Trọn đời viết về Đảng, Bác Hồ
Miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, PGS, TS Đàm Đức Vượng, nguyên Phó viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng; nguyên Vụ trưởng, Chánh văn phòng, Thư ký khoa học chuyên trách tại Hội đồng Lý luận Trung ương đã dành cả cuộc đời để viết về Đảng, Bác Hồ. Những trang viết của ông không chỉ là sử liệu mà còn là lời tri ân, nguyện trung thành với lý tưởng cộng sản.
Người kể chuyện bằng tấm lòng tôn kính
Chiều hè nắng đổ, ngồi trong phòng bỗng tiếng điện thoại reo. Tôi nhấc máy rồi bước ra ngoài hiên, niềm vui bất ngờ như làn gió mát xua đi cái oi bức của tiết trời chính hạ. Người chuyển quà đã trao tôi cuốn sách của PGS, TS Đàm Đức Vượng với tựa đề “Hồ Chí Minh và Đảng ca” xuất bản năm 2025 viết về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lần theo từng trang viết, tôi mải miết đọc và cảm nhận ông không đơn thuần nghiên cứu, trình bày những tư liệu sử học mà là một người kể chuyện về Đảng, Bác Hồ bằng tấm lòng tôn kính. Lời nói đầu cuốn sách đã nhấn mạnh: Từ trước đến nay, chưa có ai viết về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam bằng thơ lục bát dài 6.526 câu với hơn 1.000 chú thích rất có giá trị. Đây là tập thơ trữ tình và triết lý. Thơ trữ tình để nói về tình cảm của con người đối với con người, đối với dân tộc. Thơ triết lý là thơ khoa học, mô tả đúng con người, sự kiện. Ông muốn đem sự nhạy cảm của thơ triết lý để phân tích, lý giải về những con người trong một tổ chức. Tấm lòng với Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu được ông ký gửi qua hàng nghìn câu thơ chan chứa ân tình.

PGS, TS Đàm Đức Vượng miệt mài nghiên cứu tư liệu về lịch sử Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỨC NAM
Sau khi đọc cuốn sách, tôi đến thăm ông khi nắng mai phủ nhẹ trên những tán bằng lăng nở đầy sắc tím. Nhà ông ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Khác với ồn ào ngoài phố thị, tư gia của ông trong khu chung cư các Ban Đảng Trung ương tĩnh lặng với rất nhiều sách. Ở tuổi 84, tai ông nghe hơi khó nhưng khi hỏi chuyện thì ông say sưa kể. Cuộc đời ông tự nguyện đến với cách mạng, miệt mài công tác, say mê nghiên cứu, viết về Đảng, Bác Hồ.
Ông Đàm Đức Vượng sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại ngôi làng cổ Dịch Diệp của tỉnh Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình), vì thế, có lúc ông lấy bút danh trong các bài báo là Thành Nam. Hồi nhỏ, cậu bé Vượng thường được thân mẫu là bà Phạm Thị Miến đưa đi vãn cảnh, nghe kinh Phật tại chùa Dịch Diệp và chùa Cổ Lễ cho tâm trong, trí sáng. Năm 1954, khi thân phụ là ông Đàm Tấn Trác mở xưởng đúc trên thành phố Nam Định, nam sinh Đức Vượng được đưa lên học trường Diên Hồng. Thế rồi biến cố gia đình xảy ra năm 1956, thân phụ mất, cuộc sống khó khăn, Vượng xin mẹ nghỉ học, ra Hà Nội làm thuê cho xưởng đúc đồng, nhôm Đông Thành tại phố Cát Linh. Thanh niên Vượng chăm chỉ làm dù công việc rất nặng nhọc, hao tổn nhiều sức lực. Mỗi khi đổ gang nóng chảy vào khuôn, anh đã suy nghĩ: Từ đống quặng để thành vật dụng có ích phải qua lò luyện nhiệt độ rất cao. Suy ra, con người muốn có ích phải chịu khó học hành, luyện rèn qua nhiều môi trường khắc nghiệt mới hy vọng thành công.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên, tháng 2-1960, thanh niên Đàm Đức Vượng nhập ngũ và được biên chế vào Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn 12). Ngày luyện tập trên thao trường, đêm hành quân dã ngoại, những bước chân của người chiến sĩ trẻ đã in dấu qua bao núi đồi. Khi nghỉ giải lao, để động viên đồng đội, anh đọc câu thơ: “Hành quân dã ngoại qua Trung Giã/ Vào giữa mùa đông gió rét sương/ Trái tim người lính không băng giá/ Sẽ ấm dần lên trong tình thương”.
