Trọn niềm tin vào tương lai phát triển phồn vinh, thịnh vượng
Giữa những bộn bề thường nhật, hôm qua, 14.5, cử tri, Nhân dân cả nước đã cùng hướng về Hội trường Diên Hồng - nơi các đại biểu đang gánh trên vai trọng trách lịch sử - thảo luận và quyết định về những sửa đổi, bổ sung mang tính nền tảng cho Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bày tỏ ủng hộ và đồng thuận, cử tri đánh giá phiên thảo luận toàn thể tại hội trường đã thể hiện sinh động của ý chí toàn dân, nơi kỳ vọng, niềm tin vào một Việt Nam phát triển, cường thịnh được gửi trao trọn vẹn.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: Hồ Long
Khởi đầu lớn cho cuộc cách mạng quản trị quốc gia
Với cử tri, Nhân dân cả nước, phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) không chỉ đơn thuần là một phiên làm việc thuộc chương trình nghị sự của Quốc hội mà còn trở nên đặc biệt hơn là ghi lại đầy đủ tâm huyết, trách nhiệm của từng ĐBQH đối với những thay đổi nhằm định hình tương lai của cả dân tộc. Những diễn biến từ nghị trường được cử tri theo dõi sát sao, với niềm tin rằng những quyết sách được đưa ra sẽ mở ra một chương mới tươi sáng hơn cho sự phát triển của Việt Nam, nơi quyền làm chủ của Nhân dân được thực sự tôn trọng và phát huy, kiến tạo một tương lai phồn vinh, hạnh phúc.

Người dân khu 4, phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long) cũng trao đổi về các nội dung tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Ảnh: Thanh Tùng
Sự quan tâm đặc biệt này càng được nhân lên khi những chỉ đạo, định hướng, những quyết tâm của của Đảng và Nhà nước trước đó đã được truyền tải rộng rãi đến cử tri, Nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Một trong những nội dung then chốt được Quốc hội thảo luận sôi nổi là việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính. Cùng với đó, là việc làm rõ hơn vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị. Những nội dung này nhận được sự quan tâm đặc biệt bởi liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp Nhân dân.
Cử tri Đinh Thái Sơn (Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 11, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) chia sẻ: “Chúng tôi đã chờ đợi những thay đổi này từ lâu. Bộ máy cồng kềnh vừa gây tốn kém, vừa làm chậm trễ nhiều việc. Tôi tin rằng việc sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy sẽ giúp chính quyền gần dân hơn, giải quyết các vấn đề của người dân nhanh chóng và hiệu quả hơn".
Cùng quan điểm, cử tri Trần Văn Nam (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) khẳng định, việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu của bộ máy hành chính là một quyết định dũng cảm. Điều cử tri quan tâm là quá trình thực hiện phải minh bạch, công khai, có lộ trình rõ ràng và chuẩn bị kỹ lưỡng đều đã được thể hiện thông qua phiên thảo luận sôi nổi hôm qua. "Chứng kiến các đại biểu thảo luận, phân tích, đánh giá sâu sắc những tác động có thể xảy ra khi không tổ chức cấp huyện, cử tri cảm nhận được sự cẩn trọng, tinh thần trách nhiệm cao của Quốc hội trong vai trò lập pháp, quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia”, cử tri Trần Văn Nam nói.
Khẳng định bản chất dân chủ, vì dân
Trước thềm phiên thảo luận này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có những chỉ đạo quyết liệt về việc cần "tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013" và bảo đảm "lấy ý kiến Nhân dân đúng tiến độ". Qua phiên thảo luận tại Quốc hội, sự coi trọng của Đảng, Nhà nước đối với ý kiến của Nhân dân trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật càng được khẳng định.

