Trưng bày dấu ấn di sản công nghiệp của Hà Nội
Dấu ấn Di sản công nghiệp là chuyên đề đang gây sự chú ý cho du khách khi đến thăm Bảo tàng Hà Nội những ngày này.
Đầu máy Tự lực số hiệu 141 - 179 là một trong rất ít đầu máy xe lửa chạy bằng hơi nước mang dấu ấn Made in Vietnam còn sót lại. Được sản xuất năm 1965 nhằm phục vụ vận chuyển hàng hóa ở miền Bắc, giờ đây, đầu máy này là chứng tích lịch sử, ghi dấu những câu chuyện hào hùng của một thời kỳ gian khó. Đây là một điểm nhấn đặc biệt trong không gian trưng bày Dấu ấn Di sản công nghiệp tại Bảo tàng Hà Nội. Bên cạnh đó là nhiều hiện vật khác của các ngành cơ khí, dệt may.
Là người đã từng sống trong thời kỳ công nghiệp hóa của đất nước những năm trước đổi mới, không gian trưng bày đã khơi gợi trong ông Chu Minh Hồng, phường Bưởi, quận Tây Hồ, những cảm xúc đặc biệt: "Tôi cho rằng những triển lãm di sản công nghiệp của Hà Nội có ý nghĩa rất to lớn. Nó làm sống lại một thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước".
Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo được ví như con chim đầu đàn của ngành cơ khí Việt Nam những năm 50 của thế kỷ trước, hay Nhà máy dệt 8/3, Nhà máy Cao su Sao Vàng..., giá trị của các di sản công nghiệp nằm ở chỗ chúng gắn liền với một thời kỳ lao động, sáng tạo bền bỉ của Thủ đô, là kết tinh của lịch sử và luôn có sức sống ngay cả trong hiện tại.