Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong quý 1

Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh ở mức 7,7% trong quý 1/2025, từ mức 7,6% trong quý 4/2024.

Trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô về Việt Nam vừa được công bố vào sáng 5/4, Ngân hàng Standard Chartered dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng mạnh ở mức 7,7% trong quý 1/2025, từ mức 7,6% trong quý 4/2024. Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2025 vẫn ở mức 6,7%, với mức tăng trưởng dự kiến có sự điều chỉnh trong nửa cuối năm.

Standard Chartered cho rằng, triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ vào sự hội nhập sâu rộng với các mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định. Những yếu tố này tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu toàn cầu.

GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh Ảnh minh họa

GDP của Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh Ảnh minh họa

Các chỉ số kinh tế chủ chốt trong tháng 3 cho thấy sự ổn định. Tăng trưởng doanh số bán lẻ ước tính ở mức 6,2% so với cùng kỳ năm trước (Tháng 2 là 9,4%). Tăng trưởng xuất khẩu có thể ở mức 8,2% so với cùng kỳ năm trước (25,7%) do có cơ sở cao hơn. Xuất khẩu hàng điện tử có khả năng tiếp tục được cải thiện. Nhập khẩu và sản xuất công nghiệp có khả năng tăng lần lượt 6,0% so với cùng kỳ (40,0%) và 6,2% so với cùng kỳ (17,2%). Cán cân thương mại hàng tháng được ước tính có thể chuyển sang thặng dư 3,7 tỷ đô la, sau khi ghi nhận mức thâm hụt 1,6 tỷ USD trong giai đoạn trước đó. Lạm phát được dự báo ở mức 3,4% trong tháng 3, so với mức 2,9% trước đó. Xu hướng lạm phát kéo dài có thể gây ra thách thức đến chính sách tiền tệ.

Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ có thể tác động đến các quyết định chính sách. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tài chính và ứng phó linh hoạt trước những biến động kinh tế có thể xảy ra”.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/standard-chartered-kinh-te-viet-nam-tang-truong-manh-trong-quy-1-381638.html
Zalo