Trục đô thị biển vươn mình phát triển

Sau giải phóng, khu vực bờ biển của tỉnh chủ yếu là bãi cát hoang và lác đác rừng dương chắn cát. Các địa phương ven biển cũng chỉ sản xuất nông, thủy sản gắn với đồng lúa Tuy Hòa và nghề câu cá ngừ đại dương. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cùng với quá trình kiến thiết, phát triển mảnh đất Phú Yên, nơi đây từng bước trở thành khu vực du lịch, dịch vụ sầm uất, là động lực phát triển kinh tế cả tỉnh.

Tháp Nghinh Phong là công trình điểm nhấn của chuỗi đô thị biển, là biểu tượng của mảnh đất và con người Phú Yên với khát vọng vươn mình ra biển. Ảnh: CTV

Tháp Nghinh Phong là công trình điểm nhấn của chuỗi đô thị biển, là biểu tượng của mảnh đất và con người Phú Yên với khát vọng vươn mình ra biển. Ảnh: CTV

Hình thành trục đô thị biển

Từ năm 1976-1989, khu vực biển của tỉnh gắn với 3 huyện Tuy Hòa, Sông Cầu, Tuy An. Giai đoạn này, cả ba địa phương chỉ là các huyện thuần nông, hạ tầng lên đô thị gần như không được đầu tư. Sau tái lập tỉnh (ngày 1/7/1989), Tuy Hòa trở thành thị xã tỉnh lỵ Phú Yên. Từ đó đến nay, trục đô thị biển của tỉnh dần hình thành và phát triển, trong đó ghi dấu những mốc quan trọng như Tuy Hòa từ thị xã trở thành thành phố vào năm 2005. Cùng năm đó, huyện Đông Hòa được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Tuy Hòa cũ. Năm 2009, Sông Cầu từ huyện lên thị xã. Năm 2020, TX Đông Hòa đi vào hoạt động. Năm 2024, HĐND tỉnh thông qua chủ trương thành lập các phường thuộc TX Sông Cầu và thành lập TP Sông Cầu. Hiện trục đô thị biển ôm trọn các đô thị trọng điểm của tỉnh, gắn với 4 địa phương ven biển gồm TX Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, TX Đông Hòa.

Đảng viên 51 tuổi đảng Hồ Thị Nhân ở khu phố Nam Bình 1 (phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa) nhớ lại: Sau giải phóng, Đông Hòa vẫn thuộc Tuy Hòa. Đời sống kinh tế lúc đó rất khó khăn, giao thông đi lại chủ yếu đường đất còn nhà cao tầng rất ít. Dọc khu vực biển rất hoang sơ và đơn điệu, chủ yếu người dân ra đó tắm biển, câu cá gần bờ. Theo thời gian, đường, kè biển được xây dựng, khoảng cách từ Đông Hòa đi Tuy Hòa cũng gần hơn. Không chỉ biển Tuy Hòa mà biển Phú Hiệp dần trở thành nơi thu hút người dân, du khách trong và ngoài nước tới tắm biển, ngắm bình minh, từ đó các dịch vụ dần nở rộ.

Chương trình hành động 19 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định chuỗi đô thị ven biển là trục động lực chính, kinh tế đô thị ven biển chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh. Đây là khu vực kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao nhất tỉnh, đến năm 2025 sẽ hình thành chuỗi đô thị liền kề nhau có trình độ phát triển cao. Trong đó, Tuy Hòa là trung tâm tỉnh lỵ, có vai trò động lực chính thúc đẩy đô thị hóa theo chiều sâu. Sông Cầu là đô thị du lịch - dịch vụ, là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, lấy khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài là trung tâm động lực phát triển. Đông Hòa là đô thị công nghiệp - dịch vụ, với động lực chính là KKT Nam Phú Yên. Tuy An là đô thị dịch vụ - du lịch với 9 di tích danh thắng cấp quốc gia, trong đó, di tích thắng cảnh đầm Ô Loan và gành Đá Đĩa là tài nguyên tạo động lực phát triển.

Đầu tư hạ tầng nâng tầm phát triển

Chương trình hành động 19 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ đạo tập trung đầu tư tuyến giao thông động lực biển để kết nối các đô thị ven biển. Theo UBND tỉnh, tuyến đường bộ ven biển Phú Yên có chiều dài khoảng 132,5km, trong đó đã hoàn thành 95,5km; kế hoạch đến năm 2027, tiếp tục hoàn thành thêm 14,7km nối Tuy An với TP Tuy Hòa. Khi hoàn thành, đây sẽ là tuyến giao thông song song với quốc lộ 1, góp phần tạo kết nối giữa các đô thị biển của tỉnh.

Theo UBND huyện Tuy An, hiện địa phương đã thu hồi 749/859 thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án; phê duyệt và chi trả bồi thường cho 226 hộ và bàn giao 3,8km mặt bằng cho đơn vị thi công. Huyện phấn đấu trong quý II/2025, đảm bảo mặt bằng sạch bàn giao chủ đầu tư để tuyến đường bộ ven biển nối Tuy An với Tuy Hòa sớm được thi công và đưa vào sử dụng theo đúng kế hoạch.

