Trứng gà trở thành hàng xa xỉ đối với nhiều người tiêu dùng Mỹ
Giá trứng gà tại Mỹ liên tục tăng cao do dịch cúm gia cầm hoành hành khiến nguồn cung khan hiếm…

Trứng gà đang có khả năng trở thành một món “xa xỉ phẩm” đối với nhiều người tiêu dùng Mỹ.
Chỉ tính riêng tháng 1/2025, giá trứng tại Mỹ đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, gấp năm lần so với tỷ lệ lạm phát chung là 3%, theo dữ liệu từ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm 12/2.
Đợt tăng giá trứng vừa qua phản ánh tác động nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm, căn bệnh đã khiến hơn 40 triệu con gà đẻ trứng bị tiêu hủy trong năm 2024.
Năm 2019, người tiêu dùng có thể mua một tá trứng với giá khoảng 1,54 USD, nhưng đến 2024, giá đã vọt lên 4,15 USD - tương đương tăng 170%, theo bảng theo dõi giá cả hàng hóa thiết yếu của CBS News.
Theo giáo sư kinh tế nông nghiệp David Anderson của Đại học Texas A&M, nguồn cung trứng sẽ tiếp tục bị hạn chế chừng nào dịch cúm gia cầm còn hoành hành.
Ngoài ra, một số thay đổi trong xu hướng tiêu dùng cũng đang làm trầm trọng thêm vấn đề này. "Chúng ta đang chứng kiến các xu hướng dinh dưỡng mới, khi mọi người tăng cường protein trong chế độ ăn, điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu trứng càng tăng lên, tạo ra một mức nền cao hơn cho nhu cầu. Sau đó, nguồn cung bị thắt chặt khiến giá cả tăng mạnh”, ông Anderson nhận xét.
"Nếu không có gà thì cũng không có trứng", bà Sharon Linsenbardt, người sáng lập kiêm chủ sở hữu Barn Buddies Rescue and Sanctuary nói với phóng viên CBS News. Bà Linsenbardt lưu ý, hàng triệu con gà đẻ trứng bị tiêu hủy do dịch cúm gia cầm chưa thể được thay thế ngay lập tức.
Tình trạng khan hiếm trứng và giá cả leo thang gần đây đã buộc chuỗi nhà hàng ăn sáng 24 giờ Waffle House phải tính thêm 50 cent mỗi quả trứng, trong khi một số chuỗi siêu thị lớn cũng bắt đầu giới hạn số lượng trứng mà khách hàng có thể mua.
Walmart cũng hạn chế mỗi giao dịch mua không quá hai hộp trứng loại 60 quả để đảm bảo nhiều khách hàng có thể tiếp cận sản phẩm hơn. "Dù nguồn cung đang rất khan hiếm, chúng tôi vẫn hợp tác với các nhà cung cấp để cố gắng đáp ứng nhu cầu khách hàng, đồng thời nỗ lực giữ giá ở mức tốt nhất có thể", người phát ngôn của Walmart nói thêm.
Tương tự, dù cho hầu hết 2.000 cửa hàng Target tại Mỹ vẫn còn trứng trong kho, nhưng chuỗi bán lẻ đã áp dụng quy định giới hạn mua trứng tại các cửa hàng. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và điều chỉnh khi cần thiết", Target cho biết.
Trong khi đó, chuỗi Giant Eagle tuyên bố đang bán trứng với giá bằng hoặc thấp hơn chi phí nhập hàng tại tất cả các siêu thị của mình nhằm giảm bớt tác động lên khách hàng. Chuỗi siêu thị khu vực này, với hơn 470 cửa hàng tại Indiana, Maryland, Ohio, Pennsylvania và Tây Virginia, khuyến khích khách hàng chỉ mua tối đa ba hộp trứng mỗi lần.
Amazon, công ty mẹ của Whole Foods, và Costco đều không phản hồi yêu cầu bình luận.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, giá trứng dự kiến sẽ tăng tổng cộng 20% trong năm 2025. Dù giá cả leo thang, nhu cầu tiêu dùng vẫn cao và thậm chí có thể tăng mạnh hơn nữa khi lễ Phục sinh đến gần, khiến khả năng giá hạ nhiệt trở nên rất mong manh.
Như các chuyên gia chia sẻ, hai yếu tố cần thiết để giá trứng giảm nhiệt là nước Mỹ phải kiểm soát được dịch cúm gia cầm, đồng thời nhanh chóng thay thế những con gà già và gà bị nhiễm bệnh. "Hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh. Đây là bước đầu tiên. Tiếp đó sẽ mất thêm vài tháng nữa trước khi có thể lai tạo và thay thế đàn gà đẻ trứng", ông Bryan Spillane, chuyên gia phân tích thực phẩm và đồ uống cấp cao của Bank of America, nói trên CBS MoneyWatch.
Dự kiến sẽ mất ít nhất từ ba đến sáu tháng nữa trước khi giá trứng có dấu hiệu hạ nhiệt. Người tiêu dùng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách so sánh giá cả giữa các siêu thị, nhưng theo phát ngôn viên Sara Rathner của NerdWallet, nếu mức chênh lệch không đáng kể, số tiền tiết kiệm được có thể không bù nổi chi phí xăng xe đi lại. Một số cách khác để tiết kiệm chi phí mua trứng là tận dụng các chương trình khuyến mãi của siêu thị hoặc mua bằng thẻ tín dụng có hoàn tiền.