Trưa nay, Hà Nội ô nhiễm không khí top đầu thế giới
12h ngày 23/12, không khí Hà Nội ô nhiễm thứ 6 thế giới với chỉ số AQI là 198, ở ngưỡng không lành mạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hôm nay (23/12), Hà Nội tiếp tục nắng hanh, đêm không mưa, sáng sớm có nơi có sương mù với nhiệt độ thấp nhất ngày dao động 12-15 độ C, cao nhất phổ biến 20-23 độ C.
Chất lượng không khí Hà Nội đang ở ngưỡng không lành mạnh với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 198, tiệm cận ngưỡng rất không tốt cho sức khỏe (201-300), và xếp hạng thứ 6 trong top 10 thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới. Số liệu này được cập nhật trên trang IQAir lúc 12h ngày 23/12.
Dự báo trong những giờ tới, chất lượng không khí ở Hà Nội tiếp tục duy trì ở ngưỡng không lành mạnh. Ở ngưỡng này, người nhạy cảm có thể gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, người bình thường ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngoài ra, theo PAM Air (kênh thông tin tham khảo chất lượng không khí)), lúc 11h hôm nay, một số khu vực tại TP Hà Nội được cảnh báo chất lượng không khí rất có hại cho sức khỏe như Đội Cân (quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ số AQI là 285, Chùa Láng (quận Đống Đa) 247, Kim Mã (Ba Đình) 217, thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh) 251.
Hiện nay đang mùa hanh khô, chất lượng không khí ở Hà Nội có sự chuyển biến xấu.
Trước đó, chiều 14/11, tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho rằng, cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội hiện là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới.
Thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững.
Dân số Hà Nội hiện có hơn 9 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm hơn 40%. Thành phố có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe máy và hơn 600.000 ô tô. Mỗi ngày, Hà Nội tiêu thụ khoảng 80 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng, dầu, chưa kể đến tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát diễn ra thường xuyên - các nguồn phát thải lớn, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Trước tình hình này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp, như loại bỏ hơn 99% bếp than tổ ong, giảm 80% đốt rơm rạ ở ngoại thành, loại bỏ hàng trăm lò gạch thủ công... Thành phố cũng triển khai thí điểm đo kiểm tra khí thải xe máy cũ, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, giám sát các công trình xây dựng và thực hiện vệ sinh đường phố thường xuyên, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.