Lực lượng công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tận tình hỗ trợ người dân tham gia ý kiến sửa đổi Hiến pháp trên ứng dụng VNeID. Ảnh: Thạc Hiếu
Cử tri Trần Thị Thu Hiền (TP. Bà Rịa, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, chị rất phấn khởi rất vì quá trình lấy ý kiến Nhân dân hết sức được coi trọng. Các hình thức lấy ý kiến cũng được triển khai đa dạng qua nhiều hình thức và đều hết sức thuận lợi. “Chỉ cần mở ứng dụng VNeID trên điện thoại là có thể dễ dàng truy cập, đọc toàn văn dự thảo và trực tiếp gửi ý kiến góp ý. Đây thực sự là một bước tiến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, phục vụ Nhân dân hiệu quả, thiết thực, đúng với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, cử tri Trần Thị Thu Hiền nói.
Với cử tri Vũ Văn Nhỏ (cán bộ hưu trí quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội), sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại, có ý nghĩa sâu sắc trong tiến trình phát triển đất nước. Hiến pháp không chỉ là đạo luật gốc, nền tảng cho hệ thống pháp luật quốc gia mà còn là bản cam kết chính trị giữa Nhà nước và Nhân dân. Việc Nhân dân được tham vấn ý kiến rộng rãi đã khẳng định bản chất dân chủ, vì dân của Nhà nước ta.
Trách nhiệm lịch sử trên vai mỗi đại biểu
Theo dõi phiên thảo luận qua các phương tiện truyền thông đại chúng, Nhân dân cả nước còn đặc biệt chú trọng đến thái độ, tinh thần làm việc của các ĐBQH. Cử tri Nguyễn Trường An (TP. Lào Cai, Lào Cai) nhấn mạnh, trên vai mỗi đại biểu là trách nhiệm rất lớn, một trách nhiệm lịch sử. Những quyết định ngày hôm nay sẽ có tác động sâu rộng đến tương lai của đất nước. “Chúng tôi tin tưởng các đại biểu đã và sẽ làm việc với tinh thần trách nhiệm, đặt lợi ích của quốc gia, của dân tộc lên trên hết", cử tri Nguyễn Trường An cho biết.

UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Ảnh: H.H
Những chia sẻ của cử tri tỉnh Lào Cai cũng là kỳ vọng chung của đông đảo cử tri, Nhân dân các tỉnh, thành phố khi được hỏi trước những thay đổi mang tính lịch sử sắp tới của đất nước. Nhiều cử tri đã dẫn lại phát biểu trước đó của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi khẳng định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 là "mở đầu quan trọng, tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia trong kỷ nguyên mới".
Phát biểu của người đứng đầu Quốc hội đã truyền tải mạnh mẽ thông điệp về quyết tâm đổi mới và khát vọng phát triển đất nước trên vai những người làm công tác lập pháp và nhận được sự ủng hộ, tin tưởng rất cao từ cử tri, Nhân dân. Cử tri Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc một Doanh nghiệp tư nhân tại TP. Đà Nẵng, bày tỏ: "Cải cách thể chế là chìa khóa để đất nước phát triển. Chúng tôi ủng hộ Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp để mở ra những không gian, dư địa, động lực mới cho sự phát triển của quốc gia".
Từ nay đến ngày Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 được chính thức thông qua sẽ còn khối lượng công việc rất lớn cần phải làm. Cử tri tin rằng, những tâm tư, nguyện vọng và từng đòi hỏi gấp gáp đang đặt ra từ thực tiễn sẽ được Quốc hội, các ĐBQH lắng nghe, thấu hiểu để từng nội dung sửa đổi, bổ sung sau khi được quyết nghị sẽ trở lại ngay với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và cuộc sống Nhân dân. Vì lẽ đó, những diễn biến từ nghị trường Quốc hội chắc chắn sẽ tiếp tục được quan tâm, theo sát với kỳ vọng vào kỷ nguyên phát triển hùng cường của dân tộc và niềm tin quyền làm chủ của Nhân dân được thực sự tôn trọng, phát huy.