Với rẻo cao biên giới Kỳ Sơn những ngày cuối năm

Là một huyện được xem khó khăn nhất tỉnh Nghệ An, huyện Kỳ Sơn là địa bàn biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có bờ biên giáp nước bạn Lào với gần 200km. Là địa bàn cách xa trung tâm tỉnh Nghệ An gần 300km, đường vào thôn bản từ trung tâm huyện còn gần cả 100km, Kỳ Sơn dẫu được quan tâm đầu tư, phát triển nhưng cái khó, cái gian truân vẫn luôn thách thức.

Đường vào Mường Lống, Kỳ Sơn hôm nay

Đường vào Mường Lống, Kỳ Sơn hôm nay

Ngược núi lên với rẻo cao

Từ trung tâm TP Vinh đến với huyện Kỳ Sơn, đoàn chúng tôi di chuyển theo cung đường độc đạo tuyến QL7A với quãng thời gian gần 6 giờ đồng hồ cho quãng đường gần 300km. Đường lên Kỳ Sơn nay đã thuận lợi hơn nhiều năm về trước, thế nhưng cung đường ngược núi, quanh quanh những dãy núi dài sừng sững, cao vút khiến cung đường như dài thêm, vất vả hơn cho những người ngồi trên chuyến đi này. Cảm giác như đi trên những tầng mây, đường lên Kỳ Sơn mùa này mây giăng lối, sương mù dày, xe bon bon qua những đèo cao, thấp khiến hành khách ai cũng mệt lả theo nhịp xe.

Đặt chân tới thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn lúc trời cũng đã dần khuya, đoàn chúng tôi gần như ai nấy cũng mệt lả người sau hành trình gần 6 giờ đồng hồ. Mùa này, đặt chân tới mảnh đất này, cái lạnh kèm theo những đợt gió khiến nhiều người khá khó chịu, chậm bắt nhịp với cái buốt cóng của không khí lạnh nơi đây. Để kịp đến với xã Mường Lống với kế hoạch trao quà cho các em nhỏ trường mầm non, chị Bành Thị Thúy Hà - trưởng đoàn - quyết định việc đoàn sẽ tiếp tục rời thị trấn Mường Xén để vào Mường Lống ngay trong đêm.

Quãng đường gần 50km, cung đường đến với mảnh đất được mệnh danh cổng trời ấy mới thực sự là một cảm giác mạnh đối với mọi người trong đoàn. Cung đường ấy băng qua nhiều thôn, bản, di chuyển trong những làn sương dày đặc, những khúc đường quanh co... thi thoảng trưởng đoàn lại phải nhắc tài xế cản trọng với tay lái khi bên vực, bên núi nom hết sức nguy hiểm. Chiếc xe 7 chỗ mò mẫm di chuyển trong đêm trên cung đường hiểm trở ấy khiến cả đoàn 6 người cũng trong tâm thế nín thở qua những con dốc cao, khúc cua gấp cảm giác như đẩy dùn cả một bên xe.

So với 300km kia, thì quãng đường vào với cổng trời Mường Lống đúng là một trải nghiệm khá thi vị, có đôi chút lo lắng nhưng lại mang trong mình sự háo hức, tò mò và cảm giác mạo hiểm thích thú. Mất gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, hình ảnh phiến đá lớn màu trắng hiện hữu dần trong sương với dòng chữ Cổng trời Mường Lống khiến ai nấy trong đoàn cũng háo hức, mang trong mình những cảm xúc đặc biệt.

Mường Lống là xã khó khăn nơi mảnh đất này, là địa bàn xã nội địa, 100% dân cư người Mông, cuộc sống bà con nhân dân nơi đây trải qua biết bao thăng trầm, là mảnh đất chứa đượng bao dấu ấn lịch sử, cách mạng, nhưng cũng từng là một thủ phủ ma túy, ma túy từng quét qua mảnh đất ấy gây nên bao đau thương. Bình yên nơi mảnh đất chỉ chỉ trở lại sau những cuộc truy quét gắt gao, những cuộc chiến với tội phạm ma túy đầy khốc liệt của lực lượng Công an, Biên phòng...

Qua sóng gió, Mường Lống lại như một nàng tiên nữ ngủ quên trong khu rừng già nua, đón đoàn chúng tôi, Chủ tịch xã - ông Và Chá Xà tay bắt mặt mừng, chào cả đoàn đến với cái khó, cái mới, cái tự hào hôm nay của mảnh đất này. Trong câu chuyện ngắn tiếp đoàn, Chủ tịch xã Mường Lống say sưa kể về những đổi thay của thôn bản, quê hương. Người Mông nay biết làm homes stay, biết làm du lịch, kinh tế bắt đầu vững vàng hơn. Mường Lống nay không chỉ có dự án dược liệu, mà còn có dự án sinh thái nghỉ dưỡng đẹp như trong tranh vẽ...

