Đường đua AI, lợi thế thuộc về ai?

Với niềm tin rằng, sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra làn sóng tăng trưởng lớn tiếp theo, toàn cầu đang được kéo vào 'đường đua' AI.

AI mang lại tiềm năng khổng lồ và thực tế đã cho thấy, đây là một đòn bẩy then chốt để đạt được ưu thế kinh tế. (Nguồn: Ảnh tạo bởi ChatGPT)

AI mang lại tiềm năng khổng lồ và thực tế đã cho thấy, đây là một đòn bẩy then chốt để đạt được ưu thế kinh tế. (Nguồn: Ảnh tạo bởi ChatGPT)

AI đang trải qua giai đoạn thay đổi lớn, khi các nền kinh tế thế giới đều có những động thái quyết liệt để củng cố và bảo đảm vị thế của mình trong kỷ nguyên chạy đua công nghệ. Washington cam kết hơn 500 tỷ USD (Dự án Stargate do OpenAI của Mỹ cùng với SoftBank của Nhật Bản dẫn đầu) để tăng cường năng lực AI.

Trong khi DeepSeek của Trung Quốc đã làm nên cuộc cách mạng với các mô hình AI tiết kiệm chi phí, đưa nước này tiến xa hơn nhiều năm trên đường đua khốc liệt.

Trong cuộc chạy đua toàn cầu này, phản ứng của Ấn Độ chỉ đứng sau Mỹ. Người Ấn Độ tin rằng họ sở hữu những tài năng toán học và công nghệ tốt nhất thế giới, vậy tại sao họ không tự sản xuất ChatGPT hoặc DeepSeek? “Sứ mệnh của Ấn Độ” trong cuộc cách mạng AI - mới được Thủ tướng Narendra Modi công bố - tham vọng là một “thế lực toàn cầu” then chốt, không chỉ là người tiêu dùng AI, mà phải đóng vai trò đổi mới, đào tạo và triển khai AI.

Tất nhiên, trên đường đua AI còn nhiều “thế lực lớn, nhỏ” khác…

Tăng tốc

Vào đêm trước Hội nghị thượng đỉnh Hành động AI tại thủ đô Paris (10-11/2), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố khoản đầu tư 109 tỷ Euro làm nền tảng để Pháp tham gia đường đua dẫn đầu về AI. Động thái này được cho là thể hiện quyết tâm của một nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm đưa chất xúc tác để “lục địa già” tăng tốc trong cuộc đua công nghệ toàn cầu.

Các công ty khởi nghiệp châu Âu từ lâu bị đánh giá - tụt lại phía sau so với các đối thủ Mỹ và Trung Quốc, khi họ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn do thiếu nguồn tài trợ, khả năng tiếp cận tài nguyên… Nhưng khoản đầu tư khủng nói trên, “đối với Pháp, điều này tương đương với những gì Mỹ đã công bố về Stargate”, ông Macron tin tưởng.

Mỹ vẫn được coi là quốc gia dẫn đầu không thể tranh cãi trên đường đua AI, với những tên tuổi nổi bật của thung lũng Silicon như Google, OpenAI và Nvidia. Vị thế thống trị của Mỹ được củng cố nhờ nguồn tài trợ “khủng” từ không chỉ chính phủ, mà còn từ dòng vốn đầu tư mạo hiểm và cả một nền văn hóa đổi mới sáng tạo.

Vai trò lãnh đạo của Mỹ không chỉ giới hạn trong sức mạnh kinh tế và quân sự. AI thậm chí đã trở thành một loại quyền lực mềm, tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của xứ cờ hoa. Minh họa cho vai trò dẫn đầu của Mỹ trong ngành công nghiệp AI là ChatGPT, xe tự lái Tesla… những công cụ hữu hiệu đã “xuất khẩu” giá trị Mỹ về đổi mới, về tinh thần doanh nhân, về công nghệ đột phá, về chấp nhận rủi ro, qua đó thu hút tài năng từ các nước khác trên thế giới.

Mỹ đã thống trị AI trong một thời gian dài, nhưng sự trỗi dậy bất ngờ của DeepSeek - công ty khởi nghiệp công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, đã tạo nên “cú sốc”.

Không rõ có sự tính toán nào không, nhưng mô hình AI gây chấn động của Bắc Kinh đã “làm mưa, làm gió” đúng thời điểm ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng (ngày 20/1). Càng sốc hơn khi chỉ một tuần sau đó, dịch vụ của DeepSeek đã thu hút nhiều người sử dụng hơn cả các “ông lớn lâu năm” như OpenAI hay Google. Cổ phiếu của nhiều tập đoàn Mỹ trong lĩnh vực chip bán dẫn và AI “bốc hơi” hàng trăm tỷ USD.

