng phái Tax Foundation, chính sách thuế mới của chính quyền Tổng thống Trump có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại hơn 1.900 USD trong năm nay.
Ông David Lefkowitz, Trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán Mỹ tại UBS, nhận định rằng các nhà đàm phán thương mại Mỹ có thể sẽ từng bước hạ mức thuế khi tiến hành đối thoại với các đối tác quốc tế.
Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần thời gian và UBS không kỳ vọng vào một sự đảo chiều nhanh chóng trong chính sách thuế. Vì vậy, UBS đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay xuống dưới 1%.
Trung Quốc đáp trả
Giới đầu tư tiếp tục dõi theo những diễn biến leo thang khi các đối tác thương mại lớn bắt đầu có động thái trả đũa. Trung Quốc ngày thứ Sáu thông báo sẽ áp thuế 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với đất hiếm – loại nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip máy tính và pin xe điện - đồng thời áp lệnh trừng phạt thương mại lên 27 công ty Mỹ khác.
“Đây là phản ứng cứng rắn và mang tính leo thang, khiến khả năng đạt được thỏa thuận thương mại trong ngắn hạn giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới trở nên mong manh”, nhóm chuyên gia tại Capital Economics đánh giá trong một báo cáo phân tích.
Trong diễn biến tích cực hiếm hoi, thị trường đón nhận thông tin tích cực từ thị trường lao động Mỹ khi nền kinh tế tạo thêm 228.000 việc làm trong tháng 3, vượt xa kỳ vọng của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 4,2%, so với mức 4,1% hồi tháng 2.
Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng những số liệu tuyển dụng này chưa phản ánh đầy đủ tác động của chính sách thương mại mới đối với nền kinh tế Mỹ.
“Với nhiều nhà đầu tư, nhìn vào danh mục đầu tư của mình tuần này chẳng khác nào trải qua một cuộc phẫu thuật không gây mê”, ông Brian Jacobsen, Kinh tế trưởng tại Annex Wealth Management, ví von.