Trưng bày 20 tác phẩm của cố họa sĩ Công Quốc Hà tại Không gian Văn hóa Disa
20 tác phẩm hội họa của họa sĩ Công Quốc Hà và 230 tác phẩm hội họa của các họa sĩ trong nước và quốc tế đang được trưng bày tại Không gian Văn hóa Di Sa (Long Biên, Hà Nội) nhân dịp mở cửa địa chỉ văn hóa này.
Đáng lưu ý, trong số 20 bức tranh của cố họa sĩ Công Quốc Hà là hai bức tranh phố: “Phố thời mở cửa” và “Phố mùa thu Hà Nội”. Họa sĩ Công Quốc Hà sáng tác bức tranh “Phố thời mở cửa” trong thời gian cuối của cuộc đời khi ông về nước, chứng kiến sự đổi thay không ngừng của thủ đô Hà Nội. Là một người con sinh ra và lớn lên ở phố cổ, đầy hoài niệm, với cảm xúc vui buồn lẫn lộn, ông đã vẽ nên bức tranh này.

Chị Công Nữ Hoàng Anh- con gái họa sĩ Công Quốc Hà bên tác phẩm "Phố thời mở cửa"
“Trong suy nghĩ của ba tôi là không bao giờ sống trong hoài niệm cũ. Người ta thường nói: cái cũ bao giờ cũng đẹp vì chúng ta thường hướng về quá khứ. Nhưng với họa sĩ Công Quốc Hà, ông luôn vượt qua ngưỡng của chính mình. Đó cũng là mục tiêu mà người nghệ sĩ cần phải có trong con đường sáng tác. Bức tranh “Phố thời mở cửa” tiêu biểu cho tư duy đó: Một người nhìn thấy biển lớn nhưng vẫn yêu dòng sông nhỏ”- chị Công Nữ Hoàng Anh, con gái cố họa sĩ nói.
Còn bức tranh “Phố mùa thu Hà Nội” là một tác phẩm điển hình trong dòng sáng tác về chủ đề phố của họa sĩ Công Quốc Hà, chứa đựng nhiều tình cảm về phố cũ Hà Nội, với màu sắc tươi sáng, được vẽ trên khổ lớn.

Một số bức tranh vẽ thiếu nữ của họa sĩ Công Quốc Hà cũng được giới thiệu tại triển lãm
Họa sĩ Công Quốc Hà (1955-2024), là một trong những họa sĩ tên tuổi của mỹ thuật Việt Nam đương đại. Ông sáng tác nhiều bức tranh về phố Hà Nội, về thiếu nữ và về hoa. Ngắm các tác phẩm của ông, người ta thấy một Công Quốc Hà biểu cảm dạt dào, màu sắc tự do, thư giãn khoáng đạt.
Bên cạnh đó, tại Không gian Văn hóa Disa còn trưng bày 100 bức tranh trừu tượng của thiền sư Pháp Hạnh (tên thật là Nguyễn Quang Thịnh). Ông sinh năm 1965 tại Thừa Thiên Huế, hoạt động hội họa tự do và có nhiều tác phẩm sơn dầu theo trường phái trừu tượng.

Ông Hà Huy Thanh, người điều hành Không gian Văn hóa Di Sa cho biết: với mục đích quảng bá, tôn vinh các di sản hội họa của các họa sĩ trong nước, Không gian Văn hóa Di Sa mong muốn sẽ tạo ra một cộng đồng yêu nghệ thuật, mở cửa miễn phí cho người dân và du khách tham quan. “Chúng tôi đang xây dựng một cộng đồng, dùng hội họa như một sản phẩm văn hóa để chia sẻ, truyền tải thông điệp văn hóa. Tới đây, Không gian Văn hóa Di Sa sẽ tổ chức các cuộc trưng bày theo chủ đề, các hội thảo khoa học và cuộc thi sáng tác hội họa, kết nối nghệ sĩ, nhà sưu tập và cộng đồng không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài”- ông Hà Huy Thanh nói.