Thế kỷ XXI đã chứng kiến sự phát triển của AI từ nỗ lực khoa học chuyên biệt trở thành một lực lượng toàn cầu mang tính chuyển đổi. Các sáng kiến như công nghệ máy học, AI tạo sinh… hiện là nền tảng của các ngành công nghiệp từ y tế đến quốc phòng, tái cấu trúc nền kinh tế và định nghĩa lại quyền lực địa chính trị.

Theo Công ty kiểm toán PwC, đến năm 2030, ước tính AI sẽ đóng góp hơn 15.000 tỷ USD vào GDP toàn cầu. AI mang lại tiềm năng khổng lồ và thực tế đã cho thấy, đây là đòn bẩy then chốt để đạt được ưu thế kinh tế, trong đó, các quốc gia dẫn đầu sẽ giành lợi thế cạnh tranh trong năng suất, đổi mới sáng tạo, kể cả năng lực quân sự…

“Cách mạng” DeepSeek

Sau thời điểm thế giới choáng váng về đột phá bất ngờ của DeepSeek, giới trong ngành nhận định, AI của Trung Quốc thực tế không có nhiều điểm mạnh hay thực sự tạo đột phá vượt trội trên thị trường. Tuy nhiên, DeepSeek được cho là đã làm thay đổi “cuộc chơi công nghệ AI toàn cầu” với chi phí tiết kiệm bất ngờ mà vẫn hiệu quả - có thể nói là đủ cạnh tranh, thậm chí có thể vượt qua các AI khác hiện có trên thị trường về hiệu suất, bởi đã tối ưu hóa được nhiều yếu tố.

Bỏ qua yếu tố kỹ thuật, giới quan sát thừa nhận DeepSeek đã tiến hành thành công đòn “chiến tranh tâm lý” ngoạn mục. Trong khi vị trí dẫn đầu của những người khổng lồ công nghệ Mỹ như OpenAI và Meta vẫn đang làm lu mờ mọi tiến bộ của mọi đối thủ, một tên tuổi mới nổi lại trở thành tâm điểm chú ý – “công bố” vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua AI toàn cầu. Đặc biệt, chi phí cực thấp - chỉ 6 triệu USD của DeepSeek đã đưa ra một “chuẩn mới” trong phát triển.

Thế mạnh của AI Trung Quốc được quảng bá ít tốn kém hơn rất nhiều nhưng hiệu quả không thua kém bất kỳ sản phẩm nào, gây hoài nghi về sức mạnh Mỹ - đúng lúc Tổng thống Trump tung Dự án Stargate trị giá 500 tỷ USD nhằm khẳng định vị trí số một.

Thực tế là, những ngày DeepSeek “lên ngôi” cũng là những ngày tồi tệ nhất đối với các chỉ số chứng khoán công nghệ Mỹ. Cổ phiếu của Nvidia hay Meta chịu tổn thất đáng kể, cổ phiếu Nvidia đã giảm hơn 12%. Sự sụt giảm này được cho là do lo ngại ngành công nghệ Mỹ tụt hậu và Trung Quốc đã chiếm được lợi thế trên đường đua.

DeepSeek khiến các nhà đầu tư đánh giá lại bức tranh cạnh tranh trong ngành AI, làm gia tăng lo ngại về tính bền vững vai trò thống trị công nghệ của Mỹ trong thời gian tới. Đã có những lo ngại - liệu các công ty Mỹ đã được định giá quá cao và được đặt quá nhiều kỳ vọng với các tiến bộ về AI?

Mô hình AI chi phí thấp được Tổng thống Donald Trump gọi là một “cảnh báo” đối với các công ty công nghệ Mỹ. Hiện tượng gây chấn động này đã đánh thức cả thế giới, là “hồi chuông cảnh báo” - đến lúc châu Âu phải cấp tốc phát triển AI để tránh tụt hậu, theo tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh hành động AI.

Tất nhiên, thực hư chi phí 6 triệu USD của DeepSeek vẫn còn nhiều tranh cãi. Việc ra mắt DeepSeek có thể dần chìm vào quên lãng khi có các đối thủ khác vượt lên. Tuy nhiên, DeepSeek không chỉ dừng lại ở giá trị biểu tượng, cũng không chỉ là chiến thắng về mặt công nghệ, đây còn được coi là bước tiến chiến lược trên phương diện thương mại và địa chính trị của Trung Quốc với nguồn phương tiện và nhân lực hạn chế hơn.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/duong-dua-ai-loi-the-thuoc-ve-ai-304960.html
Zalo