Đồng chí Vượng rất chịu khó khổ rèn, miệt mài học tập chính trị, quân sự. Anh làm tốt công tác Đoàn, vận động thanh niên học tập theo gương Bác Hồ. Tích cực rèn luyện phấn đấu, tháng 8-1962, Tiểu đội trưởng Đàm Đức Vượng vinh dự được kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi.
Sau 3 năm rèn luyện trong quân ngũ, Đàm Đức Vượng về làm trong Xí nghiệp Cơ khí Đồng Tháp (Hà Nội). Tại đây, anh mang hết sức lực để sản xuất và công tác nên được đồng nghiệp tín nhiệm. Thế rồi, đồng chí Vượng được bầu làm Bí thư Chi bộ, sau làm Chánh văn phòng Đảng ủy Xí nghiệp. Anh được tổ chức cử đi học lý luận chính trị tại Trường Đảng Lê Hồng Phong. Kỷ niệm về ngôi trường mang tên Tổng Bí thư, học viên Đức Vượng đã viết một số bài ca ngợi đồng chí Lê Hồng Phong, đăng trên các báo và tạp chí. Thời gian học tập, anh còn viết nhiều bài về đảng viên và vai trò lãnh đạo của Đảng, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hiệu trưởng Trường Đảng Lê Hồng Phong cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho anh đạt loại giỏi cả 3 môn: Lịch sử Đảng; Đường lối, chính sách; Kinh tế chính trị học.
Nhiều năm, anh làm cộng tác viên tích cực của Đài Truyền thanh Hà Nội và Báo Hà Nội mới với Chuyên mục “Người tốt, việc tốt”. Sau này anh được điều động về làm việc tại Đài Truyền thanh Hà Nội (nay là Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội). Những năm máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, Đức Vượng đi khắp nơi tác nghiệp. Có khi anh đạp xe về thăm tổ ấm tại khu nhà lợp giấy dầu trong khuôn viên Xí nghiệp May 10. Ngồi cùng vợ con bên mâm cơm đạm bạc, anh kể về lần tránh bom thoát chết khi qua cầu Long Biên. Dẫu có khó khăn, hiểm nguy nhưng anh luôn thể hiện sự lạc quan, một niềm tin không lay chuyển khi cuộc đời gắn chặt với Đảng, với cách mạng.
Thấm đẫm lý tưởng cộng sản
Lúc là cán bộ ở cơ sở, ông Đàm Đức Vượng đã miệt mài học bổ túc văn hóa, viết báo. Để rồi từ những dòng chữ giản dị ấy, ông bước vào con đường lý luận với bản lĩnh kiên cường và niềm say mê bất tận. Nhiều người đã hỏi vì sao một người sống kham khổ từ nhỏ, sớm phải nghỉ học để mưu sinh giữa phố xá Hà Nội bằng nghề đúc đồng lại có thể tiến xa trên con đường học thuật? Và rồi những thành quả ông đạt được đã trả lời điều đó. Ông đã dấn thân và tận hiến khi thấm đẫm trong mình lý tưởng cộng sản cao đẹp.
Bước ngoặt quyết định cuộc đời khi ông được tổ chức điều động về làm việc tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Hành trang mang theo là tri thức, niềm tin tuyệt đối về Đảng và sự kính yêu vô hạn với Bác Hồ để người cán bộ vững bước trên con đường mới vẻ vang, nhưng cũng lắm nhọc nhằn. Năm 1976, đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương sau khi đọc một số bài viết của Đức Vượng về xây dựng Đảng từ cơ sở đã gửi lời khen.