Tuyến đường bộ ven biển từ TX Sông Cầu qua thắng cảnh quốc gia Vịnh Xuân Đài đến huyện Tuy An qua đầm Ô Loan, gắn kết một loạt danh thắng nổi tiếng như gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến; tới TP Tuy Hòa chạm nút giao thông Nguyễn Hữu Thọ - Độc Lập. Ít người biết đường rằng đoạn bờ biển từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Huệ chính là phễu gió gây tác động lớn đến vùng bờ, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển du lịch biển. Nhưng hiện tại, nhờ được đầu tư hạ tầng, khu vực này trở thành không gian kiến trúc đô thị độc đáo và sầm uất với một loạt công trình như tháp Nghinh Phong, công viên văn hóa đá, đài phun nước... Điểm yếu của tự nhiên được hạn chế, biến nơi đây thành điểm du lịch lý tưởng.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, chuỗi đô thị ven biển là trục động lực chính, kinh tế đô thị ven biển chiếm trên 75% tiềm lực kinh tế của tỉnh. Đây là khu vực kinh tế trọng điểm, có trình độ phát triển cao nhất tỉnh.

Ông Lê Văn Thứng, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh cho biết: Từ năm 1976, đoạn bãi ngang TP Tuy Hòa được trồng cây trong nhiều năm nhưng đều không thành công. Mãi đến sau năm 1989, tỉnh Phú Yên đầu tư dải cây xanh ven bờ nhằm bảo vệ khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch… nên hình thành dải rừng dương chắn sóng, cát. Đáp ứng nhu cầu phát triển mới, khu vực biển được khai thác theo hướng du lịch, dịch vụ nên tỉnh tiếp tục xây dựng nhiều công trình kiến trúc giá trị. Tháp Nghinh Phong trở thành biểu tượng của tỉnh Phú Yên bởi nó không chỉ là công trình kiến trúc hiện đại, thẩm mỹ cao mà còn mang tinh thần vươn mình ra biển, chinh phục thiên nhiên. Biển Tuy Hòa nói riêng và khu vực biển của tỉnh nói chung kéo dài từ cửa sông Đồng Nai (TP Tuy Hòa) đến cửa Đà Nông của sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa) sau 50 năm từ vùng bãi ngang hoang hóa đến rừng phi lao xanh trải dài ít giá trị kinh tế tới hiện tại là khu vực vui chơi, tắm biển, nghỉ dưỡng cao cấp.

Trục động lực kinh tế du lịch - dịch vụ

Biển định hình không gian phát triển cho Phú Yên từ xưa đến nay. Khu vực biển của tỉnh với bờ biển dài 189km gắn với chuỗi danh thắng nổi tiếng là tiềm năng lớn cho việc đẩy mạnh du lịch, dịch vụ. Theo ông Hồ Quang Đệ, Bí thư Thị ủy Sông Cầu, năm qua hoạt động du lịch của thị xã có nhiều khởi sắc, nhất là du lịch biển, nghỉ dưỡng, sinh thái. Khách du lịch đến địa phương đạt 760.000 lượt người, trong đó khách quốc tế 17.800 lượt. Tổng thu nhập từ du lịch đạt 699 tỉ đồng. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai với nhiều hình thức phong phú. Các sản phẩm, loại hình du lịch ngày càng đa dạng. Các cơ sở lưu trú có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch từng bước hoàn thiện, đáp ứng cơ bản nhu cầu của du khách.

Năm 2025 đánh dấu TP Tuy Hòa tròn 20 năm thành lập. Trong hành trình ấy, TP Tuy Hòa từ thị xã thuần nông vươn mình trở thành đô thị năng động với quy mô nền kinh tế tăng gấp 10,4 lần; thu nhập bình quân đầu người gấp 7,1 lần; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ. Theo UBND TP Tuy Hòa, năm 2005 thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 39,1% trong cơ cấu kinh tế thành phố. 20 năm sau, tỉ trọng ngành này chiếm tới 54,5%.

TS Ngô Trung Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho biết: Việc Phú Yên lấy chuỗi đô thị biển là trục động lực nằm trong sự phát triển chung của các đô thị tại Việt Nam. Đó là các đô thị chủ yếu đóng ở ven biển và tận dụng vị trí bám biển. Là tỉnh đi sau nên lợi thế của Phú Yên là khả năng linh hoạt khi phát triển đô thị theo quy hoạch ở tầm nhìn dài hạn, dễ dàng hình thành kiến trúc ven biển vừa hiện đại kết hợp bản sắc địa phương, có điểm nhấn và thích ứng chống chịu với thiên tai.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202503/truc-do-thi-bien-vuon-minh-phat-trien-4e35968/
Zalo