Trường mầm non Mường Lống trong sáng sớm.

Trường mầm non Mường Lống trong sáng sớm.

Sơ bộ về viễn cảnh rộng mở của Mường Lống hôm nay, Chủ tịch xã Và Chứ Xà cũng đon đả mời đoàn thưởng thức bữa cơm tối đậm đà bản sắc của văn hóa người Mông, là bữa cơm mà người Mông phát triển để làm du lịch, tạo nên nét ẩm thực riêng nơi cổng trời. Vừa ăn cùng đoàn, ông Xà cũng hồ hởi tâm tư việc đoàn đến với Mường Lống, mang tới cho các cháu nơi đây những món quà giá trị, ý nghĩa trước dịp Tết Nguyên đán năm nay. Là một chủ tịch xã miền núi cao khó khăn, nơi bản làng xa xôi, nhưng ông Xà thể hiện rõ là một người có năng lực, vị thế với bà con nhân dân nơi đây, gần gũi, hòa đồng nhưng cũng mang hơi hướng sự rắn rỏi, cương quyết trong công tác.

Đêm xuống, Mường Lống khá lạng, trong sương mờ, những ngọn đèn yếu ớt ở nhà người dân trong bản vẫn sáng lấp lánh, khiến cả vùng núi ấy khung cảnh đẹp đến nao lòng. Lựa chọn trải nghiệm khu du lịch nơi đây, chúng tôi được dẫn tới khu du lịch sinh thái với quy mô khá lớn, đầu tư bài bản, mang hơi hướng đặc biệt vùng cao. Với chúng tôi, đó là một đêm trải nghiệm thú vị với những món ăn đậm đà tình cảm, sự tiếp đón nồng nhiệt từ địa phương và cũng là một trải nghiệm đáng nhớ về cảnh đẹp miên man nơi cổng trời với khu sinh thái du lịch ở nơi đây.

Tết sớm với những đứa trẻ vùng cao

Mầm non Mường Lống vẫn còn khá khó khăn, đặc biệt là có tới 8 điểm bản ở các khu vực vùng sâu, có những điểm lẻ cách trung tâm xã trên 20km, đường đi lại vô cùng khó khăn, nhất là vào mùa mưa, cảnh thầy cô băng đèo, lội suối mang con chữ tới trẻ em người Mông khiến ai nấy cũng cảm phục. Vì tương lai bao thế hệ trẻ em người Mông, những người thầy, người cô miền xuôi lên mảnh đất này, từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, cứ thế cống hiến, thầm lặng vượt qua những khó khăn, trắc trở, thiệt thòi đủ đường để cùng các em nơi mảnh đất này có thêm con chữ, vững vãng trong tương lai, góp sức mình đưa Mường Lống bước qua khó khăn.

Giữa cái lạnh như cắt da thịt, hình ảnh những em bé mầm non người Mông khiến chúng tôi không khỏi thổn thức trong suy nghĩ. Môi tím bầm vì lạnh, các em vẫn đọc to, rõ nét những bài thơ mà cô giáo hướng dẫn. Cái rét dường như không thể khiến các em chùn bước trước con chữ, trước sự yêu thương ấm áp từ những giáo viên mỗi ngày sát cánh cùng các em. Tiếng trẻ người Mông đọc thơ như củng cố hơn niềm tin, rồi đây Mường Lống sẽ còn khởi sắc hơn, mạnh mẽ hơn trước những thách thức về thời tiết khốc liệt, địa hình hiểm trở, giao thông chưa thuận tiện... để bứt phá vượt qua cái nghèo.

Trao gửi những yêu thương tới các em bé người Mông tại mầm non Mường Lống.

Trao gửi những yêu thương tới các em bé người Mông tại mầm non Mường Lống.

Trao gửi tới giáo viên, học sinh mầm non xã Mường Lống là những món quà hết sức ý nghĩa mà mạnh thường quân gửi gắm, có 4 tủ lạnh cho các điểm bản lưu trữ thức ăn cho các cháu, kẹo bánh, 50 phần quà tiền mặt...

Chị Bành Thị Thúy Hà chia sẻ những khó khăn, thách thức mà người dân, cô trò nơi mảnh đất này đã và đang phải trải qua mỗi ngày. Mong rằng với sự hỗ trợ từ cấp ủy Đảng, chính quyền và sự động viên khích lệ từ cộng đồng, mạnh thường quận, cô và trò mầm non xã Mường Lống luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bước qua mọi khó khăn để giúp các trẻ em người Mông mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ý nghĩa. Tạo tiền đề, giúp các em luôn có sức khỏe, bớt chông chênh trên con đường đến lớp mỗi sáng mai.