Cùng với nghiên cứu lịch sử Đảng, lý luận Mác-Lênin, đồng chí Đàm Đức Vượng tích cực nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1986, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (năm 1998 nâng cấp thành Tiến sĩ) với đề tài “Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) từ chủ nghĩa yêu nước đến Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Luận án phân tích về chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Ái Quốc. Và từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Luận án bảo vệ thành công, GS Nguyễn Vịnh, Viện trưởng Viện Mác-Lênin, Chủ tịch Hội đồng đã bắt tay nghiên cứu sinh Đàm Đức Vượng và nói: “Chú là người đầu tiên ở Viện Mác-Lênin và ở Việt Nam bảo vệ thành công luận án về đề tài Hồ Chí Minh”. Năm 1992, ông Đàm Đức Vượng được phong học hàm PGS Sử học.
PGS, TS Đàm Đức Vượng đam mê nghiên cứu khoa học và viết sách, đặc biệt viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông tâm sự: “Khi viết về Bác Hồ, trong lòng bừng lên sự hào hứng lạ kỳ. Bởi lẽ, Người là hiện thân của những gì cao đẹp nhất, có sức truyền cảm hứng và lay động lòng người”. Mỗi tác phẩm ông viết ra như những đóa sen ngát hương kính dâng lên Bác Hồ. Tác phẩm đầu tiên là “Chủ tịch Hồ Chí Minh tiểu sử và sự nghiệp”. Sau đó là sách: “Hành trình cứu nước của Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh đào tạo cán bộ và trọng dụng nhân tài” , “Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập”...
Bên cạnh những tác phẩm về Bác Hồ, ông còn viết nhiều sách về các đồng chí lãnh đạo Đảng ta như: “Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng”, “Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng”, “Tổng Bí thư Trường Chinh”... Ông đứng tên chủ biên: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 5, 1995), Văn kiện Đảng toàn tập (tập 49, 2007); đồng chủ biên với Nguyễn Quý: Hồ Chí Minh toàn tập (tập 1, 1998)...
Những nghiên cứu, tác phẩm của PGS, TS Đàm Đức Vượng đều có mạch nguồn đó là tình yêu sâu sắc với Đảng Cộng sản Việt Nam, là niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng mà ông đã theo từ tuổi nhỏ. Ông là người viết có tâm, đã chắt lọc từ thực tiễn cách mạng cùng bao biến thiên của cuộc đời thành những dòng thơ, trang sách sống động, sâu sắc.
Trong lời tự bạch nghỉ hưu năm 2007, PGS, TS Đàm Đức Vượng đã viết “Tóc xanh nay đã bạc màu/ Mắt xanh nay đã ngả màu thời gian”. Thế nhưng ông không “lão giả an chi” mà đứng ra thành lập Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài nhân lực (ISSTH), làm Viện trưởng, sau đó là Chủ tịch Hội đồng khoa học ISSTH. Ông hướng dẫn bảo vệ thành công 3 luận án tiến sĩ, tham gia 50 hội đồng chấm luận án tiến sĩ, hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp Nhà nước. Có nhiều đóng góp xuất sắc về nghiên cứu khoa học, ông Đàm Đức Vượng vinh dự được Đại học Apollos, Mỹ trao tặng bằng Giáo sư danh dự (tháng 1-2022).
PGS, TS Đàm Đức Vượng với hơn 60 năm đi theo lý tưởng cộng sản và cũng ngần ấy năm viết về Đảng, Bác Hồ. Ông là tấm gương sáng về lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, say mê khoa học, khiêm nhường trong đời sống, là hiện thân sinh động cho một điều giản dị: “Đảng viên là người không ngừng học tập và cống hiến, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào”.
Với tâm huyết nghiên cứu, viết về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cách mạng, PGS, TS Đàm Đức Vượng đã xuất bản 24 tác phẩm lịch sử, 7 tập thơ và hàng chục công trình khoa học, hàng trăm bài nghiên cứu, bài viết khoa học được đăng trong nước và quốc tế. Ông là người Việt Nam đầu tiên biên soạn sách về Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Kaysone Phomvihane, đóng góp cho quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt-Lào...