Chia sẻ với những khó khăn với Trường Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Huồi Tụ, đoàn chúng tôi gửi gắm 20 suất quà cho 20 trường hợp học sinh nghèo vượt khó. Trước khó khăn của học sinh với mùa lạnh khó hông khô quần áo, đoàn đã trực tiếp trao tặng, gửi tới thầy, trò ngôi trường này một chiếc máy giặt. Về khó khăn ngôi trường này, hiện khó nhất vẫn là vấn đề nước sạch sinh hoạt, hàng chục giáo viên, hàng trăm học sinh bán trú nơi đây luôn chật vật với nguồn nước thiếu thốn, khan hiếm.

Là địa bàn vùng cao, vùng sâu, địa hình trên núi cao, suối chảy qua dưới chân núi cách trường gần cả km nhưng nước suối thì cũng không dồi dào, mà cả bản làng dùng chung nên để lấy nước sinh hoạt, ăn uống về tại trường là không thể. Gần như trông chờ vào nguồn nước mưa, lắng lọc lại ở một bể chứa cũng khá lớn, thế nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm để vượt qua cái khó.

Trao tặng sách vở, quần áo cho trẻ em người Khơ Mú

Trao tặng sách vở, quần áo cho trẻ em người Khơ Mú

Đón nhận những món quà ý nghĩa ấy, những em học sinh người Mông phấn khởi, bày tỏ sự vui mừng khi luôn được đón nhận sự chia sẻ, đồng hành của cộng đồng, của các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Các em biết ơn sự hỗ trợ, động viên, chia sẻ những khó khăn thách thức mà các em và thầy cô đã phải nỗ lực mỗi ngày để vượt qua, hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Cách tuyến QL7A tầm 30km, đường dẫn vào ngôi trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Bảo Nam gồ ghề, bám theo dãy núi dài sừng sững, đoàn chúng tôi cũng đã có một cuộc hành trình khá vất vả để đến với ngôi trường con em người Khơ Mú. Các em chờ đón đoàn từ sáng sớm, trong trang phục lố nhố đủ thứ màu. Ngôi trường nằm chênh vênh trên sườn núi, dẫu không được khang trang, hiện đại như miền xuôi nhưng khá gọn gàng, ngắn nắp. Ngoài giờ học, các em được ăn bán trú tại trường với chế độ tiền ăn, tiền gạo nhà nước hỗ trợ hàng tháng. Việc học tập của các em do đó cũng thuận lợi hơn. Bữa cơm ở trường luôn đầy đủ, tươm tất, sạch sẽ và bảo đảm dinh dưỡng cho cho các em.

Chia sẻ với những khó khăn của thầy và trò ngôi trường này, Chủ tịch Hội chữ Thập đỏ phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, không khỏi xúc động. Trước giờ, chị chỉ nghe nói và xem qua đài truyền hình, bây giờ mới được tận mắt trải nghiệm cuộc sống của thầy trò các trường vùng cao, vùng sâu vùng xa. Cuộc sống và học tập của các em học sinh rất khó khăn, các thầy cô giáo cũng rất khó khăn khi nuôi dạy các em.

Niềm vui em bé vùng cao Kỳ Sơn khi được tặng những chiếc áo ấm...

Niềm vui em bé vùng cao Kỳ Sơn khi được tặng những chiếc áo ấm...

“Tôi chỉ ước gì có thể giúp các trường, các thầy cô giáo và các em học sinh nhiều hơn nữa. Rất khâm phục các thầy cô giáo, chấp nhận mọi khó khăn để bám trường, bám lớp nuôi dạy biết bao thế hệ các em học sinh nơi đây. Hy vọng rằng có một lúc nào đó sẽ quay lại Kỳ Sơn, quay lại với những món quà ý nghĩa dành tới thầy cô, người dân và học sinh nơi mảnh đất biên cương này...”, chị Yến bộc bạch.

Khoác lên người những chiếc áo mới tinh tươm, khoác vào đôi chân những đôi dép mới, cầm trên tay những món quà sách vở...các em học sinh người Khơ Mú mỉm cười, vui vẻ. Các em đã và luôn phải đối diện với những trắc trở trên con đường đến lớp, thiếu thốn trăm bề, cuộc sống gia đình khó khăn, đến lớp tìm con chữ với mong mỏi nâng cao trình độ để sau này có cơ hội hơn trong hành trình bước vào cuộc sống, lo toan kinh tế cho bản thân, gia đình.

Những chiếc áo mới tinh tươm, những quyển vở, cây bút ấy không chỉ là món quà vật chất, mà còn là cả sự động viên khích lệ lớn với các em về mặt tinh thần. Các em luôn được đón nhận những chính sách đặc biệt hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cồng đồng, đó là điểm tựa vững vàng để các em thoát ra khỏi những hủ tục, lạc hậu và đói nghèo...

Hoàng Phạm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/voi-reo-cao-bien-gioi-ky-son-nhung-ngay-cuoi-nam-a27518.html
Zalo